Xử lý ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng từ tháng Tư

Công tác xử lý môi trường trong khuôn khổ Dự án xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng sẽ bắt đầu vào tháng Tư.
Xử lý ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng từ tháng Tư ảnh 1Hoàn thiện phần bên trong của kết cấu mố tại Sân bay Đà Nẵng. (Ảnh: Văn Sơn/TTXVN)

Công tác xử lý môi trường giai đoạn 1 trong khuôn khổ Dự án xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng sẽ bắt đầu vào tháng Tư tới.

Thông báo này được đưa ra tại buổi cung cấp thông tin cho người dân về tiến độ Dự án xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Quân chủng Phòng không-Không quân, Bộ Quốc phòng phối hợp với Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng tổ chức ngày 25/3, tại thành phố Đà Nẵng.

Theo đánh giá của chủ dự án (Quân chủng Phòng không-Không quân, Bộ Quốc phòng Việt Nam), dự án vẫn đang được triển khai đúng tiến độ và đáp ứng mục tiêu hoàn thành xử lý ô nhiễm vào năm 2016.

Ông Joakim Parker, Giám đốc USAID Việt Nam cho biết có được điều này là nhờ sự hợp tác hiệu quả giữa USAID và các cơ quan của Chính phủ Việt Nam, đặc biệt là Bộ Quốc phòng, Quân chủng Phòng không-Không quân và Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng.

Đến nay, các hạng mục của dự án bao gồm mố chứa và xử lý đã được đổ đầy với 45.000m3 đất và bùn ô nhiễm dioxin; lắp đặt hệ thống xử lý IPTD (giai đoạn 1); xây dựng 1.254 giếng truyền nhiệt; xây dựng trạm xử lý hơi, chất lỏng; tháo nước Hồ Sen giai đoạn 2; thi công khu vực chất bùn tạm thời.

Việc xử lý (đốt nóng) giai đoạn 1 sẽ bắt đầu thực hiện trong tháng Tư. Khoảng 95% dioxin sẽ bị phân hủy trong mố. Bất kỳ lượng dioxin nào còn sót lại sẽ được thu gom dưới dạng hơi và dạng lỏng và được xử lý trong hệ thống xử lý thứ cấp xây dựng ngay bên cạnh. Hệ thống xử lý này sẽ được giám sát để đảm bảo dioxin không bị phát tán ra không khí hoặc nguồn nước xung quanh.

Về kết quả quan trắc không khí xung quanh ở giai đoạn 1 của dự án, các cơ quan chức năng đang quan trắc bụi liên tục xung quanh khu vực đào xúc và bụi đã được duy trì ở mức an toàn. Tất cả các mẫu phân tích dioxin xung quanh khu vực đào xúc đều ở mức an toàn dưới mức hành động.

Ngoài ra, các cách ngăn ngừa phát tán ô nhiễm ra không khí trong quá trình đào xúc cũng được đảm bảo bằng cách quan trắc tốc độ gió, không thi công khi có gió lớn; phun nước các khu vực thi công để ngăn chặn bụi lơ lửng; che chắn đất trên xe tải trong khi vận chuyển.

Việc thu gom và xử lý nước thải trong quá trình đào xúc cũng được xử lý nghiêm ngặt, thu giữ tất cả nước phát sinh trong quá trình xử lý, qua đó kiểm soát độ đục liên tục; các biện pháp kiểm soát độ đục có hiệu quả và độ đục được duy trì ở mức an toàn. Tất cả các mẫu nước đều ở mức an toàn trước khi xả ra môi trường.

Công việc trọng tâm trong năm 2014 gồm xử lý giai đoạn 1; bắt đầu đào bùn và làm khô bùn giai đoạn 2; lấy mẫu đất đã xử lý giai đoạn 1 để xác nhận hiệu quả của việc xử lý; lấy đất đã xử lý ở giai đoạn 1 ra khỏi mố chứa...

Đà Nẵng là một trong ba "điểm nóng" dioxin ở Việt Nam. Theo đánh giá môi trường năm 2009, ước tính có gần 73.000m3 đất bị nhiễm dioxin.

Dự án xử lý được thiết kế để tiêu hủy toàn bộ dioxin và đã được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Quốc phòng phê duyệt năm 2011. Mục tiêu của dự án là làm sạch dioxin, ngăn ngừa phát tán chất ô nhiễm ra ngoài công trường và bảo vệ sức khỏe an toàn cho cư dân, các cộng đồng xung quanh, nhân viên sân bay...

Dự án do USAID tài trợ với tiến độ thực hiện từ năm 2011-2015./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục