Xuất khẩu nông-lâm-thủy sản giảm gần 9%

Kim ngạch xuất khẩu nông-lâm-thủy sản giảm do giá xuất khẩu trên thị trường thế giới chưa phục hồi sau tác động của khủng hoảng.
Mặc dù lượng hàng xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng nông-lâm-thủy sản đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái, song tổng kim ngạch xuất khẩu trong 10 tháng qua của nhóm hàng này chỉ đạt gần 13,7 tỷ USD, giảm gần 8,9%, do giá xuất khẩu trên thị trường thế giới chưa phục hồi sau tác động tiêu cực của khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho thấy, lâm sản là mặt hàng có mức sụt giảm lớn nhất về kim ngạch xuất khẩu, lên tới 14% so với cùng kỳ năm ngoái với mức đạt 2,1 tỷ USD, tiếp đến là nông sản đạt 6,6 tỷ USD, giảm 10,4% và thủy sản đạt 3,5 tỷ USD, giảm 9,6 %.

Biến động trái chiều về giá trị và lượng hàng xuất khẩu được thể hiện rõ ở hầu hết các mặt hàng xuất khẩu.

Gạo, dù dẫn đầu về kim ngạch trong nhóm hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam khi đạt gần 2,4 tỷ USD trong 10 tháng, song so với cùng kỳ năm ngoái vẫn giảm gần 7,7%, bất chấp lượng gạo xuất khẩu đã tăng tới trên 33%, đạt gần 5,4 triệu tấn.

Các thị trường nhập khẩu gạo chính của Việt Nam hiện nay là Indonesia, Philippines, Cuba và Iraq. Riêng hai thị trường châu Phi và Trung Đông có sự tăng trưởng vượt bậc về lượng gạo nhập khẩu khi 9 tháng qua đạt lần lượt 1,4 triệu tấn và gần 250.000 tấn, tăng tới 98% và 65% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài gạo, những biến động trên cũng xảy ra ở nhiều mặt hàng nông sản khác như cà phê, điều, cao su. Đến hết tháng 10, lượng cà phê xuất khẩu đạt 938.000 tấn, tăng gần 17%, song giá trị lại chỉ đạt gần 1,4 tỷ USD, giảm trên 17%, dù đây là mặt hàng có kim ngạch lớn thứ 2 trong nhóm hàng nông sản xuất khẩu.

Xuất khẩu cao su cũng không khả quan hơn khi 10 tháng qua chỉ đạt 840 triệu USD, giảm trên 61% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, việc giá cao su xuất khẩu liên tục tăng trong những ngày gần đây, từ 1.900 USD đến 2.050 USD/tấn - mức cao nhất từ đầu năm đến nay, đang được kỳ vọng là có thể góp phần hạn chế đà sụt giảm trên. Dự kiến kim ngạch xuất khẩu cao su cả năm đạt khoảng 1 tỷ USD, giảm 600 triệu USD cho với năm ngoái.

Trong khi hầu hết mặt hàng nông sản sụt giảm mạnh về kim ngạch xuất khẩu, chè, hạt tiêu và sắn lại tăng cả về lượng và kim ngạch xuất khẩu. Trong số này, chè là mặt hàng có tốc độ tăng trưởng cao nhất với lượng hàng xuất khẩu đạt trên 11.000 tấn, thu về 145 triệu USD, tăng trên 23% về lượng và gần 15% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Việt Nam hiện đứng thứ 5 trên thế giới về sản lượng chè và thị trường xuất khẩu chè đã được mở rộng tới 110 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Đối với xuất khẩu thủy sản, việc một số thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc và Hoa Kỳ bị sụt giảm nhẹ về giá trị với mức giảm lần lượt là 12%, 7% và 3,8%, đã khiến cho kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành giảm tới 9,6%, đạt gần 3,5 tỷ USD.

Bên cạnh xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản, Việt Nam cũng nhập khẩu nhiều vật tư, nguyên liệu phục vụ ngành hàng này với tổng kim ngạch gần 8,4 tỷ USD, giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản phẩm nhập khẩu chính là phân bón, thuốc trừ sâu, nguyên liệu gỗ, thức ăn gia súc./.

Ngọc Dung (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục