Xuất khẩu gạo: Được giá nhưng còn biến động

Trao đổi với phóng viên Vietnam+, ông Trương Thanh Phong, Tổng Giám đốc công ty Lương thực miền Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết kết quả xuất khẩu gạo tháng 1/2009 đạt mức kỷ lục, nhưng mức tồn kho cũng cao nhất trong 20 năm Việt Nam xuất khẩu gạo.

Trao đổi với phóng viên Vietnam+, ông Trương Thanh Phong, Tổng Giám đốc công ty Lương thực miền Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết kết quả xuất khẩu gạo tháng 1/2009 đạt mức kỷ lục, nhưng mức tồn kho cũng cao nhất trong 20 năm Việt Nam xuất khẩu gạo.

Thưa ông, thông thường, thời điểm này thị trường thế giới chưa khởi động và phải tới tháng 3, đối tác mới ký hợp đồng nhập khẩu gạo. Vậy, so với năm 2008, lượng gạo xuất khẩu năm nay có khởi sắc?

Hoạt động xuất khẩu nói chung đang gặp khó khăn, nhưng bức tranh xuất khẩu lúa gạo đang mở ra những tín hiệu tươi sáng. Với giá bình quân 396 USD/tấn, tháng 1/2009 Việt Nam đã xuất khẩu 301.000 tấn, trị giá 130 triệu USD, tăng 129% về lượng và 152% về giá trị so với cùng kỳ năm 2008. Tuy nhiên, do bán theo hợp đồng cũ nên giá xuất khẩu gạo thấp hơn tháng hai.

Trong tháng một, vừa chủ động hợp đồng, vừa chủ động lượng gạo tồn kho nên việc giao hàng đạt mức kỷ lục. Nếu Tết Nguyên đán (gần 10 ngày) không “rơi” vào tháng một, lượng hàng giao năm nay sẽ cao hơn nữa.

Tính đến 31/12/2008, lượng gạo tồn kho trong các doanh nghiệp xuất khẩu còn khoảng 850.000 tấn, đó là chưa tính các doanh nghiệp chế biến. Nếu cộng các hợp đồng ký trước đó chuyển sang năm 2009 thì lượng gạo tồn kho còn 765.000 tấn.

Để thu mua hết lúa gạo vụ Đông Xuân 2009 cho nông dân, theo ông, các doanh nghiệp xuất khẩu cần bao nhiêu vốn?

Hiện, giá gạo xuất khẩu trên thế giới đang nhích lên. Trong nước, tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, giá lúa tươi được mua với giá 3.500đồng/kg, lúa đã phơi khô có giá 4.000 đồng/kg, tăng 200-300 đồng/kg so với trước Tết.

Năm nay, chúng tôi dự kiến khoảng 25.000 tỷ đồng cho các đơn vị trong Tổng công ty lương thực miền Nam, nhưng nếu cho cả Hiệp hội Lương thực Việt Nam thì số vồn cần lớn hơn nhiều.

Khởi sắc về thị trường xuất khẩu cũng đang mang lại niềm vui cho người nông dân khi hạt lúa làm ra có lãi. Ông nhận định thế nào về tình hình xuất khẩu gạo những tháng tới?

Trong 9 ngày đầu tháng 2, Việt Nam đã xuất khẩu được 74.000 tấn gạo, giá bình quân tăng hơn 471 USD/tấn. Trong tháng này, các doanh nghiệp dự kiến sẽ giao khoảng 550 - 600 ngàn tấn gạo tới các thị trường Philipines, Cuba, Malaysia.

Khả năng giá gạo xuất khẩu bình quân tăng sẽ đạt khoảng 410 USD/tấn, nâng tổng số gạo xuất khẩu 2 tháng đầu năm đạt khoảng 900.000 tấn (2 tháng đầu năm 2008 chưa đạt 300.000 tấn).

Theo hợp đồng đã ký, 6 tháng đầu năm phải giao đủ 3,1 triệu tấn. Nhưng mỗi tháng chúng tôi chỉ có thể giao khoảng 600.000 tấn, nên dự kiến chỉ xuất được 2,8 triệu tấn.

Hiện, lãi suất ngân hàng đã ổn định nhưng khả năng tổ chức giao hàng đi các nước còn hạn chế. Tại các cảng, tàu nhiều nhưng quay vòng chậm. Đó là chưa kể đến những vướng mắc về đóng gói, bốc xếp… và tháng 5, 6 còn có mưa.

Theo dự báo của Hiệp hội lương thực Việt Nam, tình hình xuất khẩu lúa gạo 6 tháng cuối năm tình sẽ phức tạp hơn? Như vậy xuất khẩu lương thựuc cần tập trung vào những lĩnh vực nào?


Dù năm 2009 là tâm điểm của khủng hoảng kinh tế, nhưng vẫn có nhu cầu lương thực. Sau vụ thừa lúa gạo 6 tháng cuối năm 2008, hiện, một số nước đã giảm diện tích trồng lúa. Một số chương trình sản xuất ethanol từ nông sản cũng đã hoạt động trở lại.

Theo dự báo của FAO, năm 2009, tuy giá gạo không tăng đột biến như năm 2008 nhưng vẫn ở mức cao. Thế nhưng, những thông tin về việc chính phủ Thái Lan đã bán ra 5 triệu tấn gạo tồn kho, Indonesia sẽ xuất khẩu 1 triệu tấn gạo… khiến các nhà nhập khẩu chưa vội ký hợp đồng.

Sản xuất nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết. Hiện, tại Úc, cháy rừng cũng ảnh hưởng đến các loại cây trồng, ở Trung Quốc, hạn hán đã ảnh hưởng đến sản xuất nông sản. Nếu hạn hán kéo dài gây mất mùa, Trung Quốc phải nhập khẩu gạo… sẽ gây biến động về giá.

Theo tôi, việc dự báo cụ thể tình hình lúa gạo 6 tháng cuối năm 2009 là rất khó, song chúng ta cần đề phòng việc các nước cắt giảm thuế xuất khẩu. Cụ thể, Ấn Độ hủy bỏ thuế xuất khẩu gạo Basmati và giảm giá gạo xuất khẩu tối thiểu.

Như vậy, gạo Việt Nam sẽ phải cạnh tranh gay gắt với gạo Ấn Độ tại thị trường châu Phi.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Hải Vân (Vietnam+)  

Tin cùng chuyên mục