Xử phúc thẩm Hà Văn Thắm: Luật sư đề nghị triệu tập thêm bên liên quan

Tiếp tục phiên xét xử phúc thẩm vụ án Hà Văn Thắm, chiều 18/4, Hội đồng xét xử phúc thẩm tiếp tục hoàn tất phần thủ tục, công bố nội dung tóm tắt bản án sơ thẩm và các nội dung kháng cáo.
Xử phúc thẩm Hà Văn Thắm: Luật sư đề nghị triệu tập thêm bên liên quan ảnh 1Luật sư Vũ Xuân Nam trả lời các câu hỏi của Hội đồng xét xử. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Tiếp tục phiên xét xử phúc thẩm vụ án Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Đại Dương - OceanBank) cùng các đồng phạm, chiều 18/4, Hội đồng xét xử phúc thẩm tiếp tục hoàn tất phần thủ tục, công bố nội dung tóm tắt bản án sơ thẩm và các nội dung kháng cáo.

Luật sư đề nghị triệu tập thêm các bên liên quan

Tại phiên chiều 18/4, trước câu hỏi của Chủ tọa, tất cả bị cáo và các bên có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đều không rút đơn kháng cáo và vẫn giữ nguyên nội dung kháng cáo. Riêng Luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Minh Thu (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, nguyên Tổng Giám đốc OceanBank) bổ sung nội dung kháng cáo bản án sơ thẩm liên quan việc bị cáo Nguyễn Minh Thu phải bồi hoàn số tiền 50 tỷ đồng cho OceanBank.

Nhiều bị cáo và các bên liên quan mời luật sư bào chữa, trong đó bị cáo Nguyễn Xuân Sơn có 5 Luật sư, bị cáo Hà Văn Thắm có 4 Luật sư, bị cáo Phạm Công Danh 3 Luật sư. Các bị cáo không mời Luật sư được tòa chỉ định luật sư bào chữa để bảo vệ quyền lợi cho bị cáo.

Phiên tòa có sự tham gia của 32 Luật sư và triệu tập trên 120 người tham gia tố tụng khác. Ngoài ra, tại phiên tòa, các Luật sư còn đề nghị triệu tập thêm nhiều cá nhân, đại diện các cơ quan như Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước... đến để làm rõ thêm các vấn đề. Về đề nghị này, Hội đồng xét xử cho rằng, trong quá trình xét xử nếu thấy cần thiết sẽ triệu tập.

Ngày đầu phiên tòa phúc thẩm, nhiều người được Tòa triệu tập đã không có mặt. Do đó, Chủ tọa yêu cầu tất cả người được triệu tập (trừ các bị cáo đã có đơn xin xét xử vắng mặt được chấp thuận) phải có nghĩa vụ đến phiên tòa trong tất cả các phiên. Nếu không đến (các bị cáo đang được tại ngoại, cấm đi khỏi nơi cư trú) thì sẽ bị áp giải, thậm chí là bắt tạm giam để phục vụ cho quá trình xét xử dài ngày.

Phần xét hỏi sẽ được bắt đầu từ phiên sáng 19/4.

Tóm tắt bản án sơ thẩm

Tại phiên chiều 18/4, Chủ tọa phiên tòa thông báo nội dung tóm tắt bản án sơ thẩm. Theo đó, trong quá trình hoạt động từ năm 2008-2014, OceanBank đã để xảy ra nhiều vi phạm trong việc cho vay, huy động tiền gửi, chi lãi vượt trần, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, tham ô tài sản gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước, OceanBank và tổ chức cá nhân; ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thực hiện chính sách tiền tệ của Nhà nước và các hậu quả, hệ lụy khác.

Về hành vi vi phạm trong việc cho Công ty Trung Dung vay 500 tỷ đồng, các bị cáo Hà Văn Thắm cùng các đồng phạm đã vi phạm quy định về cho vay không đúng mục đích, vay không đủ tài sản thế chấp và trái quy định. Hà Văn Thắm phải chịu trách nhiệm chính, Hứa Thị Phấn là đồng phạm tích cực và là người thụ hưởng, sử dụng toàn bộ số tiền. Còn các bị cáo khác, trong đó có Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Thiên Thanh) cũng là đồng phạm và phải liên đới chịu trách nhiệm.

Về hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn, chiếm đoạt hơn 69 tỷ đồng thông qua Công ty cổ phần BSC Việt Nam, các bị cáo biết rõ Công ty BSC do Hà Văn Thắm thành lập nhưng vẫn sử dụng Công ty này để thu phí trái quy định và dùng tiền đó để chi trả cho Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Tổng Giám đốc OceanBank). Hà Văn Thắm và Nguyễn Xuân Sơn đã phạm tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản và tình tiết tăng nặng là chiếm đoạt 500 triệu đồng trở lên, nên bị mức án cao mới thỏa đáng. Các bị cáo còn lại là đồng phạm giúp sức.

Về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, các bị cáo nguyên là lãnh đạo OceanBank đã cố ý làm trái khi chi trả lãi suất vượt trần của Nhà nước và gây thiệt hại hơn 1.576 tỷ đồng cho ngân hàng, trong đó trách nhiệm cao nhất thuộc về Hà Văn Thắm, Nguyễn Minh Thu… tiếp đến là các lãnh đạo cấp khối và sau là giám đốc các chi nhánh.

Về hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt hơn 197 tỷ đồng và tham ô 49 tỷ đồng, Hội đồng xét xử sơ thẩm cho rằng hành vi của Hà Văn Thắm và Nguyễn Xuân Sơn trong việc lấy tiền của ngân hàng để chi lãi ngoài, chi chăm sóc khách hàng là đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm tài sản của Nhà nước, của tổ chức.

Theo Hội đồng xét xử sơ thẩm, hậu quả của các hành vi phạm tội là một chuỗi các mắt xích hoạt động liên kết với nhau, từ người lãnh đạo đề ra chủ trương, ý tưởng, chỉ đạo, triển khai trên toàn hệ thống, từ Tổng Giám đốc đến các Phó Tổng giám đốc, các khối, ban ở Hội sở xuống các chi nhánh, phòng giao dịch đến từng cán bộ, nhân viên của OceanBank.

Trong đó, bị cáo Hà Văn Thắm được xác định là người ra chủ trương trên toàn hệ thống OceanBank, trực tiếp chỉ đạo các Phó Tổng giám đốc Oceanbank và các khối, ban, chi nhánh, phòng giao dịch chi trả lãi ngoài cho các khách hàng trên toàn hệ thống.

Tại bản án sơ thẩm đã tuyên của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, bị cáo Hà Văn Thắm bị tuyên phạt 19 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng,” 18 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng,” tù chung thân về tội “Tham ô tài sản,” 20 năm tù về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.” Tổng hợp hình phạt chung, Hà Văn Thắm bị phạt tù chung thân về cả 4 tội danh.

Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Tổng Giám đốc OceanBank) bị phạt 17 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng;” tù chung thân về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản;” tử hình về tội “Tham ô tài sản”; tổng hợp buộc bị cáo Nguyễn Xuân Sơn phải chấp hành hình phạt chung của 3 tội là: tử hình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục