Xuất hiện dấu hiệu xấu đầu tiên trong mối quan hệ Nga-Trung

Mối quan hệ gây tranh cãi hàng thế kỷ giữa Nga và Trung Quốc đã chứng minh sự thật rằng các nước láng giềng lớn mạnh thường là đối thủ của nhau.
Xuất hiện dấu hiệu xấu đầu tiên trong mối quan hệ Nga-Trung ảnh 1Tổng thống Nga Putin (trái) và Chủ tịch trung Quốc Tập Cận Bình. (Nguồn: thediplomat.com)

Trang mạng nationalinterest.org đưa tin quan hệ thân thiện Nga-Trung hiện nay thu hút rất nhiều sự chú ý.

Tuy nhiên, các nhà quan sát dường như đã "bỏ quên" những hạn chế của mối quan hệ thân thiện này, và những dấu hiệu xấu đầu tiên trong mối quan hệ Nga-Trung đã xuất hiện.

Sự thân thiện này bắt nguồn từ chính sách đối ngoại gây hấn mà cả hai nước đã thực hiện vào cuối những năm 2000.

Dõi theo cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, Bắc Kinh đã đưa ra nhận định rằng Mỹ bắt đầu suy thoái và Trung Quốc có thể từ bỏ câu thần chú “trỗi dậy hòa bình” để theo đuổi các kế hoạch đế quốc của mình ở Biển Hoa Đông và Biển Đông.

[Trung Quốc kỳ vọng về một chương mới trong quan hệ với Nga]

Trung Quốc đã bắt đầu tuyên bố chủ quyền đối với các vùng biển này bằng xây dựng các đảo nhân tạo, bất chấp quyền lợi của các nước láng giềng và phớt lờ luật pháp quốc tế - một chính sách chắc chắn sẽ thách thức Washington.

Có lẽ một vài năm trước đó, vào thời điểm diễn ra Hội nghị An ninh Munich năm 2007, Moskva đã đặt ra một lộ trình chính sách xét lại nhằm khẳng định “quyền” của họ đối với phạm vi ảnh hưởng trong không gian hậu Xô viết bất chấp những cam kết bằng văn bản tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các nước láng giềng trong các văn kiện như Đạo luật Helsinki, Hiến chương Paris, Hiệp định Belovezha và các hiệp ước song phương với Ukraine.

Hậu quả của sự thay đổi này là các cuộc chiến của Điện Kremlin nhằm lại Gruzia và Ukraine.

Đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin, một điểm hấp dẫn của chính sách này là thách thức chính sách của Mỹ. Đây là cơ sở cho sự hợp tác ngày càng tăng giữa Nga và Trung Quốc.

Nga và Trung Quốc coi Mỹ là kẻ phá bĩnh. Hai nước này cho rằng chính hệ thống luật pháp và thể chế quốc tế do Mỹ và các đối tác của Mỹ tạo dựng trong suốt 75 năm qua đã cản trở các kế hoạch đế quốc của họ.

Mối quan hệ thân thiện Nga-Trung càng trở nên thuận lợi khi Điện Kremlin sẵn sàng chấp nhận vị thế “cửa dưới” trong mối quan hệ với Bắc Kinh.

Hợp tác Nga-Trung được thể hiện rõ trong nhiều thỏa thuận quân sự và kinh tế song phương, bao gồm điều phối các quan điểm tại Liên hợp quốc, thường đối lập với Mỹ và làm việc chung trong Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), khối BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), G20...

Sự liên kết lợi ích tạm thời Nga-Trung khó có thể vượt qua các nguyên tắc cơ bản của địa chính trị.

Mối quan hệ gây tranh cãi hàng thế kỷ giữa Nga và Trung Quốc đã chứng minh sự thật rằng các nước láng giềng lớn mạnh thường là đối thủ của nhau.

Không ai có thể đoán trước khi nào mối quan hệ song phương sẽ trở lại chuẩn mực lịch sử của nó, nhưng chúng ta có thể xác định các vấn đề có thể tạo ra kết quả đó.

Các địa điểm cần theo dõi là biên giới Nga-Trung và Trung Á; là quyền kiểm soát lãnh thổ và gia tăng ảnh hưởng.

Căng thẳng có thể là do Trung Quốc đi quá xa. Sự rạn nứt sẽ xảy ra khi Điện Kremlin nhận ra rằng Trung Quốc là một thách thức lớn đối với các lợi ích chiến lược của họ so với Mỹ và các đồng minh, những nước đơn giản muốn Nga ngừng hành động gân hấn.

Thật vậy, trật tự an ninh đó sẽ tạo điều kiện để Moskva có được một biện pháp bảo vệ trước các ý đồ của Bắc Kinh.

Thế giới cũng đã chứng kiến những dấu hiệu đầu tiên của sự cứng đầu mới của Trung Quốc liên quan đến biên giới giữa hai nước.

Từ Hiệp ước Nerchinsk (năm 1689) cho đến Công ước Bắc Kinh (còn được gọi là Hiệp ước Bắc Kinh), biên giới giữa hai nước đã được điều chỉnh theo hướng có lợi cho Nga mà Trung Quốc gọi đó là “hiệp ước bất bình đẳng."

Về mặt lý thuyết, Hiệp ước láng giềng hữu nghị (năm 2001) và Hợp tác thân thiện đã giải quyết được sự bất bình kéo dài của Trung Quốc liên quan đến biên giới khi Nga nhượng lại 340 km2 lãnh thổ và Trung Quốc đã từ bỏ tất cả các yêu sách bổ sung.

Tuy nhiên, Trung Quốc chỉ cho Điện Kremlin lý do để nghĩ rằng vấn đề này vẫn còn tồn tại.

Đầu mùa Hè này, Đại sứ Nga tại Bắc Kinh đã đăng một tuyên bố kỷ niệm 160 năm thành lập Vladivostok.

Điều này đã dẫn đến một phản ứng trên Mạng Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước rằng Vladivostok nằm trên mảnh đất được nhượng lại bởi “Hiệp ước bất bình đẳng của Bắc Kinh” và rằng Haishenwai là thành phố của Trung Quốc được đổi tên thành Vladivostok.

Một nhà ngoại giao tại Đại sứ quán Trung Quốc tại Islamabad đã đưa ra quan điểm tương tự trên mạng xã hội.

Cạnh tranh kinh tế cũng có thể là một điểm cọ sát. Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) của Trung Quốc tạo ra một mối đe dọa đối với Liên minh Kinh tế Á-Âu (EEU) của Moskva, nhưng cho đến nay hai cường quốc này đã tìm cách hủy bỏ các dự án của mình.

Điều này đúng một phần vì Bắc Kinh công khai chấp nhận vai trò lãnh đạo của Moskva trong việc giải quyết các vấn đề an ninh ở Trung Á và SCO.

Moskva đã không phản đối sự xâm nhập kinh tế của Trung Quốc trong khu vực này, mặc dù về lâu dài, BRI sẽ ảnh hưởng lớn đến EEU.

Ở đây, cũng cần nhắc lại rằng cuộc chiến của Moskva chống lại Ukraine là kết quả của một cuộc khủng hoảng bắt đầu khi Moskva tìm cách ngặn một thỏa thuận thương mại giữa Ukraine và EU.

Tuy nhiên, nổi bật hơn cả là hai bước đi gần đây của Bắc Kinh nhằm nâng cao vị thế của nước này ở khu vực Trung Á. Giống như vấn đề biên giới với Nga, đây là những động thái tránh sự chú ý được thiết kế để tạo lập một vị thế có thể phát triển sau này.

Tháng trước, nhà sử học Trung Quốc Chol Yao Lu đã viết một bài báo với tiêu đề “Tajikistan đã bắt đầu chuyển giao đất đai cho Trung Quốc và những ngọn núi bị mất ở Pamir đã được trả lại cho chủ nhân thực sự của nó,” trong đó khẳng định rằng Pamir thuộc về Trung Quốc cho đến khi các hiệp ước bất bình đẳng mà Vương quốc Anh và Nga đã áp đặt lên Trung Quốc dẫn đến việc nước này bị mất đất.

Bài báo chỉ ra rằng Trung Quốc chỉ phục hồi một phần đất đai bị mất trong hiệp định biên giới năm 2010 với Tajikistan.

Tajikistan đã yêu cầu chính phủ Trung Quốc rút lại bài viết nhưng không có kết quả.

Mặc dù không có phản ứng công khai nào từ Moskva, truyền thông Nga đã chỉ trích bài báo này là điềm báo trước những yêu cầu của Trung Quốc trong tương lai về việc thay đổi biên giới.

Rõ ràng, việc kiểm soát Pamir sẽ nâng cao đáng kể năng lực của Bắc Kinh trong việc gia tăng ảnh hưởng tại Trung Á, đe dọa vai trò nhân tố an ninh quan trọng của Moskva ở khu vực này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục