Xuất khẩu sang Trung Quốc không thể theo lối mòn

Cơ cấu hàng xuất khẩu nghèo nàn, thiếu kho tàng bến bãi, làm ăn nhỏ lẻ là tồn tại của doanh nghiệp VN khi xuất hàng sang Trung Quốc.
Cơ cấu hàng xuất khẩu nghèo nàn, thiếu kho tàng bến bãi, làm ăn nhỏ lẻ không chính ngạch, … là  những vấn đề được đưa ra Hội nghị giữa lãnh đạo Bộ Công thương và lãnh đạo 7 tỉnh biên giới phía Bắc về đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Hạ tầng khó khăn, kinh doanh manh mún

Các điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng thương mại còn yếu kém, chính sách pháp luật chưa theo kịp, đặc biệt là sự liên kết lỏng lẻo và thiếu chuyên nghiệp của các doanh nghiệp Việt Nam đang là yếu tố làm yếu đi tính cạnh tranh của hàng hóa khi xuất sang Trung Quốc.

Ông Lý Hải Hầu, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng nhận xét, mặc dù làm ăn với một thị trường vô cùng lớn, nhưng cơ cấu hàng hóa của chúng ta còn nghèo nàn, hạ tầng dịch vụ thì chưa tương xứng với phía Trung Quốc.

“Nhà xưởng, kho bãi đều tạm bợ, hạ tầng yếu kém nên xe nhỏ đi qua cửa khẩu chi phí lớn, còn xe lớn thì sợ hỏng đường”, ông Hầu nói.

Hiện các huyện có cửa khẩu giáp biên giới với Trung Quốc lại là những địa phương đang gặp nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng xuống cấp trầm trọng, khiến chi phí của doanh nghiệp bị đẩy lên rất cao...

“Cước phí vận tải đến Lai Châu cao gấp 3 lần vì từ đồng bằng, xe phải vượt qua hơn một nghìn khúc cua mới đến được địa bàn tỉnh”, ông Trần Văn Phu, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu băn khoăn.

Bên cạnh đó, chính sách đẩy mạnh xuất khẩu hàng giá rẻ ra nước ngoài của Trung Quốc đang gây nhiều khó khăn cho hàng hóa Việt Nam, trong khi đó các doanh nghiệp Việt Nam lại manh mún trong làm ăn với phía bạn.

“Hàng ngày, trên 1.000 xe thô sơ xếp thành dãy để vận chuyển hàng hóa qua cửa khẩu, kiểu làm ăn này không giống ai”, ông Nguyễn Văn Vịnh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai chia sẻ.

Cần có thông tin thị trường đầy đủ và chính xác

Nhiều ý kiến cho rằng, để đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc, cần xây dựng nhiều chính sách mới, linh hoạt thích ứng với thị trường rộng lớn này.

Ông Trần Văn Phu cho rằng không nên để các doanh nghiệp đơn phương đi tìm hiểu thị trường Trung Quốc.

”Bộ Công thương nên làm đầu mối thông tin cho các doanh nghiệp, tránh việc để doanh nghiệp tự đi ngang, đi tắt nhằm hạn chế rủi ro”.

Ông Phu kiến nghị, việc xây dựng qui chế hoạt động của các cửa khẩu phải phát huy được lợi thế địa lý của địa phương. Cụ thể, cần qui hoạch đâu là cửa khẩu quốc tế, đâu là "lối mòn" để địa phương có thể chủ động quản lý và đầu tư.

Theo ông Phạm Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu-Bộ Công thương, Việt Nam có tiềm năng buôn bán quốc tế lớn nhưng mới chỉ dừng lại ở việc xuất khẩu những gì chúng ta có và nhập khẩu những gì cần.

“Trong giai đoạn hiện nay, cần nghiên cứu xem thị trường thiếu cái gì để Việt Nam có thể đáp ứng”, ông Chinh nói.

Các ý kiến cũng cho rằng, cần tập trung xây dựng các kho tàng bến bãi, cơ sở hạ tầng để nâng cao tính cạnh tranh của hàng hóa, xây dựng các cửa khẩu xứng tầm với kim ngạch thương mại hai phía để hàng hóa Việt Nam nhanh chóng xuất sang Trung Quốc.

“Cần đưa danh mục đầu tư cho các cửa khẩu vào danh mục của trái phiếu Chính phủ như áp dụng với y tế và giáo dục hiện nay”, ông Lý Hải Hầu đề xuất.

Mặc dù hàng hóa Trung Quốc có lợi thế giá rẻ, tuy nhiên, hàng hóa của Việt Nam lại có ưu thế về chất lượng. “Định hướng lâu dài vẫn phải là cạnh tranh về chất lượng sản phẩm”, ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn nói.

Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, Trung Quốc là đối tác thương mại ngày càng quan trọng của Việt Nam. Hoạt động xuất nhập khẩu giữa hai nước, nhất là qua biên giới đang được đẩy mạnh, góp phần cải thiện đời sống, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội.

Vì vậy, theo Bộ trưởng, cần cung cấp thông tin về thị trường này một cách đầy đủ và chính xác nhất, giúp các doanh nghiệp hạn chế rủi ro; tháo gỡ kịp thời những vướng mắc phát sinh, cũng như quan tâm đầy đủ đến các chính sách biên mậu giữa hai nước.

“Bộ Công thương sẽ là đầu mối nghiên cứu và xây dựng các chính sách đặc thù của từng địa phương đồng thời có hướng chuyển đổi cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu tránh tình trạng bão hòa sản phẩm”, Bộ trưởng nhấn mạnh./.
Đức Duy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục