Xuất khẩu năm 2012: Khó khăn đã bắt đầu lộ diện

Dù hoạt động xuất khẩu đang khá thuận lợi và chưa kết thúc năm 2011 nhưng những khó khăn cho năm 2012 đã được dự báo, nhất là về thị trường.

Nhiều doanh nghiệp may đã không ký được đơn hàng quý 1/2012 do không chủ động được nguồn nguyên liệu và chịu tác động mạnh từ chính sách thắt chặt chi tiêu của Mỹ, Nhật Bản và châu Âu. Trong khi đó, gạo lại chịu sự cạnh tranh khốc liệt về giá từ các thị trường Ấn Độ, Pakistan, Myanmar.

Xuất khẩu những tháng cuối năm 2011 đang tiếp tục “gặt hái” thuận lợi về thị trường và giá cả, giúp kim ngạch xuất khẩu 11 tháng qua đạt trên 87 tỷ USD, tăng gần 35% so với cùng kỳ với 23 nhóm/mặt hàng có kim ngạch trên 1 tỷ USD.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, mặc dù chưa kết thúc năm 2011 nhưng những khó khăn của năm 2012 đã bắt đầu lộ diện.

Xuất khẩu thuận lợi về giá và thị trường

Tại giao ban sản xuất kinh doanh Bộ Công Thương ngày 5/12, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Nguyễn Tiến Vỵ cho biết đến hết 11 tháng, Việt Nam có 23 nhóm hàng, mặt hàng có kim ngạch trên 1 tỷ USD, trong đó có 5 nhóm hàng, mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 5 tỷ USD gồm dệt may đạt 12,8 tỷ USD; dầu thô 6,7 tỷ USD; điện thoại, linh kiện các loại đạt 6,2 tỷ USD; giày dép đạt 5,7 tỷ USD; thủy sản đạt 5,5 tỷ USD.

Cơ cấu xuất khẩu tiếp tục thay đổi theo hướng tích cực. Kim ngạch xuất khẩu nhóm nông lâm, thủy sản đạt 17,8 tỷ USD, tăng 32% và chiếm tỷ trọng 20,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu; nhóm công nghiệp chế biến đạt gần 52 tỷ USD, tăng gần 33% và chiếm tỷ trọng trên 59%; nhóm nhiên liệu, khoáng sản tăng gần 43%, chiếm tỷ trọng gần 12%...

Đặc biệt, so với cùng kỳ, giá bình quân nhiều nhóm/mặt hàng xuất khẩu tăng cao như nhân điều tăng trên 45%, càphê tăng 49%, hạt tiêu tăng trên 66%, dầu thô tăng gần 44%, giúp cải thiện đáng kể giá trị kim ngạch xuất khẩu.

Không chỉ được giá, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam cũng gặp thuận lợi về thị trường với việc tăng trưởng cao ở các thị trường truyền thống; trong đó, ASEAN tăng gần 31%, Nhật Bản tăng trên 38%, Hoa Kỳ tăng trên 19%, EU tăng trên 48%.

Với những điểm sáng về xuất khẩu, cán cân thương mại được cải thiện với nhập siêu 11 tháng là 8,9 tỷ USD, chiếm 10,22% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Nhóm chủ lực thiếu đơn hàng xuất khẩu

Theo ông Nguyễn Tiến Vỵ, ngành dệt may hiện đang đối mặt với nhiều yếu tố bất lợi như giá nhân công, chi phí đầu vào tăng cao do không chủ động được nguồn nguyên liệu; xuất khẩu chịu tác động mạnh từ chính sách thắt chặt tiền tệ của Hoa Kỳ, tiết kiệm tiêu dùng của Nhật Bản và khủng hoảng nợ công tại nhiều nước châu Âu.

Vì vậy, nhiều doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất áo sơmi, quần âu bị hủy hợp đồng, thậm chí không ký được đơn hàng cho quý 1 năm 2012.

Cùng đó, ngành da giầy tuy có khả quan hơn các ngành khác nhưng do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, sản lượng trong từng đơn hàng xuất khẩu vào EU cũng bắt đầu giảm sút từ 20-30%.

Trong khi đó, EU vẫn áp đặt một năm giám sát xuất khẩu hàng da giày của Việt Nam là bất lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là khi ngành này vẫn phải đối mặt với cạnh tranh gay gắt từ các doanh nghiệp của Indonesia, Ấn Độ, Bangladesh, Sri Lanka khi vẫn được hưởng chế độ ưu đãi thuế quan.

Đặc biệt, mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam hiện nay là lúa gạo đang đối mặt với mặt với việc thiếu đơn hàng trầm trọng cũng như sự cạnh tranh gay gắt về giá cả từ các nước xuất khẩu gạo khác.

Bà Cao Thị Ngọc Hoa, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) cho hay đến hết tháng 11, Vinafood 2 đã xuất khẩu được 3,45 triệu tấn gạo, thu về 1,7 tỷ USD.

Tuy nhiên, sau khi trừ lượng xuất khẩu của tháng 12, hợp đồng đã ký “gối đầu” cho năm 2012 chỉ khoảng 220.000 tấn - thấp chưa từng có so với mức 1-3 triệu tấn của các năm trước đó.

Theo bà Hoa, nguyên nhân chủ yếu khiến Việt Nam không ký được hợp đồng xuất khẩu gạo là do giá gạo hiện cao hơn khoảng 100 USD/tấn so với các nước xuất khẩu khác như Ấn Độ, Pakistan, Myanmar.

Vì vậy, các nước châu Phi và một số nước Trung Đông đã quay sang mua gạo trắng của các nước khác thay vì mua của Việt Nam như trước đây.

"Lâu nay Việt Nam thường quan tâm tới thị trường xuất khẩu gạo của Thái Lan và lấy gạo Thái Lan làm cơ sở để tính giá xuất khẩu. Tuy nhiên, Thái Lan hiện nay cũng không xuất khẩu được cho dù chỉ bán với giá 650 USD/tấn. Nước này chỉ xuất khẩu được gạo Thơm - là mặt hàng các nước khác không có," bà Hoa cho biết.

Với tình hình khó khăn hiện nay, doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải tính toán lại mức giá xuất khẩu trên cơ sở cân đối giá các nước có thể mua được và các nước xuất khẩu gạo khác đang bán chứ không thể căn cứ vào giá gạo xuất khẩu Thái Lan. Vinafood 2 đang chuẩn bị thu mua lúa gạo vụ Đông Xuân để phục vụ xuất khẩu nhưng các thị trường đều đang chào giá thấp.

Vì vậy, Vinafood 2 sẽ phải điều chỉnh lại giá xuất khẩu trong thời gian tới nhưng điều chắc chắn là giá xuất khẩu 2012 sẽ khó lòng đạt được mức giá như năm 2011.

Thị trường 2012 không dễ dàng chút nào nên phải có sự điều chỉnh để xuất khẩu và tiêu thụ được gạo vụ Đông Xuân tới, bà Hoa cảnh báo.

Chủ động tháo gỡ khó khăn

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, 2011 là năm sản xuất kinh doanh lúa gạo đạt hiệu quả tương đối toàn diện như sản xuất được mùa; nông dân bán gạo với giá cao, có nơi lãi 50%; đảm bảo cân đối cung cầu và xuất khẩu được cả giá và khối lượng.

Tuy nhiên, có nhiều vấn đề đặt ra với công tác điều hành tiêu thụ và xuất khẩu gạo năm 2012, nhất là khi xuất khẩu gạo đang đối mặt với thách thức thiếu đơn hàng.

Hiện Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương tiếp tục ký một số biên bản thỏa thuận ghi nhớ về xuất khẩu gạo theo các hợp đồng tập trung.

Bên cạnh đó, để khơi thông khó khăn cho xuất khẩu gạo 2012, Bộ Công Thương đang sát cánh với các doanh nghiệp tăng cường công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm các thị trường mới như Indonesia, Philippines bởi có thêm nhiều thị trường mới cộng lại cũng sẽ giúp tăng sản lượng xuất khẩu.

Ngoài ra, Hiệp hội lương thực và các doanh nghiệp cần tăng cường tuyên truyền để nông dân cơ cấu lại giống lúa nhằm giữ vững thương hiệu gạo của Việt Nam bởi hiện nay có xu hướng khá phổ biến là nông dân chọn trồng lúa chất lượng thấp IR54040 bởi có năng suất cao, thời gian trồng ngắn nhưng chất lượng không cao.

Đề xuất về việc khơi thông thị trường xuất khẩu cho hàng Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú lưu ý các doanh nghiệp khai thác nhiều hơn nữa tiềm năng mậu dịch biên giới bởi kim ngạch xuất nhập khẩu 9 tháng của năm 2011 đã đạt gần 6,4 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu đạt 3,1 tỷ USD, nhập khẩu đạt 3,7 tỷ USD.

Theo Thứ trưởng Tú, mậu dịch biên giới là kênh quan trọng đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ xuất khẩu hàng hóa, nhất là với hàng hóa sản xuất trong nước có chất lượng không đòi hỏi quá cao.

Hiện các thị trường sát nách như Lào, Campuchia, Trung Quốc đang đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên thời gian qua, Việt Nam chưa xây dựng được chính sách đặc thù cũng như chưa tận dụng được hết tiềm năng xuất khẩu vào thị trường này.

Đại diện Sở Công Thương Hà Nội cũng cho biết Sở này đã tham mưu với các ngân hàng thương mại có chính sách lãi suất ưu đãi cho một số doanh nghiệp sau đầu tư, tập trung vào các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng chủ lực, các doanh nghiệp xuất khẩu và các doanh nghiệp có số lao động trên 1.000 người. Theo đó, thành phố sẽ hỗ trợ khoảng 0,2% với mỗi mức lãi suất để doanh nghiệp có thể vay vốn mở rộng sản xuất.

Tuy nhiên, cùng với sự hỗ trợ này, giải pháp quan trọng cần triển khai ngay là Chính phủ cần sớm xem xét hạ thuế thu nhập doanh nghiệp từ mức 28% như hiện nay xuống khoảng 20% nhằm giúp doanh nghiệp có thêm nguồn tài chính đầu tư cho sản xuất kinh doanh trong năm 2012./.

Nguyễn Kim Anh (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục