Theo Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), sau ngày 7/7 thuế xuất khẩu than sẽ được điều chỉnh lên mức mới là 13% thay vì 10% như hiện nay sẽ khiến nhiều chủng loại than phải dừng xuất khẩu do không có lãi. Báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm của Vinacomin cho biết, nếu giữ thuế suất 10% thì lượng xuất khẩu mỗi tháng có thể đạt từ 1,2-1,3 triệu tấn nhưng sau khi nâng lên mức thuế suất mới là 13% thì dự kiến chỉ xuất khẩu được 400-500 nghìn tấn/tháng. Trước đó, đánh giá công tác 5 tháng đầu năm, ông Nguyễn Văn Biên, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam cũng đưa ra dự báo, với giá than xuất khẩu hiện tại sau khi nộp thuế cũng chỉ đủ bù đắp chi phí. Cùng với gánh nặng về thuế thì chi phí để sản xuất than cũng ảnh hưởng rất lớn đến các chỉ tiêu về doanh thu của tập đoàn. Theo tính toán của Vinacomin, trong vòng 15 năm qua, mỗi năm chi phí giá thành sản xuất than tăng khoảng 4-5% do khai thác ngày càng xuống sâu, đi xa; cộng với các yếu tố đầu vào khác như thuế, phí môi trường, tăng chi phí đầu tư, nguyên liệu… khả năng cân đối tài chính hiện nay và đầu tư tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu than sau năm 2015 (đạt 55 triệu tấn) là rất khó khăn. "Các mỏ lộ thiên cung độ vận chuyển tăng, hệ số bốc đất cao, các chi phí về thăm dò, thoát nước, thông gió, an toàn bảo hộ lao động... cũng tăng theo, trong khi tỷ trọng than lộ thiên giảm, chủ yếu phải khai thác hầm lò, làm cho giá thành sản xuất than tiếp tục tăng,” ông Biên cho hay. Ước tính của tập đoàn này thì 6 tháng đầu năm thu nhập của người lao động ngành than giảm 5% so với năm 2012, "Việc tiếp tục xuất khẩu than chỉ nhằm mục đích giữ chân lao động thợ lò và duy trì đảm bảo việc làm cho lao động ngành than hiện nay," ông Biên cho hay. Để duy trì sản xuất cũng như đảm bảo đời sống người lao động, lãnh đạo Vinacomin cho biết, sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp thắt chặt chi phí, điều hành sản lượng than sản xuất và tiêu thụ giữa các đơn vị một cách hợp lý, đồng thời kiểm soát chặt chẽ chất lượng giao than và tiến độ giao hàng để ổn định sản xuất... Tuy nhiên, về cơ chế điều hành giá than, Vinacomin cũng kiến nghị nhà nước cần đảm bảo mức thuế xuất khẩu than theo các mức giá thị trường, cụ thể nếu giá bán than 11A HG dưới 75 USD/tấn thì thuế suất là 10%; giá bán dưới 85 USD/tấn thì thuế suất tương ứng là 15% còn khi giá trên 85 USD/tấn thì thuế suất là 20%. "Để quản lý hiệu quả thì nguyên tắc xác định giá bán than phải đảm bảo bù đắp chi phí hợp lý cộng lãi để đầu tư phát triển và không cao hơn giá nhập khẩu thì ngành than mới ổn định và phát triển bền vững," lãnh đạo Vinacomin kiến nghị./.
Tính đến hết tháng Năm, sản xuất Than nguyên khai đạt 19,43 triệu tấn, đạt 41,9% kế hoạch và bằng 90,3% so với cùng kỳ năm 2012. Dự kiến 6 tháng đầu năm, sản xuất than đạt 21,5 triệu tấn, đạt 49% kế hoạch năm 2013. Tiêu thụ than 6 tháng đầu năm ước đạt 21,5 triệu tấn, tồn kho tính đến hết tháng Năm là 7,1 triệu tấn, trong đó than sạch là 5,2 triệu tấn; than nguyên khai và bán thành phẩm là 1,9 triệu tấn. So với mục tiêu đề ra là tổng sản lượng than tiêu thụ cả năm đạt từ 41,5-43 triệu tấn thì khả năng năm 2013 Vinacomin chỉ đạt quanh mức 31,5 triệu tấn (giảm khoảng 10 triệu tấn so với kế hoạch). |
Đức Duy (Vietnam+)