Xuất khẩu mực giảm sâu, DN sản xuất cầm chừng

Giá trị xuất khẩu mực, bạch tuộc tiếp tục giảm sâu khiến nhiều doanh nghiệp buộc phải giảm công suất chế biến hoặc sản xuất cầm chừng.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, từ đầu năm đến nay, tổng giá trị xuất khẩu mực, bạch tuộc của cả nước giảm khoảng 20% so với cùng kỳ năm 2012.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu mực, bạch tuộc tại các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận và Kiên Giang buộc phải giảm 40-50% công suất chế biến hoặc chấp nhận sản xuất cầm chừng không có lời để duy trì việc làm cho hàng trăm lao động.

Theo Vasep, xuất khẩu mực, bạch tuộc tiếp tục giảm sâu trong tháng 5/2013. Như vậy, 3 tháng liên tiếp, giá trị xuất khẩu mặt hàng này giảm từ 24-53% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị xuất khẩu sang 6 thị trường nhập khẩu lớn là: Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, ASEAN, Trung Quốc-Hong Kong, Nga và Mỹ chiếm đến 90,4% tổng giá trị xuất khẩu cũng có 3 tháng liên tiếp giảm mạnh.

Phản ánh của các doanh nghiệp xuất khẩu mực, bạch tuộc tại Kiên Giang, một trong ít địa phương có sản lượng khai thác lớn nhất cả nước thì hầu hết tàu cá công suất nhỏ tại đây đã nằm bờ do thua lỗ, nguồn lợi cạn kiệt, không đủ chất lượng cho nhà máy chế biến.

Còn theo báo cáo của một số địa phương, những tháng đầu năm nay, nhiều ngư dân tại Phú Quốc câu mực trúng lớn, sản lượng bình quân có thời điểm lên tới 2-3 tấn mực/ngày tăng gần 3 lần so với những tháng trước đó nhưng ngư dân vẫn bất an với bài học “được mùa, mất giá.”

Còn tại một số tỉnh ven biển như: Bình Thuận, Ninh Thuận, Cà Mau... sản lượng khai thác mực được chủ yếu được cung cấp cho các chợ đầu mối tại các thành phố lớn, các nhà hàng mà không đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu.

Trong khi đó, nhiều nhà máy chế biến thiếu nguyên liệu trầm trọng do các tàu khai thác vùng khơi xa cũng chỉ cung cấp hải sản làm nguyên liệu để làm bột cá và chả cá.

Để nâng cao giá trị sản phẩm xuất khẩu, Tổng cục Thủy sản khuyến cáo các địa phương chỉ đạo các đội tàu, các tàu cá liên kết với nhau để chuyển tải sản phẩm, tăng thời gian bám biển, nhằm giảm chi phí, tăng hiệu quả giá trị sản xuất. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tạo mối liên kết với nhau cùng thống nhất về giá bán, chất lượng, chủng loại… thì giá xuất khẩu sẽ được nâng lên và tránh được tình trạng bị nước ngoài ép giá; đồng thời, tập trung tăng cường xúc tiến thương mại, tăng xuất khẩu vào các thị trường mới./.

Thúy Hiền (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục