Xuất khẩu cần đồng bộ

Xuất khẩu cuối năm cần đồng bộ từ các chính sách

Bài toán xuất khẩu cuối năm cần được giải đồng bộ từ các chính sách hỗ trợ về thuế cũng như nỗ lực tìm kiếm thị trường mới.
Bộ Công Thương dự kiến kim ngạch xuất khẩu cả năm 2011 có thể đạt khoảng 84,5-85,5 tỷ USD, tăng 17-18,4% so với năm 2010.

Dự kiến ngành không những đạt được kết quả nổi bật trong sản xuất công nghiệp mà còn tăng trưởng ấn tượng trong xuất khẩu và kiềm chế nhập siêu.

Nhận định về vấn đề này tại cuộc họp giao ban trực tuyến về xuất khẩu 6 tháng tại hai đầu cầu Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh ngày 6/7, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên cho rằng đây là tín hiệu tốt, dự báo xuất khẩu năm nay sẽ tăng trưởng khá nhưng sẽ còn gặp nhiều khó khăn do lạm phát, lãi suất và vốn vay cho doanh nghiệp.

Vì thế, sẽ không đơn giản để hoàn thành chỉ tiêu xuất khẩu giai đoạn cuối năm nếu các doanh nghiệp không thật sự cố gắng và tỉnh táo trong việc phán đoán thị trường.

Khả quan nhưng còn nhiều lấn cấn

Ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết một trong những yếu tố gia tăng kim ngạch xuất khẩu từ đầu năm đến nay chính là việc tận dụng lợi thế của các hiệp định thương mại tự do.

Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đạt 42,3 tỷ USD, tăng 30,3% với mức tăng cao cả về lượng và chất. Đặc biệt, đã có thêm 2 mặt hàng là càphê và cao su bước vào nhóm các mặt hàng xuất khẩu vượt 1 tỷ USD.

Bên cạnh những nỗ lực về tìm kiếm thị trường mới, gia tăng giá trị cho hàng xuất khẩu, các doanh nghiệp đã biết tận dụng những lợi thế mà các hiệp định thương mại song phương và đa phương mang lại để đưa hàng vào những thị trường trọng điểm.

Theo ông Chinh, thông thường tỷ trọng tận dụng được các CO (xuất xứ hàng hóa) ưu đãi từ những hiệp định tự do là khoảng 9-10% nhưng 6 tháng đầu năm 2011 đã đạt tới 15,2%.

Bộ Công Thương đã đẩy mạnh việc đàm phán để ký các hiệp định thương mại với nhiều đối tác mới. 6 tháng đầu năm, Bộ đã tham gia 3 phiên đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) tại Chile, Singapore, Thành phố Hồ Chí Minh và đã có đề án tham gia Hiệp định TPP của Việt Nam trình Thủ tướng phê duyệt.

Ngoài ra, đề án xúc tiến xuất khẩu và các bang của Ấn Độ, đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Trung Đông cũng đã được triển khai và trình phê duyệt.

Ngoài ra, giải pháp khôi phục thị trường Đông Âu, nghiên cứu đưa hàng Việt Nam trực tiếp từ nhà sản xuất vào hệ thống phân phối của các siêu thị lớn ở châu Âu, trước mắt là Pháp và Đức, cũng đang được triển khai.

Theo Vụ Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đã kết thúc về nguyên tắc đàm phán Hiệp định FTA giữa Việt Nam và Chile, dự kiến sẽ ký chính thức vào cuối năm 2011. Một loạt các hiệp định thương mại tự do với các quốc gia khác cũng đang được nghiên cứu và triển khai như khởi động đàm phán với Liên minh thuế quan Nga-Belarus-Kazakhstan.

Vì vậy, nếu tiếp tục phát huy và nâng cao lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do mang lại thì đó là giải pháp quan trọng để đẩy mạnh xuất khẩu hàng Việt Nam vào các thị trường ưu đãi.

Tuy nhiên, tại cuộc họp giao ban xuất khẩu, không ít Hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp lại tỏ ra lo lắng cho mùa xuất khẩu cuối năm khi vẫn còn nhiều rào cản chưa dễ tháo gỡ. Khó khăn được nhắc đến nhiều nhất vẫn là vấn đề lãi suất còn quá cao.

Bên cạnh đó, nỗi lo thiếu nguồn nguyên liệu trong lĩnh vực chế biến thủy sản, thiếu lao động của ngành dệt may và da giày, chi phí đầu vào của ngành chế biến gỗ tăng mạnh đã khiến các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu ở những lĩnh vực này lo ngại cho việc hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh những tháng tới.

Ngoài ra, nhiều mặt hàng xuất khẩu, nhất là nông sản, thủy sản có lợi thế về giá, nhưng theo các doanh nghiệp đây cũng là “con dao hai lưỡi” bởi đang có khá nhiều doanh nghiệp “ôm” hàng khi giá trên thế giới hiện đang hạ. Bài toán xuất khẩu những tháng cuối năm cần được giải đồng bộ từ các chính sách hỗ trợ về thuế, đảm bảo giá vốn hợp lý cũng như nỗ lực của doanh nghiệp trong việc tìm kiếm thị trường mới.

Đồng bộ các giải pháp

Tại cuộc họp, các chuyên gia thương mại cũng cho rằng hiện nay xuất khẩu của Việt Nam mới chỉ tận dụng được lợi thế so sánh tĩnh về lao động và tài nguyên. Kết quả là tỷ trọng xuất khẩu chủ yếu gồm những ngành hàng sử dụng lao động với giá trị gia tăng thấp, nhất là các mặt hàng nông nghiệp và tài nguyên khoáng sản. Tỷ trọng các mặt hàng sử dụng công nghệ hiện đại thấp so với Trung Quốc và các nước ASEAN.

Trong bối cảnh Chính phủ đang đặt ra nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế, thay đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng tăng trưởng, nước ta phải cải thiện cơ cấu xuất khẩu bằng cách đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng sử dụng công nghệ hiện đại trên cơ sở đổi mới công nghệ.

Theo nhận định, các thị trường nhập khẩu của châu Á được dự báo là nhu cầu nhập khẩu tăng nhanh. Nếu xuất khẩu hàng hóa sang các quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á, Việt Nam sẽ tận dụng được lợi thế về khoảng cách địa lý và nhiều nét tương đồng về văn hóa. Điều này sẽ mang lại thuận lợi trong việc tiếp cận và mở rộng thị trường.

Ngoài ra, để cải thiện cơ cấu xuất khẩu không thể không tính đến vai trò của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vì hiện tại khu vực này chiếm hơn 50% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và là kênh quan trọng kết nối kinh tế trong nước với nền kinh tế toàn cầu.

Do đó, việc định hướng xuất khẩu mang công nghệ tiên tiến vào Việt Nam cần phải có chính sách thu hút các doanh nghiệp FDI có chất lượng. Bên cạnh đó, việc tận dụng triệt để các ưu đãi từ các Hiệp định thương mại song phương chính là một giải pháp quan trọng giúp đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là trong tình hình khó khăn hiện nay khi các thị trường xuất khẩu đang bị thu hẹp.

Thứ trưởng Biên cho rằng việc tận dụng ưu đãi về thuế từ các thị trường mà Việt Nam đã ký Hiệp định song phương đã đóng góp tới 6,5 tỷ USD cho kim ngạch xuất khẩu.

Tuy nhiên, để đạt mục tiêu xuất khẩu đề ra, nhiệm vụ từ nay đến cuối năm của toàn ngành công thương vẫn còn rất nặng nề. Sự nỗ lực của các ngành, địa phương và doanh nghiệp là điều kiện tiên quyết dẫn đến thành công.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên, từ nay đến cuối năm toàn ngành phải xác định xúc tiến xuất khẩu hàng hóa là nhiệm vụ trọng tâm, vì vậy, Bộ cần phối hợp chặt chẽ hơn với các Hiệp hội ngành hàng, các địa phương xây dựng chương trình xúc tiến thương mại.

Bên cạnh việc đẩy mạnh xuất khẩu, các doanh nghiệp cũng cần phải quan tâm nhiều hơn đến thị trường nội địa, cần phải triển khai song song để duy trì tăng trưởng kinh tế. Trọng tâm 6 tháng cuối năm 2011 là tập trung chỉ đạo điều hành kiên trì, quyết liệt các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội trong những tháng cuối năm 2011 và một số năm tiếp theo./.

Uyên Hương (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục