Xuất hiện tình trạng cá chết hàng loạt ở vùng ven biển tỉnh Kiên Giang

Thời gian gần đây, tình trạng cá chết hàng loạt đã xuất hiện tại vùng ven biển Kiên Giang thuộc địa bàn huyện Kiên Lương và thị xã Hà Tiên.
Xuất hiện tình trạng cá chết hàng loạt ở vùng ven biển tỉnh Kiên Giang ảnh 1Cá chết nổi trên mặt biển. (Ảnh do người dân ấp Mũi Dừa, Kiên Giang cung cấp)/ TTXVN phát)

Thời gian gần đây, tình trạng cá chết hàng loạt đã xuất hiện tại vùng ven biển Kiên Giang thuộc địa bàn huyện Kiên Lương và thị xã Hà Tiên.

Sở Tài nguyên-Môi trường Kiên Giang đang kiến nghị Bộ Tài nguyên-Môi trường hỗ trợ tỉnh giải đoán ảnh viễn thám của khu vực vùng biển xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt để có thêm thông tin tìm ra nguyên nhân của hiện tượng bất thường này.

Theo bà Võ Thị Vân, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang, trước tình trạng cá chết hàng loạt trên kênh Tam Bản và ven bờ biển thuộc địa bàn xã Dương Hòa, huyện Kiên Lương và xã Thuận Yên, thị xã Hà Tiên, Sở đã thu 10 mẫu nước trong hai ngày (8-9/5/2017) để phân tích, đánh giá, tìm nguyên nhân.

[Cá chết hàng loạt, nước chuyển màu ở thượng nguồn sông Sài Gòn]

Cụ thể, 7 mẫu nước được phân tích tại phòng thí nghiệm của Trung tâm Quan trắc trực thuộc Sở, các thông số được phân tích theo quy chuẩn nước biển ven bờ QCVN 10-MT:2015/BTNMT; 3 mẫu nước chuyển đến Trung tâm nghiên cứu ứng dụng về Công nghệ và Quản lý môi trường CENTEMA để phân tích tìm hoạt chất có thể gây chết cá hàng loạt.

Kết quả phân tích 7 mẫu cho thấy 7 chỉ tiêu phân tích nằm trong quy chuẩn cho phép theo QCVN 10-MT:2015/BTNMT về nước biển ven bờ. Riêng chỉ tiêu NH4+ và Coliform tại điểm giữa kênh Tam Bản gần cống xả của khu nuôi tôm Trung Sơn vượt so với quy chuẩn môi trường 3,6 lần và 11 lần.

Kết quả phân tích 3 mẫu nước tại CENTEMA các chỉ tiêu đều nằm trong quy chuẩn cho phép. Riêng chỉ tiêu chất hoạt động bề mặt (chỉ tiêu không nằm trong quy chuẩn 10-MT:2015/BTNMT) có dấu hiệu cao hơn bình thường.

Hiện, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang đang chờ kết quả chạy sắc ký khí để xác định nguồn gốc của chất hoạt động bề mặt và kết quả phân tích chỉ tiêu phiêu sinh thực vật, đồng thời điều tra tìm nguồn thải có chất hoạt động bề mặt.

Cùng với đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Kiên Giang phối hợp với Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2 thu 4 mẫu trầm tích, 2 mẫu hải sản chết, 8 mẫu nước biển để phân tích, xét nghiệm nhằm đánh giá, tìm ra nguyên nhân gây hiện tượng các loài thủy sản ven bờ chết hàng loạt.

Tuy nhiên đến nay, những mẫu này chưa có kết quả phân tích, xét nghiệm.

“Khi có kết quả phân tích, xét nghiệm mẫu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện, Sở Tài nguyên-Môi trường sẽ trao đổi, thảo luận, đánh giá, tìm nguyên nhân của hiện tượng cá, nghêu, sò chết bất thường.” - Bà Võ Thị Vân cho hay.

Hiện tượng cá chết được phát hiện từ sáng 7/5 cho đến hết ngày 9/5, đoạn từ cửa kênh vào đến hết đoạn kênh Tam Bản thuộc xã Dương Hòa, huyện Kiên Lương (Kiên Giang) và phía ngoài ven biển từ cửa kênh Tam Bản đến kênh Xảo Ảo, xã Thuận Yên (thị xã Hà Tiên).

Ngoài cá tự nhiên chết chưa thống kê được số lượng thì cá nuôi lồng bè và nghêu, sò của các hộ dân trong khu vực vùng biển bị thiệt hại khá nặng. Theo Ủy ban Nhân dân huyện Kiên Lương, thống kê ban đầu có khoảng 14.000 con cá mú, cá bớp, cá chẽm bị chết; hơn 600 con cá còn sống nhưng bỏ ăn và 558ha nuôi nghêu, sò bị ảnh hưởng, mức độ thiệt hại 70% trở lên. Hiện tại, không còn hiện tượng cá chết bất thường tái diễn.

Khu vực vùng biển cá chết hàng loạt bất thường có 3 cơ sở sản xuất kinh doanh ngành nghề nuôi trồng, chế biến thủy sản và sản xuất tôm giống. Cụ thể là Công ty cổ phần chăn nuôi C.P - Việt Nam chi nhánh Kiên Giang sản xuất tôm giống, Công ty cổ phần chế biến thủy sản Trung Sơn chế biến thủy sản xuất khẩu và Công ty cổ phần Trung Sơn nuôi trồng thủy sản.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang Mai Anh Nhịn chỉ đạo huyện Kiên Lương và thị xã Hà Tiên tiếp tục theo dõi tình hình vùng biển, điều tra chính xác mức độ thiệt hại cá nuôi lồng bè, nghêu, sò, phối hợp với các ngành chức năng hữu quan đề ra giải pháp khôi phục nuôi trồng thủy sản cho những hộ dân bị thiệt hại. Các ngành chức năng phối hợp tiếp tục điều tra, sớm tìm ra nguyên nhân các loài thủy sản ven biển chết hàng loạt trên cơ sở khoa học để ngư dân an tâm sản xuất trong thời gian tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục