Xử lý mạnh tay về kinh tế để giải quyết những dự án “đắp chiếu”

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng, cẩn phải xử lý mạnh tay về mặt kinh tế để giải quyết dứt điểm những dự án ở khu vực “đất vàng” vẫn đang “đắp chiếu” nhiều năm qua.
Xử lý mạnh tay về kinh tế để giải quyết những dự án “đắp chiếu” ảnh 1Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường trả lời báo chí bên lề kỳ họp. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Trao đổi với báo chí bên lề Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 14, Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, cẩn phải xử lý mạnh tay về mặt kinh tế để giải quyết dứt điểm những dự án ở khu vực “đất vàng” vẫn đang “đắp chiếu” nhiều năm qua.

- Thưa Đại biểu, dư luận rất quan tâm về việc nhiều dự án nằm ở khu vực “đất vàng” nhưng vẫn dừng thi công. Ông có ý kiến gì về việc này?

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường: Những dự án đó phụ thuộc vào chủ đầu tư và mục đích đầu tư. Nếu dự án thuộc về đầu tư công như xây dựng trụ sở cơ quan công quyền thì những dự án này mặc nhiên thuộc quyền quản lý của nhà nước, phụ thuộc vào nguồn ngân sách. Tuy nhiên, nguồn ngân sách đầu tư công hiện nay có hạn chế nên nhiều dự án đầu tư công bị chậm lại. Điều này một mặt phải phân bổ ngân sách để đẩy nhanh đầu tư chứ không thể chuyển đổi mục đích các dự án đầu tư công cho các nhà đầu tư kinh doanh.

[Ngổn ngang công trình ánh sáng chậm tiến độ, bỏ hoang giữa rừng]

Còn với các dự án dành cho các nhà đầu tư thương mại thì luật pháp đã quy định rất rõ, nếu triển khai muộn quá thời hạn 12 tháng không có lý do chính đáng thì Nhà nước phải thu hồi. Nếu không muốn thu hồi thì phải xin phép gia hạn và phải có lý do để được xin phép gia hạn nhưng thời gian gia hạn đó không quá 24 tháng. Nếu không triển khai được tiếp thì đương nhiên phải thu hồi.

- Nhưng thực tế thì có nhiều dự án đang đắp chiếu nhiều năm nay mà có vẻ như vẫn chưa có hướng giải quyết, thưa ông?

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường: Đúng là trên thực tế có nhiều dự án của nhà đầu tư kinh doanh không phải là quá 24 tháng nữa mà có thể nhiều hơn mà chưa thu hồi được. Tôi cho rằng có hai nguyên nhân: Thứ nhất là chúng ta làm chưa cương quyết trong thực thi những quy định pháp luật đã có. Thứ hai là về quy định nộp tiền sử dụng đất vẫn còn để cho trường hợp dự án chưa sử dụng thì chưa thu tiền, do đó các chủ đầu tư kéo dài thời gian thực hiện.

- Theo ông, giải pháp xử lý dứt điểm vấn đề này là gì?

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường: Đứng về mặt luật pháp thì phải có sự giám sát chặt chẽ hơn và xử lý mạnh tay về mặt kinh tế. Tất cả những dự án chưa đưa được vào sử dụng trên thực tế vẫn chưa thu được tiền thuế đất. Do đó, nếu chúng ta cương quyết xử lý về kinh tế sẽ buộc các dự án không triển khai được phải chuyển đổi cho người khác hoặc đẩy nhanh tiến độ.

Biện pháp ở đây là không phải vì triển khai chậm mà không đánh thuế sử dụng đất mà phải thu đúng thời hạn cam kết.


- Thưa ông, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta phải làm gì để quản lý được nợ công?

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường:
Nợ công trong thời gian qua tăng nhanh do hai yếu tố: Thứ nhất là chúng ta đang trong quá trình đẩy mạnh đầu tư phát triển và tất yếu phải vay nợ về để đầu tư; Thứ hai nguy hại hơn là phần chúng ta vay về đầu tư công nhưng không mang lại hiệu quả, ví dụ như 12 dự án ngàn tỷ. Tiền vay đầu tư không mang lại hiệu quả thì không có nguồn thu để trả nợ gốc và lãi. Điều đó tạo ra áp lực về vấn đề nợ công.

[12 dự án yếu kém của ngành công thương: Phá sản cũng phải kiểm toán]

Trong quy định mới, chúng ta thấy người ta gắn trách nhiệm rõ hơn giữa việc quyết định vay nợ về để đầu tư công cùng với trách nhiệm trả nợ, không kể đó là doanh nghiệp hay chính quyền...

Bên cạnh đó, cần đánh giá lại rõ xem nguyên nhân vì sao các dự án đầu tư công không hiệu quả xem hổng, yếu ở chỗ nào.

Nếu làm tốt những việc này thì trong tương lai khi chúng ta đi vay tiền về để đầu tư sẽ tránh được việc đầu tư không hiệu quả, gây thất thoát, không còn tình trạng vay về mà không có khả năng trả nợ.

- Xin cảm ơn đại biểu!

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văng Cường nói về kiểm soát nợ công. 
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục