Xuất khẩu quay đầu giảm mạnh, nhập siêu tăng

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong 8 tháng chỉ đạt gần 37,3 tỷ USD, giảm 14,2% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó các mặt hàng xuất khẩu chủ lực đều bị giảm mạnh.
Sau khi hồi phục nhẹ vào tháng 7, tăng trưởng xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng trong tháng 8 lại quay đầu giảm mạnh hoặc giậm chân tại chỗ, khiến kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm tiếp tục đà đi xuống.

Theo công bố mới đây của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước trong 8 tháng đầu năm chỉ đạt gần 37,3 tỷ USD, giảm 14,2% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó các mặt hàng xuất khẩu chủ lực đều bị giảm mạnh.

Dầu thô – một trong những mặt hàng chiếm tỉ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu - có mức giảm sâu nhất, tới trên 48%, tiếp đến là cao su trên 41%, than đá trên 21%, cà phê 17,7% và hạt điều 13,5%.

Mặt hàng gạo tuy không giảm nhiều về lượng, song giá trị xuất khẩu lại giảm đáng kể và đây là lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này sụt giảm sau chuỗi tăng trưởng liên tiếp từ đầu năm đến nay.

Tính chung 8 tháng, cả nước đã xuất khẩu gần 4,7 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch trên 2,15tỷ USD, tăng 43% về lượng và giảm 1,4% trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhóm hàng dệt may cũng đã giảm 1,4% so với cùng kỳ năm trước sau nhiều tháng tăng trưởng dương, đạt kim ngạch trên 5,9 tỷ USD trong 8 tháng.

Trong khi xuất khẩu tiếp tục gặp khó thì nhập khẩu lại có xu hướng tăng với mức nhập siêu trong tháng 8 lên 1,5 tỷ USD, cao nhất trong 5 tháng gần đây, và đẩy mức nhập siêu cả 8 tháng lên trên 5,1 tỷ USD, chiếm gần 13,8% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế-xã hội Quốc gia (NCEIF) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa đưa ra dự báo kim ngạch xuất khẩu năm 2009 của Việt Nam sẽ đạt khoảng 58,7 tỷ USD đến 61,3 tỷ USD, giảm từ 2,2% đến 6,4% so với năm 2008.

Bởi NCEIF cho rằng, ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu khiến hầu hết các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản và các nước khác trong khu vực Đông Bắc Á, các nước ASEAN, khó có khả năng tăng mạnh nhu cầu nhập khẩu trở lại đối với hầu hết hàng hóa, trừ một số mặt hàng thiết yếu.

Tuy nhiên theo NCEIF, nếu kinh tế thế giới có dấu hiệu hồi phục và Chính phủ chỉ đạo, điều hành công tác xuất khẩu một cách quyết liệt thì kim ngạch xuất khẩu trong năm nay có thể đạt cao hơn, thậm chí có thể bằng năm 2008./.
Khánh Vân (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục