Xử lý vi phạm an toàn đường sắt: Cần cái nhìn mới

Để xử lý vi phạm an toàn giao thông đường sắt các ngành chức năng cần có cái nhìn mới, chứ không chỉ tập trung xử phạt, tuyên truyền.
Vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt từ đầu năm đến nay diễn biến phức tạp, là nguyên nhân chính gây ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, gây bức xúc dư luận.

Nhiều vi phạm khi được phân tích nguyên nhân cho thấy không chỉ xuất phát từ sự thiếu ý thức tự giác chấp hành luật giao thông, mà còn do sự bất cẩn của người tham gia giao thông.

Vì vậy, để xử lý, các ngành chức năng cần có cái nhìn mới, chứ không thể chỉ tập trung xử phạt và tuyên truyền.

Tai nạn trực chờ

Theo Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt thuộc Bộ Công an, chỉ riêng trong 2 tháng 10 và 11 năm nay, bình quân mỗi tháng xảy ra khoảng 150 vụ tai nạn giao thông đường sắt, làm hàng chục người chết và bị thương nặng. Nhiều vụ tai nạn do lỗi của người tham gia giao thông sơ suất, không chú ý quan sát khi đi ngang qua đường sắt.

Còn theo thống kê về nguyên nhân các vụ tai nạn giao thông đường sắt từ đầu năm đến nay cho thấy, có tới gần 80% do người đi bộ, người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ qua đường sắt không chú ý tàu; 10% số vụ do người dân đi, đứng, nằm và ngồi trên đường sắt; số còn lại do người, phương tiện tham gia giao thông cố tình vượt qua chắn đường ngang cảnh báo tự động và biển báo.

Tình trạng vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt đã đẩy tình hình trật tự an toàn giao thông đường sắt diễn biến ngày càng phức tạp, gây nhiều khó khăn, thách thức cho các cơ quan chức năng.

Mới đây, ngày 22/11, tại km 27+400 đường sắt, khu chợ Tía-Đỗ Xá thuộc huyện Thường Tín, Hà Nội, trên tuyến đường sắt Bắc-Nam đã xảy ra vụ tai nạn giữa tàu Thống Nhất 1 chạy tuyến Hà Nội -Thành phố Hồ Chí Minh với xe ôtô chở khách làm 19 người chết và bị thương.

Đáng chú ý là trong vụ tai nạn thảm khốc này, cụm đèn báo hiệu giao thông đường sắt nút giao cắt tại đây đã ngừng hoạt động do bị hỏng, nên ngành đường sắt mới chỉ treo biển cảnh báo thiết bị hỏng, trong khi mật độ người và phương tiện qua lại khu vực này lớn. Thêm vào đó, khu vực này từ lâu đã trở thành “chợ cóc” buôn bán, kinh doanh đủ thứ của một số hộ dân, khiến lái xe bị che khuất tầm nhìn.

Đoạn đường sắt qua huyện Thanh Trì và tuyến đường sắt chạy dọc Quốc lộ 1A (cũ) trên đường Giải Phóng, Hà Nội đang là những điểm nóng về những nguy cơ trực chờ tai nạn giao thông xảy ra.

Khu vực này hiện có nhiều nhà dân căng bạt, bầy biện hàng hóa ngay sát đường ray để kinh doanh buôn bán, hệ thống đường ngang dân sinh do người dân tự mở mọc lên vô tội vạ trên cả đoạn tuyến dài gần 10km, lấn chiếm hành lang an toàn giao thông... Đáng lưu ý là còn nhiều đoạn chưa được lắp rào chắn sắt, thậm chí trở thành sân chơi "bất đắc dĩ" của trẻ em.

Theo khảo sát của Cục Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt, cả nước hiện có tới gần 6.000 điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt (đường ngang hợp pháp và điểm giao cắt dân sinh) luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.

Còn Tổng công ty đường sắt Việt Nam xác định được gần 12.000 điểm vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt tại 33 tỉnh, thành phố, trong đó riêng 3 thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh có trên 4.200 điểm vi phạm, tăng hàng trăm điểm so với năm ngoái.

Ngoài những nguyên nhân nêu trên, tình hình trộm cắp vật tư thiết bị đường sắt, ném đất đá lên tàu xảy ra ở nhiều địa phương đến nay vẫn chưa được phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả; công tác quản lý, xử lý tình trạng mở đường ngang, vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt và việc phối hợp đồng bộ giữa chính quyền địa phương với các lực lượng chức năng còn hạn chế... đã gián tiếp làm tình trạng vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt diễn biến phức tạp.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Phó Cục trưởng Cục đường sắt Việt Nam thuộc Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Doanh cho biết nếu không có một sự quản lý, phối hợp chặt chẽ từ ngành đường sắt, công an đến chính quyền địa phương trong việc thực hiện đồng bộ các giải pháp kiềm chế tai nạn giao thông đường sắt sẽ rất khó quản lý các vi phạm liên quan đến hành lang an toàn giao thông đường sắt.

Cục đường sắt đang rà soát tất cả các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt trên cả nước, xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch dồn đường dân sinh trái phép vào một lối đi chung với khoảng cách 500m sẽ có một lối đi chung, tiến tới xóa bỏ khoảng 50% các đường dân sinh.

Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tình thế trước mắt, việc tăng cường phối hợp liên ngành để thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường sắt mới là giải pháp lâu dài.

Thực hiện Quyết định 1856/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ra ngày 27/12/2007, về lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, Tổng Công ty đường sắt Việt Nam từ năm 2009 đã triển khai giai đoạn 2 dự án đền bù, giải tỏa hành lang an toàn giao thông đường sắt; cưỡng chế, giải tỏa công trình vi phạm; lập đường gom, rào cách ly; xây dựng hàng rào hộ lan ngăn cách đường bộ; xây dựng đường ngang mới, làm cầu vượt, hầm chui...

Tuy nhiên, để làm tốt việc hạn chế tai nạn giao thôngđường sắt, trách nhiệm không chỉ của riêng ngành đường sắt, mà đòi hỏi sự đồng thuận, triển khai ở các cấp, các ngành, các địa phương có đường sắt đi qua, mới hy vọng kiềm chế được tai nạn giao thông đường sắt.

Còn theo các chuyên gia ngành đường sắt, việc đường bộ giao cắt với đường sắt tràn lan, trong khi ngành đường sắt lại chưa có điều kiện bố trí người gác ở hầu hết các đường ngang, nên vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt và tai nạn rất dễ xảy ra.

Do đó, giải pháp khả thi là đầu tư xây dựng tường rào dọc theo các tuyến đường sắt để bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường sắt; xây dựng các đường gom, cầu vượt, hầm chui qua đường sắt tùy theo những đường ngang có mật độ lưu thông lớn nhỏ; đồng thời thường xuyên tuyên truyền, giáo dục ý thức cho người dân sống ven đường sắt và các khu vực lân cận.

Theo Nghị định số 44/2006/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt hành chính vi phạm quy định về kết cấu hạ tầng đường sắt, các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ công trình đường sắt sẽ bị phạt tiền từ 3-20 triệu đồng đối với các hành vi như đổ nước, chất độc hại, chất phế thải, chất dễ cháy, dễ nổ lên đường sắt trái phép; che khuất biển hiệu, mốc hiệu, tín hiệu của công trình đường sắt; đào đất, lấy đá trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt, hành lang an toàn giao thông đường sắt; làm hỏng, tự ý tháo dỡ tường rào ngăn cách giữa đường sắt và đường bộ.

Sử dụng chất nổ khai thác đá, cát, sỏi làm lún, nứt, sạt lở, rạn vỡ côgn trình đường sắt, cản trở giao thông đường sắt; tự ý mở đường ngang, tháo dỡ, làm xê dịch ray, tà vẹt, cấu kiện, phụ kiện, vật tư, trang thiết bị, hệ thống thông tin tín hiệu của đường sắt..., cũng bị phạt với mức trên.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục