Xử phạt vi phạm giao thông qua "hộp đen" ở ôtô

Từ 1/7 tới, thiết bị giám sát hành trình GPS (hộp đen) sẽ được lắp đặt để giám sát chặt tài xế mà lại giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp.
Bắt đầu từ ngày 1/7 tới, tất cả xe kinh doanh vận tải hành khách trên tuyến cố định có cự ly từ 500 km trở lên, xe kinh doanh vận chuyển khách du lịch, xe ôtô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container sẽ phải gắn thiết bị giám sát hành trình GPS (còn gọi là hộp đen).

Theo các chuyên gia ngành công nghệ thông tin, thiết bị "hộp đen" giúp giám sát chặt chẽ tài xế và ôtô, đồng thời giảm thiểu rất nhiều chi phí trong quản lý của doanh nghiệp.

Giảm thiểu nhiều chi phí

Việc lắp đặt thiết giám sát hành trình đảm bảo được các tiêu chí cần kiểm tra, kiểm soát như lái xe không được lái quá 4 tiếng, gây mệt mỏi, ngủ gật; xe khách tránh dừng đỗ bừa bãi trên đường, mở cửa xe khi đang chạy gây mất an toàn, chạy vượt tốc độ...

Khi lắp thiết bị này, chính bản thân người lái xe sẽ phải có ý thức hơn trong việc tuân thủ quy định.

Không chỉ thế, hộp đen cũng giúp doanh nghiệp quản lý phương tiện của mình khoa học và dễ dàng hơn, tăng tính an toàn và giảm chi phí.

Đại diện công ty Mai Linh, một trong nhiều đơn vị đi tiên phong trong việc lắp đặt hộp đen, cho biết thiết bị này giúp doanh nghiệp đạt được lợi nhuận cao hơn chi phí bỏ ra ban đầu. Doanh nghiệp có thể giảm số lượng nhân công, thanh tra; dễ dàng quản lý hoạt động của các đầu phương tiện, giờ xuất bến, giờ đến bến, thời gian dừng xe... từ đó giảm thiểu chi phí, nâng cao hiệu suất khai thác.

“Chi phí bỏ ra cho việt lắp đặt GPS là không nhỏ, đấy cũng có thể xem là một trở ngại. Tuy nhiên, về lâu dài, lợi ích của nó mang lại cao hơn vốn bỏ ra rất nhiều. Chỉ cần 3 tháng là có thể thu hồi vốn, vì tiết kiệm được nhiều chi phí khác. Nếu không có GPS chúng ta phải thuê người để thanh tra, kiểm soát, việc này mất nhiều công sức, thời gian, nhưng không đảm bảo tính khách quan,” vị đại diện này nhận định.

Theo ông Nguyễn Hoàng Linh, chuyên gia về GPS, giám đốc công ty cổ phần Định vị Tiên Phong (ITD Location), hiện nay nước ta có gần 300.000 xe, tăng 12% mỗi năm. Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình giúp báo thời gian xe đi, đến, việc tính giá cước cho hành khách, doanh nghiệp có thể chủ động hơn trong việc quản lý đầu xe, lưu lượng tuyến và chất lượng tuyến.

Xử phạt thông qua thiết bị

Ông Cao Xuân Hồng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Cảnh sát về trật tự xã hội (Bộ Công an), cho rằng việc lắp hộp đen sẽ tạo chuyển biến đáng kể trong ý thức chấp hành giao thông của tài xế.

“Khi quy định lắp hộp đen có hiệu lực, ngành công an hoàn toàn có thể sử dụng những thông số trong hộp đen để “phạt nguội” các hành vi vi phạm,” ông Hồng cho hay.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam, nếu cảnh sát giao thông cần cung cấp số liệu để có những kết luận chính xác nguyên nhân gây nên tai nạn giao thông thì thiết bị giám sát sẽ đáp ứng được những yêu cầu đó.

“Hiện Hiệp hội ô tô vận tải cũng đang kiến nghị với Bộ Giao thông vận tải lùi thời gian có hiệu lực gắn thiết bị giám sát hành trình đến ngày 28/7. Bởi, theo ông Hùng, việc lắp đặt thiết bị này là mới ở Việt Nam nên cần phải có thời gian kiểm nghiệm thẩm định chất lượng của thiết bị. Bên cạnh đó, còn cần phải có quy định rõ của nhà nước về tiêu chuẩn của thiết bị.

Nhu cầu tăng cao và những bất cập

Hiện đã có nhiều doanh nghiệp vận tải hành khách, hàng hóa ứng dụng công nghệ GPS vào công tác quản lý và điều hành đoàn xe nhưng vẫn còn khiêm tốn so với yêu cầu và tiềm năng.

Theo ông Linh, sẽ có khoảng 100.000-150.000 đầu xe có nhu cầu ứng dụng công nghệ GPS. Khi Nghị định triển khai, ước tính mỗi ngày phải có 20 đầu xe được gắn thiết bị, trung bình mỗi doanh nghiệp phải lắp thiết bị cho khoảng 3.000-5.000 xe trong 6 tháng.

Do đó, các doanh nghiệp GPS cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng mới đáp ứng được nhu cầu. Hiện Việt Nam có khoảng 30 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ GPS.

Ông Nguyễn Văn Ích, Vụ phó Vụ Khoa học Công nghê (Bộ Giao thông vận tải) cho hay các thiết bị GPS phải tối thiểu đạt được các quy chuẩn quy định trong bộ Quy chuẩn quốc gia. Để thử nghiệm, các đơn vị sản xuất phải tới các cơ quan đăng kiểm được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp phép.

Một thắc mắc được không ít người đặt ra khi thời hạn 1/7 phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đã tới gần nhưng các văn bản hướng dẫn, quy định… vẫn chưa được Bộ ban hành đầy đủ.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó viện trưởng Viện Quy hoạch và Quản lý Giao thông vận tải (Trường Đại học Giao thông vận tải) cũng bày tỏ quan ngại khi hiện vẫn chưa có các văn bản quy định quy chuẩn, tiêu chuẩn cụ thể về mã nguồn phần mềm hệ thống, dải tần số thiết bị, độ chính xác của thông tin (địa lý, thời gian), vấn đề bảo mật  và chia sẻ thông tin…

“Trong quá trình vận hành, liên kết giữa nhà nước và doanh nghiệp nếu phát sinh vấn vấn đề tranh chấp pháp lý thì doanh nghiệp phải xử lý như thế nào, trách nhiệm của nhà nước ra sao…, hiện vẫn chưa có quy định cụ thể,” ông Hùng lấy ví dụ.

Về giải pháp giảm thiểu chi phí lắp đặt và vận hành hệ thống GPS của doanh nghiệp vận tải, chuyên gia Nguyễn Hoàng Linh đề xuất ý tưởng  thành lập các công ty Trung chuyển dữ liệu LMS (Location Middle System), đơn vị này sẽ có chức năng tiếp nhận thông tin từ các máy GPS chuyển về, sau đó xử lý, lưu trữ và chuyển báo cáo về cho trung tâm quản lý của các doanh nghiệp vận tải./.

Mạnh Hùng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục