Xuất khẩu của Mỹ “hụt hơi” vì cuộc chiến tranh thương mại

Xuất khẩu sụt giảm và bức tranh thương mại ảm đạm của Mỹ phát sinh từ ý định của Tổng thống Mỹ Donald Trump triển khai kế hoạch áp thuế bổ sung đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc.
Xuất khẩu của Mỹ “hụt hơi” vì cuộc chiến tranh thương mại ảnh 1Hàng hóa được xếp dỡ tại cảng ở Long Beach, California, Mỹ, ngày 14/5/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo bài viết của hãng thông tấn AP, dữ liệu do Chính phủ Mỹ công bố ngày 2/8 cho thấy căng thẳng Mỹ-Trung đang tác động tiêu cực tới hoạt động xuất khẩu của Mỹ.

Theo đó, thâm hụt thương mại của Mỹ vẫn được duy trì ở mức cao trong tháng Sáu, do xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm và thực tế cho thấy nhu cầu của các nước đối với các dịch vụ và hàng hóa Mỹ đang đi xuống.

Xuất khẩu sụt giảm và bức tranh thương mại ảm đạm này phát sinh từ ý định của Tổng thống Mỹ Donald Trump triển khai kế hoạch áp thuế bổ sung đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc, khi ông đe dọa áp thuế 10% đối với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc vào ngày 1/9 tới.

Về tổng thể, bức tranh thương mại của Mỹ mang một gam màu tối trong tháng Sáu do xuất khẩu xe ôtô, đá quý và linh kiện máy tính đều giảm, cùng với đà giảm về doanh số thiết bị viễn thông, máy móc công nghiệp và trang sức.

Trước đó, đăng tải bài viết trên mạng xã hội Twitter, ông Trump tuyên bố từ ngày 1/9 tới, Mỹ sẽ áp thuế bổ sung khoảng 10% đối với số hàng hóa còn lại trị giá 300 tỷ USD từ Trung Quốc.

Điều này đồng nghĩa với việc gần như tất cả số hàng hóa của Trung Quốc mà Mỹ nhập khẩu sẽ bị đánh thuế và đánh dấu một sự kết thúc đối với giai đoạn "đình chiến" tạm thời trong cuộc chiến thương mại giữa hai nước.

Thông báo được đưa ra sau khi các quan chức Mỹ và Trung Quốc kết thúc hai ngày đàm phán thương mại tại Thượng Hải, nhằm tìm giải pháp chấm dứt cuộc chiến thuế quan, song không đạt tiến triển.

Hai bên nhất trí sẽ tiếp tục đàm phán tại Mỹ vào tháng Chín tới.

[Góc khuất sau đòn áp thuế mới của ông Trump nhằm vào Trung Quốc]

Về phần mình, Bắc Kinh cam kết sẽ đáp trả thích đáng các biện pháp áp thuế này. Các chuyên gia kinh tế đều cho rằng cuộc chiến thương mại “ăn miếng trả miếng” giữa hai bên sẽ là một yếu tố làm suy yếu tăng trưởng kinh tế toàn cầu và thương mại quốc tế.

Trong khi Mỹ chủ trương thực hiện chiến thuật đàm phán cứng rắn với Trung Quốc, Tổng thống Trump nhấn mạnh ông sẽ bảo vệ việc làm của người Mỹ cũng như làm giảm thâm hụt thương mại.

Mặc dù vậy, nửa đầu năm 2019, thâm hụt thương mại của nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn tăng nhanh hơn so với cùng kỳ năm ngoái và có thể gây áp lực đối với mục tiêu tăng trưởng GDP của Mỹ trong các quý sau đó.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong tuần qua đã cắt giảm lãi suất cho vay nhằm ứng phó với chính sách thương mại gây nhiều ảnh hưởng hiện nay của Chính quyền Tổng thống Trump.

Trong cuộc vận động tranh cử tại Cincinnati ngày 1/8, Tổng thống nêu rõ: "Cho đến khi hai bên đạt được một thỏa thuận, chúng tôi sẽ áp thuế đối với hàng hóa Trung Quốc."

Thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc trong tháng Sáu duy trì ở mức 30,2 tỷ USD, nhưng con số này đã giảm 10,3% trong 6 tháng đầu năm 2019.

Bắc Kinh đã trả đũa Mỹ bằng cách áp thuế trị giá 110 tỷ USD với sản phẩm nhập khẩu từ các công ty Mỹ. Trước đó, nước này cũng cảnh báo về khả năng hạn chế xuất khẩu đất hiếm, vốn là một thành phần rất quan trọng đối với ngành công nghệ của Mỹ, sang nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Cùng với đó, Bắc Kinh cũng lập ra một danh sách đen các công ty nước ngoài không đáng tin cậy.

Các chuyên gia kinh tế cảnh báo rằng căng thẳng leo thang có thể gây phương hại đến kinh tế toàn cầu, vốn đang phải đương đầu với tình trạng suy giảm tăng trưởng tại Trung Quốc và châu Âu.

Bên cạnh đó, việc thời hạn nước Anh rời Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, đang đến gần cũng tác động không nhỏ tới triển vọng tăng trưởng nói chung.

Ngày 2/8, phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nêu rõ nếu Washington thúc đẩy kế hoạch áp mức thuế mới, Bắc Kinh sẽ áp dụng "các biện pháp trả đũa cần thiết" để bảo vệ các lợi ích quốc gia cốt lõi cũng như các lợi ích cơ bản của người dân.

Theo bà Hoa Xuân Oánh, Trung Quốc không muốn có một cuộc chiến tranh thương mại, song "không sợ đấu tranh nếu thực sự cần thiết."

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi Washington quay trở lại các cuộc tham vấn trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và bình đẳng.

Tuy nhiên, người phát ngôn này không nêu rõ các biện pháp mà Trung Quốc dự định tiến hành. Cùng ngày, Bộ Thương mại Trung Quốc cho rằng việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa áp mức thuế mới đối với số hàng hóa trị giá 300 tỷ USD nhập khẩu từ nước này "vi phạm nghiêm trọng" thỏa thuận đạt được với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng Sáu vừa qua./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục