Ngành du lịch Việt Nam bao nhiêu năm vẫn cứ đì đẹt và loay hoay trong việc đưa hình ảnh cũng như khuếch trương tầm vóc của mình ra với thế giới.
Đành rằng, thời gian qua các cấp quản lý ở Việt Nam đã có tư duy cởi mở hơn và bắt đầu mạnh tay hơn với xúc tiến, quảng bá du lịch. Song, hoạt động (được coi là chủ lực trong vài năm trở lại đây) này vẫn chưa mang lại hiệu quả như mong đợi. Muôn thuở vẫn tại cái lý do “đầu tiên” (tiền đâu) cùng với một cách làm thiếu chuyên nghiệp.
Muôn thuở tại cái “đầu tiên”
Trong một vài cuộc họp ngành, Tổng cục Du lịch từng đề xuất cơ chế, mỗi du khách khi đến Việt Nam sẽ dành 1 USD cho các hoạt động xúc tiến, quảng bá ở trong và ngoài nước. Vì rõ ràng, muốn thu hút nhiều khách thì du lịch Việt phải tạo được hình ảnh độc đáo, khác lạ.
Nếu theo cách tính toán đó, năm 2011 đón 6 triệu lượt khách quốc tế sẽ có 6 triệu USD (tương đương 120 tỷ đồng) cho chiến dịch quảng bá. Thực tế năm 2011, ngân sách cho hoạt động xúc tiến du lịch chỉ có 50 tỷ đồng, trong khi thu nhập du lịch trên 130 nghìn tỷ đồng, đóng góp khoảng 5% GDP.
Và rốt cuộc đề xuất cũng mãi chỉ là đề xuất. Thậm chí, năm 2012 kinh phí xúc tiến còn bị cắt giảm chỉ còn 30 tỷ đồng, tương đương với 1,5 triệu USD.
Với con số quá khiêm tốn này, có lẽ du lịch Việt phải “xách dép” chạy theo các nước láng giềng. Như Thái Lan trong năm 2010 dành 130 triệu USD cho xúc tiến quảng bá và đang nỗ lực để tăng con số này lên 237 triệu USD trong năm nay (với 180 triệu lượt khách). Năm 2011 du lịch Thái Lan đóng góp khoảng 10% vào GDP nước này.
“Quốc đảo sư tử” tuy nhỏ bé nhưng cũng chi tới 171 triệu USD vào việc khuếch trương hình ảnh cho khoảng 10 triệu lượt khách. Khiêm tốn hơn như Malaysia năm 2011 cũng dành 40 triệu USD để xúc tiến quảng bá (cho 25 triệu lượt khách).
Chỉ có 1,5 triệu USD thử hỏi chúng ta sẽ làm được gì, khi mà thậm chí còn bị chia năm xẻ bảy cho Tổng cục Du lịch 70%, Cục Hợp tác quốc tế 20% và một số dự án chia nhỏ cho một số đơn vị. Nguồn lực phân tán đôi khi dẫn tới sự chồng chéo và không phối hợp đồng bộ.
Thực tế này đã và đang trở thành rào cản lớn trong công tác quảng bá của ngành. Và sự thực, đây là cuộc đua không cân sức của Việt Nam với các nước láng giềng!
Thế mới có cảnh, Tổng cục Du lịch khi tham gia hội chợ hay các sự kiện ở nước ngoài thường phải loay hoay vì thiếu tiền để tổ chức các hoạt động phụ trợ như họp báo, quảng bá trực quan… Thậm chí hình ảnh quốc gia cũng được thể hiện khá manh mún, khi các doanh nghiệp lớn của Việt Nam tham gia gian hàng quảng bá ở nước ngoài cứ mạnh ai nấy làm một cách mờ nhạt, chứ chẳng chịu liên minh vào ngôi nhà chung cho “sáng bừng sức sống.”
Bên cạnh đó, tiền đã ít nhưng cách sử dụng sao cho hiệu quả dường như chưa được tính đến. Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch Phạm Trung Lương kể rằng, trong một lần xúc tiến du lịch tại thị trường nước ngoài, đoàn Việt Nam mang cả tạ tờ rơi, tờ gấp để quảng bá nhưng sau đó đành gửi lại Đại sứ quán.
Đống thông tin lẽ ra là hữu ích ấy bỗng chốc trở thành mớ giấy lộn như vậy là tại sao? Theo ông Lương, ngay cả cách làm một tờ rơi hấp dẫn thì ngành du lịch Việt Nam cũng chưa biết cách. Sản phẩm làm ra chưa được thị trường quan tâm và phương thức quảng bá cũng không đúng.
Do đó, ông Lương cho rằng, việc cắt giảm ngân sách chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xúc tiến. Nhưng vấn đề mấu chốt trong bài toán cắt giảm này là ngành du lịch làm cách nào, sử dụng số tiền ít ỏi đó ra sao cho hiệu quả.
Vị chuyên gia cũng bày tỏ, từ rất lâu ông đã có kiến nghị cần đánh giá khách quan, cởi mở hơn cũng như cần phải tổng kết xem hiệu quả thật sự của hoạt động xúc tiến bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước đến đâu. Tiếc rằng chưa ai dám làm!
Lạc hậu trong cách quảng bá
Có một thực tế là sau bao nhiêu năm làm công tác xúc tiến du lịch, hoạt động này dường như vẫn "dậm chân tại chỗ" khi loanh quanh ở việc in tờ rơi, tờ gấp phát, trưng bày một số đặc sản tại các hội chợ, hội nghị thương mại, du lịch ở nước ngoài, trong khi công nghệ hiện đại đã giúp cho hoạt động xúc tiến du lịch tiến những bước dài.
Chuyên gia Robert Travers (dự án “Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội do EU tài trợ”-ESRT) gợi ý, nên giảm mức độ tập trung vào việc trưng bày.
Theo ông Robert cần tăng cường đầu tư, trau chuốt cho các website chuyên cung cấp, hỗ trợ thông tin du lịch; đẩy mạnh tiếp thị điện tử (e-marketing) và marketing mạng xã hội; hợp tác trong marketing để tạo sức mạnh lan tỏa và dần thay thế cho những tờ rơi truyền thống.
Xem xét việc miễn thị thực với một số thị trường cũng là cách tạo thêm nhiều cơ hội, thu hút khách du lịch đến với đất nước vốn được mệnh danh là thân thiện như Việt Nam.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng gợi ý, xác định được thị trường du lịch trọng điểm rồi cũng cần nghiên cứu kỹ phương thức tiếp cận hiệu quả. Cách tìm hiểu thị trường tốt nhất là mở văn phòng đại diện để hỗ trợ, cung cấp thông tin đầy đủ và chính xác cho khách hàng sở tại.
Đáng tiếc, cho đến nay du lịch Việt Nam sau hơn 50 năm hoạt động vẫn chưa có văn phòng đại diện ở nước ngoài. Tổng cục Du lịch gần đây mới gấp rút chuẩn bị đề án thành lập Văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam tại Nhật Bản vào năm 2013.
Trong khi đó, nhìn ra xung quanh đã có 40 quốc gia đặt văn phòng tại Nhật Bản. Ngay như Thái Lan cũng đặt tới 24 văn phòng tại 22 quốc gia và vùng lãnh thổ, Malaysia có 21 và Singapore có 18 văn phòng ở nước ngoài.
Liệu có bao giờ “trâu chậm” được uống “nước trong? Chỉ biết, chúng ta vẫn đang tự để vuột mất nhiều cơ hội quảng bá và đương nhiên khách sẽ đến với đất nước họ được cung cấp thông tin tốt hơn./.
Đành rằng, thời gian qua các cấp quản lý ở Việt Nam đã có tư duy cởi mở hơn và bắt đầu mạnh tay hơn với xúc tiến, quảng bá du lịch. Song, hoạt động (được coi là chủ lực trong vài năm trở lại đây) này vẫn chưa mang lại hiệu quả như mong đợi. Muôn thuở vẫn tại cái lý do “đầu tiên” (tiền đâu) cùng với một cách làm thiếu chuyên nghiệp.
Muôn thuở tại cái “đầu tiên”
Trong một vài cuộc họp ngành, Tổng cục Du lịch từng đề xuất cơ chế, mỗi du khách khi đến Việt Nam sẽ dành 1 USD cho các hoạt động xúc tiến, quảng bá ở trong và ngoài nước. Vì rõ ràng, muốn thu hút nhiều khách thì du lịch Việt phải tạo được hình ảnh độc đáo, khác lạ.
Nếu theo cách tính toán đó, năm 2011 đón 6 triệu lượt khách quốc tế sẽ có 6 triệu USD (tương đương 120 tỷ đồng) cho chiến dịch quảng bá. Thực tế năm 2011, ngân sách cho hoạt động xúc tiến du lịch chỉ có 50 tỷ đồng, trong khi thu nhập du lịch trên 130 nghìn tỷ đồng, đóng góp khoảng 5% GDP.
Và rốt cuộc đề xuất cũng mãi chỉ là đề xuất. Thậm chí, năm 2012 kinh phí xúc tiến còn bị cắt giảm chỉ còn 30 tỷ đồng, tương đương với 1,5 triệu USD.
Với con số quá khiêm tốn này, có lẽ du lịch Việt phải “xách dép” chạy theo các nước láng giềng. Như Thái Lan trong năm 2010 dành 130 triệu USD cho xúc tiến quảng bá và đang nỗ lực để tăng con số này lên 237 triệu USD trong năm nay (với 180 triệu lượt khách). Năm 2011 du lịch Thái Lan đóng góp khoảng 10% vào GDP nước này.
“Quốc đảo sư tử” tuy nhỏ bé nhưng cũng chi tới 171 triệu USD vào việc khuếch trương hình ảnh cho khoảng 10 triệu lượt khách. Khiêm tốn hơn như Malaysia năm 2011 cũng dành 40 triệu USD để xúc tiến quảng bá (cho 25 triệu lượt khách).
Chỉ có 1,5 triệu USD thử hỏi chúng ta sẽ làm được gì, khi mà thậm chí còn bị chia năm xẻ bảy cho Tổng cục Du lịch 70%, Cục Hợp tác quốc tế 20% và một số dự án chia nhỏ cho một số đơn vị. Nguồn lực phân tán đôi khi dẫn tới sự chồng chéo và không phối hợp đồng bộ.
Thực tế này đã và đang trở thành rào cản lớn trong công tác quảng bá của ngành. Và sự thực, đây là cuộc đua không cân sức của Việt Nam với các nước láng giềng!
Thế mới có cảnh, Tổng cục Du lịch khi tham gia hội chợ hay các sự kiện ở nước ngoài thường phải loay hoay vì thiếu tiền để tổ chức các hoạt động phụ trợ như họp báo, quảng bá trực quan… Thậm chí hình ảnh quốc gia cũng được thể hiện khá manh mún, khi các doanh nghiệp lớn của Việt Nam tham gia gian hàng quảng bá ở nước ngoài cứ mạnh ai nấy làm một cách mờ nhạt, chứ chẳng chịu liên minh vào ngôi nhà chung cho “sáng bừng sức sống.”
Bên cạnh đó, tiền đã ít nhưng cách sử dụng sao cho hiệu quả dường như chưa được tính đến. Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch Phạm Trung Lương kể rằng, trong một lần xúc tiến du lịch tại thị trường nước ngoài, đoàn Việt Nam mang cả tạ tờ rơi, tờ gấp để quảng bá nhưng sau đó đành gửi lại Đại sứ quán.
Đống thông tin lẽ ra là hữu ích ấy bỗng chốc trở thành mớ giấy lộn như vậy là tại sao? Theo ông Lương, ngay cả cách làm một tờ rơi hấp dẫn thì ngành du lịch Việt Nam cũng chưa biết cách. Sản phẩm làm ra chưa được thị trường quan tâm và phương thức quảng bá cũng không đúng.
Do đó, ông Lương cho rằng, việc cắt giảm ngân sách chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xúc tiến. Nhưng vấn đề mấu chốt trong bài toán cắt giảm này là ngành du lịch làm cách nào, sử dụng số tiền ít ỏi đó ra sao cho hiệu quả.
Vị chuyên gia cũng bày tỏ, từ rất lâu ông đã có kiến nghị cần đánh giá khách quan, cởi mở hơn cũng như cần phải tổng kết xem hiệu quả thật sự của hoạt động xúc tiến bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước đến đâu. Tiếc rằng chưa ai dám làm!
Lạc hậu trong cách quảng bá
Có một thực tế là sau bao nhiêu năm làm công tác xúc tiến du lịch, hoạt động này dường như vẫn "dậm chân tại chỗ" khi loanh quanh ở việc in tờ rơi, tờ gấp phát, trưng bày một số đặc sản tại các hội chợ, hội nghị thương mại, du lịch ở nước ngoài, trong khi công nghệ hiện đại đã giúp cho hoạt động xúc tiến du lịch tiến những bước dài.
Chuyên gia Robert Travers (dự án “Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội do EU tài trợ”-ESRT) gợi ý, nên giảm mức độ tập trung vào việc trưng bày.
Theo ông Robert cần tăng cường đầu tư, trau chuốt cho các website chuyên cung cấp, hỗ trợ thông tin du lịch; đẩy mạnh tiếp thị điện tử (e-marketing) và marketing mạng xã hội; hợp tác trong marketing để tạo sức mạnh lan tỏa và dần thay thế cho những tờ rơi truyền thống.
Xem xét việc miễn thị thực với một số thị trường cũng là cách tạo thêm nhiều cơ hội, thu hút khách du lịch đến với đất nước vốn được mệnh danh là thân thiện như Việt Nam.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng gợi ý, xác định được thị trường du lịch trọng điểm rồi cũng cần nghiên cứu kỹ phương thức tiếp cận hiệu quả. Cách tìm hiểu thị trường tốt nhất là mở văn phòng đại diện để hỗ trợ, cung cấp thông tin đầy đủ và chính xác cho khách hàng sở tại.
Đáng tiếc, cho đến nay du lịch Việt Nam sau hơn 50 năm hoạt động vẫn chưa có văn phòng đại diện ở nước ngoài. Tổng cục Du lịch gần đây mới gấp rút chuẩn bị đề án thành lập Văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam tại Nhật Bản vào năm 2013.
Trong khi đó, nhìn ra xung quanh đã có 40 quốc gia đặt văn phòng tại Nhật Bản. Ngay như Thái Lan cũng đặt tới 24 văn phòng tại 22 quốc gia và vùng lãnh thổ, Malaysia có 21 và Singapore có 18 văn phòng ở nước ngoài.
Liệu có bao giờ “trâu chậm” được uống “nước trong? Chỉ biết, chúng ta vẫn đang tự để vuột mất nhiều cơ hội quảng bá và đương nhiên khách sẽ đến với đất nước họ được cung cấp thông tin tốt hơn./.
ChiLê (Vietnam+)