Xúc tiến xây dựng Quỹ phát triển Sử học Thăng Long-Hà Nội

Việc xây dựng Quỹ phát triển Sử học Thăng Long-Hà Nội tạo điều kiện để các hoạt động sử học của Thủ đô đi vào chuyên môn, thực chất và có chiều sâu.

Ngày 14/5, tại Đại hội Hội Sử học Hà Nội tổng kết nhiệm kỳ 4 (2009-2014), giáo sư-tiến sỹ, nhà giáo nhân dân Nguyễn Quang Ngọc, Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội cho biết Hội đang xúc tiến xây dựng Quỹ phát triển Sử học Thăng Long-Hà Nội.

Việc xây dựng Quỹ phát triển Sử học Thăng Long-Hà Nội tạo điều kiện để các hoạt động sử học của Thủ đô đi vào chuyên môn, thực chất và có chiều sâu đồng thời động viên, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho những người yêu quý, gắn bó với lịch sử Thủ đô có thêm cơ hội phát huy năng lực chuyên môn của mình phục vụ Thủ đô.

Khi đi vào hoạt động, Quỹ sẽ tổ chức các cuộc thi, các sinh hoạt học thuật về lịch sử Thăng Long-Hà Nội; hỗ trợ nghiên cứu và xuất bản về lịch sử Thăng Long-Hà Nội dành cho các tác giả trẻ và các tác giả không thuộc biên chế các cơ sở khoa học và đào tạo của Nhà nước.

Quỹ cũng tiến hành tặng giải thưởng cho các tác phẩm sử học về Thăng Long-Hà Nội tiêu biểu, khen thưởng những tập thể và cá nhân có nhiều thành tích nổi bật trong xây dựng và phát triển Hội Sử học Hà Nội.

Thời gian tới, Hội Sử học Hà Nội chú trọng mở rộng các hoạt động sưu tầm, nghiên cứu và xuất bản lịch sử xây dựng và bảo vệ các địa phương (quận huyện, phường xã), cũng như lịch sử của các ban, ngành.

Hội chủ trương thường xuyên cập nhật các thành tựu và phương pháp nghiên cứu mới, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng của các công trình lịch sử. Cùng với đó, Hội Sử học Hà Nội phối hợp với ngành giáo dục và các cơ quan chức năng xây dựng chương trình đào tạo chuẩn về Hà Nội học cho học sinh, sinh viên, cán bộ công chức Thủ đô; nghiên cứu bài bản và tổng thể hệ thống các di tích lịch sử, văn hóa, di sản vật thể, phi vật thể trên địa bàn thành phố.

Trong nhiệm kỳ qua, Hội Sử học Hà Nội đã hoàn thành đề tài khoa học cấp Nhà nước “Giáo dục và đào tạo của Thăng Long-Hà Nội: Định hướng phát triển giáo dục và đào tạo của Thủ đô trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.” Đây là một trong những dấu ấn nổi bật, khẳng định bước tiến quan trọng về công tác chuyên môn của Hội.

Hội cũng tổ chức hàng chục cuộc hội thảo khoa học, đánh giá và tôn vinh nhiều danh nhân lịch sử văn hóa của Hà Nội, góp phần đẩy mạnh xây dựng và phát triển Thủ đô văn minh, hiện đại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục