Xử lý nghiêm vụ cấp phép khống hơn 800 sản phẩm thủy sản

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Ngọc Oai cho biết quan điểm của Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn và Tổng cục xử lý nghiêm vụ việc theo quy định pháp luật, không bao che.
Xử lý nghiêm vụ cấp phép khống hơn 800 sản phẩm thủy sản ảnh 1Chế biến tôm xuất khẩu. (Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN)

Liên quan đến vụ việc Tổng cục Thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cấp phép khống hơn 800 sản phẩm thủy sản gây bức xúc trong dư luận trong thời gian qua, ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản đã chia sẻ với báo chí về quan điểm của Tổng cục thủy sản vấn đề này.


- Xin ông cho biết quan điểm của Tổng cục Thủy sản trong vụ việc này?

Ông Nguyễn Ngọc Oai: Quan điểm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Tổng cục Thủy sản là khẩn trương xác minh, xử lý nghiêm vụ việc theo quy định pháp luật; không bao che hành vi vi phạm của cán bộ; kịp thời, sớm đưa ra giải pháp, chỉ đạo việc ngăn chặn, khắc phục hậu quả để không ảnh hưởng đến sản xuất nuôi trồng thủy sản và tiêu thụ sản phẩm thủy sản.

- Xin ông cho biết chính xác vụ việc xảy ra thời điểm nào?

Ông Nguyễn Ngọc Oai: Qua xác minh nhận định thời điểm thực hiện việc ghép, thay đổi phụ lục, làm giả văn bản là từ quý 4/2014 đến tháng 4/2015, nhưng được các đối tượng ghép phụ lục, làm giả, ban hành trái quy định các văn bản có số phát hành trước tháng 10/2013. Như vậy, không phải tất cả các sản phẩm đã được Tổng cục Thủy sản cho phép lưu hành trong năm 2013 là trái quy định. Chỉ có các sản phẩm bị ghép vào Phụ lục của một số văn bản có số ban hành năm 2013 là trái quy định.

- Vậy, trước và sau thời điểm này có xảy ra tình trạng tương tự hay không, thưa ông?

Ông Nguyễn Ngọc Oai: Trước hết có thể khẳng định chắc chắn sau thời điểm tháng 4/2015 không thể xảy ra tình trạng này vì đã bị Tổng cục thủy sản phát hiện, xử lý, ngăn chặn kịp thời. Tổng cục thủy sản đã sửa đổi, bổ sung quy trình và cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã thực hiện việc giám sát chặt chẽ hơn việc công nhận các sản phẩm là vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp theo Thông tư 20/2015/TT-BNNPTNT.

Còn trước thời điểm cuối năm 2014, chưa phát hiện tình trạng tương tự, Tổng cục Thủy sản sẽ tiếp tục tiến hành rà soát việc này.

- Xin ông cho biết 802 sản phẩm bị đưa vào Danh mục được phép lưu hành trái quy định?

Ông Nguyễn Ngọc Oai: Theo báo cáo từ các địa phương, trong 802 sản phẩm được đưa vào danh mục được phép lưu hành lưu hành trái pháp luật có: 347/802 sản phẩm đã được sản xuất hoặc nhập khẩu vào Việt Nam để lưu hành; 157/802 sản phẩm mới tiến hành sản xuất thử, chưa bán ra thị trường; 210/802 sản phẩm chưa sản xuất hoặc nhập khẩu vào Việt Nam; 88/802 sản phẩm đến ngày 03/8/2016 chưa xác định được tình trạng lưu hành (do các công ty có các sản phẩm này không còn hoạt động hoặc thay đổi địa chỉ). Tổng cục Thủy sản sẽ tiếp tục làm rõ thông tin thực tế lưu hành đối với 88 sản phẩm này.

Như vậy, đến thời điểm hiện tại có 347/802 sản phẩm đã được sản xuất hoặc nhập khẩu vào Việt Nam để lưu hành trên thị trường; 367/802 sản phẩm đã bị đưa vào danh mục nhưng chưa được sản xuất, chưa được lưu hành. Có 88/802 sản phẩm đến ngày 3/8 chưa xác định được tình trạng lưu hành.

- Tổng cục Thủy sản đã khắc phục hậu quả như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Ngọc Oai: Ngày 17/6/2015 Tổng cục Thủy sản ban hành Công văn số 1512/TCTS-VP thông báo thu hồi các văn bản, phụ lục văn bản đã được các công chức, viên chức phát hành trái quy định của pháp luật.

Tại công văn này Tổng cục Thủy sản đã nêu rõ tên các doanh nghiệp có sản phẩm bị thu hồi; số văn bản, phụ lục văn bản bị thu hồi; các sản phẩm bị thu hồi trong từng văn bản; khẳng định từ ngày 18/6/2015 sản phẩm có tên tại các văn bản hoặc phần phụ lục bị thu hồi không có hiệu lực lưu hành tại Việt Nam. Công văn này đã được gửi tới Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các Chi cục quản lý Nhà nước về thủy sản và đăng tải rộng rãi trên mạng Internet.

Ngày 30/6/2015, Tổng cục Thủy sản ban hành Công văn 1656/TCTS-PCTTr yêu cầu các doanh nghiệp có sản phẩm thu hồi thống kê, báo cáo tình hình sản xuất, kinh doanh các sản phẩm bị thu hồi.

Ngày 29/7/2015, tại Thành phố Hồ Chí Minh Tổng cục Thủy sản chủ trì, phối hợp với Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, A86 tổ chức hội nghị với các cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản địa phương để thông báo về sự việc đã xảy ra; hướng dẫn cách thức kiểm tra, giám sát đối với các sản phẩm bị thu hồi và hướng xử lý trong thời gian tiếp theo nhằm đảm bảo lợi ích cho người dân cũng như ổn định sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp.

Ngày 12/8/2015 Tổng cục Thủy sản ban hành Công văn 2710/TCTS-PCTTr hướng dẫn cụ thể việc xử lý đối với từng nhóm sản phẩm bị thu hồi để doanh nghiệp và địa phương thống nhất thực hiện. Tổ chức Đoàn kiểm tra đột xuất (thành phần gồm Tổng cục Thủy sản, cơ quan quản lý Nhà nước về thủy sản địa phương, A86) tại Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có nhiều doanh nghiệp có sản phẩm bị thu hồi. Hiện tại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các sản phẩm này tại địa phương.

Từ những sai sót trên Tổng cục Thủy sản đã chấn chỉnh công tác tiếp nhận hồ sơ, cơ chế giám sát chặt chẽ trong nội bộ Tổng cục Thủy sản; áp dụng việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả thủ tục hành chính theo mô hình một cửa.

Việc trình văn bản để công nhận sản phẩm được lưu hành do Vụ Nuôi trồng thủy sản và Trung tâm Khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản đồng trình. Tại văn bản do lãnh đạo Tổng cục Thủy sản ký đã xác định rõ số lượng sản phẩm, số trang của các phụ lục được ban hành kèm theo văn bản.

- Xin ông cho biết thời gian tới Tổng cục thủy sản sẽ triển khai các biện pháp gì để không xảy ra vụ việc tương tự?

Ông Nguyễn Ngọc Oai: Thời gian tới Tổng cục Thủy sản sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản địa phương tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra đối với vật tư đầu vào trong nuôi trồng thủy sản (đặc biệt là các sản phẩm đã bị đưa vào lưu hành trái quy định); phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền để xử lý dứt điểm, triệt để vụ việc theo quy định pháp luật.

Đồng thời, Tổng cục Thủy sản đã và tiếp tục kiện toàn đội ngũ cán bộ trực tiếp thi hành công vụ, tiếp nhận, xử lý thủ tục hành chính; tăng cường tính công khai minh bạch, chống tiêu cực trong các hoạt động liên quan đến doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát tổng thể toàn bộ danh mục được phép lưu hành đối với thức ăn thủy sản và chất xử lý cải tạo môi trường trên phạm vi toàn quốc để chấn chỉnh và xử lý nghiêm các vi phạm.

Theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tổng cục Thủy sản sẽ tiếp tục thực hiện triệt để cải cách hành chính; dự kiến sẽ đề xuất với Bộ thay đổi cách quản lý vật tư đầu vào trong sản xuất nông nghiệp thông qua danh mục như hiện nay bằng việc quản lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, gắn với quản lý theo hệ thống và chuỗi giá trị sản phẩm.


Xin cảm ơn ông
./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục