Xuất hiện tia hy vọng cho mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc

Trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung đang có nhiều căng thẳng, việc Bắc Kinh bật đèn xanh cho chiến hạm Mỹ ghé cảng Hong Kong được xem là một tín hiệu thể hiện mong muốn hòa giải mà Trung Quốc gửi đến Mỹ.
Xuất hiện tia hy vọng cho mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc ảnh 1Tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo AFP/globaltimes.cn, hai tháng sau khi từ chối cho tàu đổ bộ tấn công USS Wasp của Mỹ ghé thăm, ngày 21/11 vừa qua, Trung Quốc đã "bật đèn xanh" cho tàu sân bay của USS Ronald Reagan của Mỹ cùng các chiến hạm hộ tống cập cảng Hong Kong.

Giới phân tích coi đây là một tín hiệu "hạ nhiệt" căng thẳng mà Trung Quốc gửi đến Mỹ.

Hãng tin AFP cho biết tháp tùng tàu sân bay USS Ronald Reagan trong chuyến cập cảng Hong Kong còn có 2 tàu khu trục USS Benfold và USS Curtis Wilbur, cùng tàu tuần dương có trang bị tên lửa dẫn đường USS Chancellorsville.

Điểm đáng chú ý, theo hãng tin AFP ngày 20/11, là khi hạm đội Mỹ còn đang trên đường đến Hong Kong, phía Mỹ đã mời chỉ huy Quân đội Trung Quốc tại Hong Kong là Trung tướng Đàm Bản Hoành cùng một số sỹ quan, quan chức Trung Quốc khác và báo chí địa phương ra thăm tàu sân bay USS Ronald Reagan (tàu này cập cảng Hong Kong trước) và quan sát phi đội máy bay chiến đấu F-18 của Mỹ diễn tập cất cánh và hạ cánh.

Theo chuyên gia phân tích hải quân Lý Kiệt tại Bắc Kinh, được nhật báo Hong Kong Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng dẫn lời, đó là “cơ hội hiếm hoi” để giới chức quân đội cấp cao của Trung Quốc thấy được tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân vận hành ra sao, kỹ thuật tàu sân bay của Mỹ tiến bộ như thế nào.

Theo chuyên gia này, ý đồ của Mỹ khi mời khách Trung Quốc lên thăm tàu sân bay là nhằm phô trương uy lực, cho thấy Trung Quốc còn lâu mới bắt kịp Mỹ trong công nghệ tàu sân bay.

Trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung đang có nhiều căng thẳng, việc Bắc Kinh bật đèn xanh cho chiến hạm Mỹ ghé cảng Hong Kong được xem là một tín hiệu thể hiện mong muốn hòa giải mà Trung Quốc gửi đến Mỹ.

Trên báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, Chu Thần Minh - một chuyên gia phân tích quân sự khác tại Bắc Kinh - nhận định: “Đây là một cử chỉ thân thiện của Trung Quốc trước cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Argentina."

Trong khi đó, trang mạng globaltimes.cn cho rằng động thái nói trên của Trung Quốc phát đi tín hiệu rằng quân đội hai nước Mỹ-Trung đã bình ổn quan hệ và có thể duy trì hợp tác, cho dù lòng tin chiến lược song phương ngày càng bị đặt dấu hỏi. Quan hệ thương mại thường được coi là nền móng của mối quan hệ Mỹ-Trung, nhưng hiện là tâm điểm gây tranh cãi giữa hai nước. Ngược lại, hợp tác quân sự - từng được coi là lĩnh vực nhạy cảm và dễ bị tổn thương nhất trong quan hệ hai nước - hiện giờ lại trở thành nhân tố chính giúp duy trì mối quan hệ Mỹ-Trung.

Tuy nhiên, quan hệ quân sự Trung-Mỹ không hữu nghị như những gì thể hiện ra bên ngoài.

[Cục diện đấu tranh Mỹ-Trung Quốc khó thay đổi]

Chỉ 2 ngày trước khi tàu USS Ronald Reagan cập cảng Hong Kong, Mỹ đã điều 2 máy bay chiến đấu chiến lược B-52 bay gần Biển Đông, tham gia cuộc “huấn luyện thường kỳ” ở khu vực “lân cận Biển Đông," gần các đảo tranh chấp.

Nếu quan sát kỹ có thể thấy quan hệ quân sự Trung-Mỹ là khá thực dụng. Lực lượng quân sự Trung Quốc và Mỹ bình thường hóa giao thiệp, hai bên cùng tỏ ra coi trọng các cuộc tiếp xúc như vậy hơn trước đây. Thế nhưng, không bên nào chịu lùi bước trong các cuộc tranh cãi, điều đó cho thấy họ kiên quyết giữ quan điểm của mình đến cùng.

Nói chung, quan hệ quân sự Trung-Mỹ cũng mơ hồ giống như mối quan hệ tổng thể giữa hai nước. Trung Quốc và Mỹ rõ ràng không phải là kẻ thù, nhưng nếu gọi họ là bạn hữu e rằng chỉ là "đạo đức giả." Không thể đơn thuần mô tả Mỹ và Trung Quốc là bạn hay kẻ thù. Tương lai của mối quan hệ Trung-Mỹ, là bạn hay là thù, sẽ phụ thuộc vào cách thức hai nước định hình quan hệ.

Mặc dù quân đội Mỹ và Trung Quốc không thể khiến hai nước trở thành bạn hữu, song họ có quyền hành động cuối cùng để biến hai nước thành kẻ thù. Vì vậy, lực lượng quân sự hai nước gánh vác trách nhiệm mang tính lịch sử, đó là tránh có những hành động có thể khiến cho mối quan hệ Trung-Mỹ đổ vỡ.

Lực lượng quân sự Trung Quốc và Mỹ có nhiệm vụ bảo vệ đất nước trước sự tấn công của đối phương, đồng thời ngăn quan hệ Trung-Mỹ leo thang căng thẳng và rơi vào kịch bản xấu nhất. Nói tóm lại, hai nước cần tránh những hành động vội vàng và những đánh giá sai lầm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục