Xử lý nợ xấu vẫn vướng về mua bán nợ, xử lý tài sản đảm bảo

Theo các chuyên gia tài chính ngân hàng, việc xử lý nợ xấu hiện nay đang gặp 2 vướng mắc là cơ chế mua bán nợ và xử lý tài sản đảm bảo.
Xử lý nợ xấu vẫn vướng về mua bán nợ, xử lý tài sản đảm bảo ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietcombank)

Đã hơn một năm đề án xử lý nợ xấu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; trong đó, sự ra đời của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) được ví như giải pháp chủ đạo để xử lý nợ xấu.

Cuối năm 2013, ngay sau khi đi vào hoạt động, VAMC đã ồ ạt mua lại nợ xấu từ các tổ chức tín dụng với hơn 39.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, tốc độ có vẻ như đang chậm lại với khoảng 6.300 tỷ đồng nợ xấu được mua, đưa tổng quy mô nợ đã mua lại lên hơn 45.000 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh thanh tra Cơ quan giám sát Ngân hàng Nhà nước nhìn nhận, thời gian qua, việc mua nợ xấu của VAMC đã chậm lại. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là tiến trình xử lý nợ xấu của ngân hàng chậm lại. Sự chậm trễ này cũng có một phần nguyên nhân do Ngân hàng Nhà nước phê duyệt phương án phát hành trái phiếu đặc biệt cho VAMC chậm so với dự kiến.

Còn theo tiến sỹ Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng, câu chuyện xử lý nợ xấu hiện nay gặp 2 vướng mắc, thứ nhất, liên quan đến cơ chế mua bán nợ. Sau khi VAMC đã gom nợ rồi thì vấn đề đặt ra là sẽ xử lý thế nào, bán thế nào, bán cho ai ? Thứ hai, là câu chuyện liên quan đến xử lý tài sản đảm bảo. Hiện nay VAMC chưa có được quyền đặc biệt như bán tài sản đảm bảo mà không cần phải xin sự chấp thuận của bên đi vay.

Cùng quan điểm này, tiến sỹ Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cũng nhận định, nếu xét về quy mô mua nợ xấu, VAMC đã cơ bản xử lý được phần nợ xấu theo báo cáo từ phía các ngân hàng thương mại đưa lên và cơ quan này đã đi được một nửa chặng đường trong tiến trình xử lý nợ xấu. Công việc tiếp theo mà VAMC sẽ phải thực hiện, đó là xử lý các khoản nợ xấu đã mua và đặc biệt, thúc đẩy quy định về mặt pháp lý để xử lý được tài sản đảm bảo, tài sản thế chấp để góp phần xử lý nợ xấu; đồng thời ngăn chặn nợ xấu phát sinh.

Tuy nhiên, VAMC triển khai xử lý các khoản nợ xấu đã mua thế nào lại là một vấn đề. Tiến sỹ Vũ Đình Ánh cho rằng, vấn đề này cần sự phối hợp không chỉ từ phía các ngân hàng thương mại với cơ quan quản lý với VAMC mà còn là sự phối hợp với các bộ ngành khác nữa, bởi nó liên quan khá nhiều tới các lĩnh vực mà hiện nay thuộc quyền quản lý Nhà nước của các bộ ngành khác.

Tiến sỹ Vũ Đình Ánh cũng nhìn nhận, thời gian qua, các ngân hàng thương mại có vai trò rất tích cực trong xử lý nợ xấu. Việc đầu tiên mà họ làm được là trích lập dự phòng rủi ro và sử dụng dự phòng rủi ro của họ để xử lý các khoản nợ xấu. Trong thực tế, trong năm 2013, khoảng 70.000 tỷ đồng đã được các ngân hàng thương mại tự xử lý thông qua hình thức sử dụng dự phòng rủi ro.

Ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc Ngân hàng Công Thương Việt Nam (Vietinbank) cho biết, Vietinbank trong thời gian qua đã rất tích cực xử lý các khoản nợ không sinh lời, nợ xấu. Với những khoản nợ được xác định là nợ xấu, Vietinbank cũng đã có những giải pháp tích cực để xử lý tối ưu nhất. Với những khách hàng còn khả năng phát triển hoạt động kinh doanh, nếu có phương án khắc phục được khó khăn thì Vietinbank có thể cùng với doanh nghiệp xây dựng phương án để vượt qua khó khăn đó, đồng thời, ngân hàng cũng sẽ xem xét và tái cơ cấu lại các khoản nợ cho doanh nghiệp, có thể điều chỉnh lại thời hạn cho vay, kỳ hạn trả nợ cũng như lãi suất.

Với những khoản nợ mà không còn có những biện pháp để có thể tái cơ cấu, Vietinbank áp dụng những biện pháp cụ thể, kiên quyết xử lý, thu hồi nợ trên tinh thần chủ động phối hợp với khách hàng. Trong trường hợp cần thiết, có thể phối hợp với cơ quan pháp luật.

“Đồng thời Vietinbank cũng quản lý chặt chẽ các khoản chi phí để tăng cường trích lập dự phòng rủi ro nhằm xử lý rủi ro. Trong thời gian gần đây, chúng tôi cũng đã rà soát các danh mục, các khoản nợ không sinh lời, nợ xấu để có giải pháp cụ thể, trong đó có giải pháp đàm phán và bán nợ xấu cho VAMC,” Tổng giám đốc Vietinbank nói.

Dù đã đi được một chặng đường dài trong tiến trình xử lý nợ xấu, nhưng các chuyên gia kinh tế vẫn lo ngại, áp lực đối với nhận diện nợ xấu sẽ lớn hơn trong thời gian tới khi từ ngày 1/6 khi Thông tư số 02/2013/TT-Ngân hàng Nhà nước (Thông tư 02) quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng bắt đầu có hiệu lực.

Cùng với đó, tại Thông tư số 09/2014/TT-NHNN (Thông tư 09) sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 02, quy định ngân hàng được cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đến ngày 1/4/2015, nghĩa là gần một năm nữa việc tái cơ cấu lại nợ mà không phải chuyển nhóm sẽ phải chấm dứt.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước), việc áp dụng Thông tư 09 có thể làm nợ xấu tăng lên, nhưng rõ ràng Thông tư 09 đã tạo hành lang pháp lý và giúp các tổ chức tín dụng phân loại nợ xấu tốt hơn, qua đó, thúc đẩy quá trình cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng và đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu.

“Thời gian qua, hệ thống ngân hàng cũng đã rất tích cực trong quá trình xử lý nợ xấu. Diễn biến quá trình xử lý nợ xấu đã rất khả quan. VAMC đang nhận hồ sơ đề nghị bán nợ của các TCTD, trị giá khoảng 30.000 tỷ đồng. Với những diễn biến này, dự kiến đến hết 2014, VAMC có thể mua được khoảng 70.000 đến 100.000 tỷ đồng nợ xấu,” Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ nói.

Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, đến tháng 4/2014, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống vào khoảng 4,01%. Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong thời gian qua, hệ thống ngân hàng đã tích cực thực hiện nhiều giải pháp để xử lý nợ xấu.

Về phía các tổ chức tín dụng, tăng cường trích lập dự phòng rủi ro, sử dụng dự phòng để xử lý nợ xấu, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho các doanh nghiệp, tích cực thu hồi nợ vay mở rộng tín dụng đi đôi với chất lượng tín dụng để đảm bảo nợ xấu không phát sinh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục