Xuất hiện bốn bệnh nhân mắc bệnh liên cầu lợn

Theo Giám đốc Bệnh viện bệnh nhiệt đới Trung ương, viện đang điều trị bốn bệnh nhân mắc bệnh liên cầu lợn, trong đó có hai ca nặng.
Ngày 28/4, tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống đại dịch cúm ở người, Giám đốc Bệnh viện bệnh nhiệt đới Trung ương Nguyễn Văn Kính cho biết cùng với điều trị các bệnh về cúm, tại Bệnh viện đang điều trị cho bốn bệnh nhân mắc bệnh liên cầu lợn, trong đó có hai trường hợp nặng phải thở máy.

Thông thường những người bị nhiễm liên cầu lợn do tiếp xúc trực tiếp với lợn ốm, lợn chết hoặc ăn tiết canh, thịt lợn ốm, thịt lợn chết chưa nấu chín. Người bệnh thường bị viêm màng não và nhiễm khuẩn huyết dễ dẫn tới sốc do nhiễm khuẩn. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì người bệnh có thể tử vong. Hiện số người mắc căn bệnh này mới xuất hiện rải rác ở các tỉnh có dịch bệnh lợn tai xanh.

Đề phòng bệnh liên cầu lợn, Bộ Y tế khuyến cáo: người có vết thương ở chân, tay không được tham gia giết mổ lợn; sau khi tham gia giết mổ lợn phải rửa sạch tay bằng các loại dung dịch sát khuẩn; không tiếp xúc trực tiếp với lợn ốm hoặc lợn chết. Khi xử lý lợn ốm, lợn chết phải sử dụng trang bị phòng hộ như găng tay, ủng, khẩu trang ; không chế biến để ăn thịt lợn ốm, thịt lợn chết và thịt lợn không rõ nguồn gốc.

Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân tuyệt đối không ăn thịt lợn chưa được nấu chín như thịt thủ luộc tái, lòng lợn và nội tạng trần, tiết canh, nem chua, nem chạo. Trong khi chưa có vắcxin phòng bệnh cho người, người dân khi có dấu hiệu của bệnh liên cầu khuẩn không được tự ý dùng kháng sinh dự phòng.

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và Môi trường Nguyễn Huy Nga khẳng định dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm đang được ghi nhận tại nhiều địa phương. Chính vì vậy, nguy cơ dịch lan rộng và lây lan sang người là rất dễ xảy ra.

Theo kết quả điều tra về ổ dịch cúm A/H5N1 ở người tại Bắc Kạn của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho thấy hai trường hợp nhiễm virus cúm A/H5N1 tại xã Như Cố, huyện Chợ Mới, các ca bệnh đơn lẻ và hiện chưa có bằng chứng về sự lây truyền từ người sang người. Hiện đã có một bệnh nhân ra viện, còn một người đang điều trị tại Bệnh viện bệnh nhiệt đới Trung ương trong tình trạng tiến triển tốt.

Bên cạnh đó, dịch cúm A/H1N1 có xu hướng chững lại, số trường hợp mắc hội chứng cúm được phát hiện theo hệ thống giám sát cúm trọng điểm đã giảm, không có ổ dịch lớn xảy ra và chưa phát hiện sự biến đổi của virus cúm A/H1N1 tại Việt Nam.

Để công tác phòng, chống dịch cúm ở người có hiệu quả, trong thời gian tới, ngành y tế tiếp tục duy trì các hoạt động giám sát trọng điểm, theo dõi phát hiện sự biến đổi của vi rút; giám sát chặt chẽ các đối tượng có nguy cơ cao, các chùm ca bệnh để kịp thời điều trị giảm thiểu nguy cơ tử vong và xử lý kịp thời ổ bệnh.

Đồng thời, ngành y tế cũng tăng cường các hoạt động truyền thông về tình hình dịch và các biện pháp phòng, chống dịch cúm A/H1N1 và cúm A/H5N1; sử dụng vắcxin cúm A/H1N1 cho phụ nữ mang thai và các đối tượng có nguy cơ cao khác./.

Thu Phương (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục