Xúc tiến đầu tư du lịch Tây Ninh và Đông Nam Bộ

Các tỉnh, thành Đông Nam Bộ cần chú trọng đầu tư, phát triển các tuyến du lịch trong nước và các tuyến du lịch lữ hành quốc tế.
Ngày 26/11 tại Tây Ninh, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh đã tổ chức hội thảo “Xúc tiến đầu tư du lịch Tây Ninh và các tỉnh Đông Nam Bộ” năm 2011.

Đến dự có lãnh đạo Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch, đại diện các tỉnh vùng Đông Nam Bộ và các doanh nghiệp lữ hành, công ty du lịch đến tìm hiểu cơ hội đầu tư vào du lịch.

Hội thảo đã tập trung bàn về quy hoạch, định hướng đầu tư vào phát triển du lịch Tây Ninh và các tỉnh Đông Nam Bộ, sức hấp dẫn đầu tư, khai thác tài nguyên du lịch gắn với việc bảo tồn và phát huy bản sắc, giá trị di sản văn hóa cho phát triển du lịch.

Bên cạnh đó, các tỉnh vùng Đông Nam Bộ giới thiệu về những chính sách cụ thể của từng địa phương để khuyến khích các đầu tư vào các dự án phát triển du lịch.

Những năm qua, du lịch vùng Đông Nam Bộ đã đạt được kết quả tăng trưởng vượt bậc về lượng khách, sự đa dạng về loại hình du lịch, dẫn đầu về các chỉ tiêu quy mô, chất lượng dịch vụ, thu nhập và tạo việc làm.

Năm 2010, toàn vùng đón tiếp và phục vụ trên 3,6 triệu lượt khách quốc tế (chiếm 25% trong cơ cấu ngày khách quốc tế đến Việt Nam) và 18 triệu lượt khách nội địa (chiếm 27% trong cơ cấu ngày khách nội địa); tổng thu từ du lịch đạt trên 31.500 tỷ đồng, chiếm 28% tổng thu nhập du lịch cả nước.

Tuy nhiên, những kết quả trên chủ yếu tập trung ở hai trung tâm du lịch lớn là Thành phố Hồ Chí Minh và Bà Rịa–Vũng Tàu, dẫn đến sự chênh lệch cục bộ giữa các địa phương trong vùng.

Các địa phương như Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai hầu như còn phát triển tự phát, bị động về thị trường, sản phẩm du lịch chưa phong phú, sức cạnh tranh thấp; tài nguyên và môi trường du lịch suy giảm; công tác đầu tư phát triển du lịch, đặc biệt về cơ sở vật chất, kỹ thuật, kết cấu hạ tầng du lịch, bảo tồn, tôn tạo tài nguyên du lịch còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu phát triển du lịch.

Với Tây Ninh, dù là cửa ngõ thuận lợi để phát triển du lịch đường bộ kết nối với Cam puchia và các nước ASEAN nhưng hoạt động du lịch vẫn còn đơn sơ, chưa bứt phá lên so với tiềm năng của mình.

Để du lịch Đông Nam Bộ phát triển xứng tầm, các đại biểu cho rằng, các tỉnh trong vùng cần liên kết, hợp sức và có giải pháp cấp bách trong quy hoạch phát triển du lịch, đảm bảo thực thi với tầm nhìn dài hạn, hiệu quả và bền vững, tạo môi trường đầu tư hấp dẫn.

Các tỉnh cần tập trung đẩy mạnh đầu tư vào kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật; xúc tiến quảng bá, phát triển thương hiệu và phát triển nguồn nhân lực du lịch.

Các khu du lịch, điểm du lịch quốc gia như Núi Bà Đen, Trung ương Cục miền Nam, căn cứ Tà Thiết, Cần Giờ, Cát Tiên, Côn Đảo, Long Hải… cần được tập trung đầu tư phát triển.

Bên cạnh đó, cần chú trọng đầu tư cho hạ tầng du lịch, các sản phẩm du lịch mới, phát triển các tuyến du lịch trọng điểm kết nối các tỉnh, thành Đông Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung, cũng như kết nối với các tuyến du lịch lữ hành quốc tế, trong đó có các tuyến theo đường bộ đến Campuchia, Thái Lan, Lào, Myanmar./.

Vũ Tiến Lực (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục