Xung đột chính trị tác động tiêu cực lên tăng trưởng kinh tế Thái Lan

Nếu các cuộc biểu tình không kéo dài, Thái Lan sẽ chỉ bị ảnh hưởng trong ngắn hạn. Nếu cuộc biểu tình trở thành bạo lực, đó sẽ là một cơn ác mộng khi cố gắng khôi phục nền kinh tế.
Người biểu tình tập trung tại Tượng đài Dân chủ ở Bangkok, Thái Lan. (Nguồn: Bangkok Post)
Người biểu tình tập trung tại Tượng đài Dân chủ ở Bangkok, Thái Lan. (Nguồn: Bangkok Post)

Liên đoàn các ngành công nghiệp Thái Lan (FTI) đang lo lắng về những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế nước này nếu xung đột chính trị leo thang, theo đó cảnh báo rằng Thái Lan không thể chấp nhận rủi ro nhiều hơn trong thời kỳ suy thoái do đại dịch COVID-19.

Cảnh báo trên được đưa ra hôm 14/10 khi những người biểu tình chống chính phủ tổ chức một cuộc biểu tình trên đại lộ Ratchadamnoen, cùng một địa điểm nơi những người ủng hộ chế độ quân chủ mặc áo vàng tập trung để đón đoàn xe của Nhà Vua.

Trong khi yêu cầu Thủ tướng Prayut Chan-o-cha - người bị cáo buộc kéo dài quyền lực quân sự sau cuộc đảo chính năm 2014 - từ chức, một số người biểu tình cũng đòi hỏi cải cách chế độ quân chủ.

Theo tờ Bangkok Post ngày 15/10, FTI cho biết cuộc đối đầu là "không thể đoán trước," nhưng chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế trừ khi sớm kết thúc. Phó Chủ tịch FTI Kriangkrai Tiannukul nói rằng nếu những người biểu tình không kéo dài các cuộc biểu tình, Thái Lan sẽ chỉ bị ảnh hưởng trong ngắn hạn. Nếu cuộc biểu tình trở thành bạo lực, đó sẽ là một cơn ác mộng khi cố gắng khôi phục nền kinh tế.

Ông Kriangkrai nói: "Thái Lan vài lần đối mặt với bất ổn chính trị, nhưng đã vượt qua được một phần nhờ không có những yếu tố bên ngoài nào. Ngày nay chúng ta đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch vốn đã lan rộng trên toàn thế giới." Đại dịch có nghĩa là đất nước không thể chịu thêm những rủi ro, đặc biệt là những rủi ro từ các cuộc biểu tình đường phố, bởi vì điều này sẽ làm giảm niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài, cả những người đang có kế hoạch đầu tư mới lẫn những người khác đang hoạt động kinh doanh tại đây.

[Thái Lan thực thi sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp ở Bangkok]

Theo ông Kriangkrai, "các nhà đầu tư nước ngoài luôn lo lắng về các xung đột chính trị, bất kể nhóm nào có liên quan - phe Áo vàng hay Áo đỏ." Cuộc biểu tình ngày 14/10 khiến Thái Lan thu hút sự chú ý của giới truyền thông trong và ngoài nước. Nếu bạo động bùng nổ thì sẽ giáng một đòn mạnh vào đất nước. Điều đó có nghĩa là nền kinh tế sẽ tiếp tục tăng trưởng chậm lại trong dài hạn.

Ông Kriangkrai nói FTI hiểu bản chất của nền chính trị Thái Lan, vốn luôn có xung đột giữa các chính trị gia và các cuộc biểu tình phản đối sự can thiệp thường xuyên của giới quân sự, nhưng Thái Lan chỉ nên chiến đấu với đại dịch trong thời điểm này.

Trong khi đó, Tanit Sorat, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Thái Lan, nhận xét nền kinh tế đang phục hồi với tốc độ chậm hơn các nước láng giềng ASEAN và "cuộc biểu tình chính trị này sẽ chỉ làm phức tạp thêm vấn đề."

Xung đột chính trị tác động tiêu cực lên tăng trưởng kinh tế Thái Lan ảnh 1Đo thân nhiệt cho khách thăm quan phòng lây nhiễm COVID-19 tại một ngôi đền ở Bangkok, Thái Lan. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trước đó, Nội các Thái Lan ngày 12/10 đã thông qua các ưu đãi về thuế để thúc đẩy tiêu dùng trong nước nhằm vực dậy nền kinh tế đang gặp khó khăn do tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Truyền thông sở tại dẫn lời Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha cho biết, gói kích thích mới cho phép khấu trừ thuế thu nhập cá nhân lên tới 30.000 baht (gần 1.000 USD)/người nhằm giúp thúc đẩy chi tiêu của người dân vào hàng hóa và dịch vụ.

Đại dịch COVID-19 đã giáng một đòn chưa từng có vào nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại và du lịch của Thái Lan. Nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á này ghi nhận mức giảm sâu nhất trong hơn hai thập kỷ trong quý 2/2020, do dịch bệnh COVID-19 bùng phát ảnh hưởng đến các ngành du lịch và xuất khẩu vốn chiếm tổng cộng khoảng 60% GDP vào năm ngoái.

Ủy ban hỗn hợp thường trực về thương mại, công nghiệp và ngân hàng (JSCCIB) đầu tháng này cho rằng nền kinh tế Thái Lan vẫn sẽ sụt giảm 7-9% trong năm nay, mặc dù xuất khẩu có thể giảm ít hơn so với dự báo trước đó, do đại dịch COVID-19 vẫn là một nguy cơ rủi ro.

Mặc dù Thái Lan đã tương đối thành công trong việc kiềm chế đại dịch COVID-19 và hầu hết các hoạt động kinh doanh đã trở lại, Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BoT) vẫn cho rằng kinh tế nước này có thể mất ít nhất hai năm để trở lại mức trước đại dịch. BoT dự đoán kinh tế Thái Lan có thể giảm 7,8% trong năm nay.

Theo BoT, kinh tế Thái Lan sẽ tăng trưởng trở lại trong quý 2/2021, do được hỗ trợ bởi các biện pháp kích thích của chính phủ và số liệu kinh tế thấp của quý 2/2020. Sau khi đã được điều chỉnh theo yếu tố thời vụ, GDP trong quý 2/2020 của Thái Lan giảm 12,2% so với cùng kỳ năm 2019 và giảm 9,7% so với quý trước đó do nền kinh tế chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch COVID-19.

Nền kinh tế Thái Lan được kỳ vọng sẽ cho thấy đà phục hồi tốt hơn trong quý 3/2020 và quay trở lại đà tăng trưởng trong quý 2/2021. Số liệu kinh tế ở mức thấp của quý 2/2020 là một lý do khác hỗ trợ sự kỳ vọng vào triển vọng kinh tế Thái Lan khôi phục tăng trưởng trong quý 2/2021.

Xung đột chính trị tác động tiêu cực lên tăng trưởng kinh tế Thái Lan ảnh 2Cảnh sát Thái Lan được triển khai tại thủ đô Bangkok để ngăn chặn người biểu tình. (Nguồn: AP)

Các cuộc biểu tình ở Thái Lan đã leo thang trong ba tháng qua và cuộc biểu tình mới nhất diễn ra từ ngày 14/10 tại Tượng đài Dân chủ ở Bangkok. Những người biểu tình do Arnon Nampha, một thành viên nòng cốt của Nhóm Nhân dân, dẫn đầu bắt đầu tụ tập tại Tượng đài Dân chủ trên Đại lộ Ratchadamnoen ở thủ đô Bangkok của Thái Lan và sáng 14/10.

Đến chiều cùng ngày, hàng nghìn người biểu tình đã tuần hành từ Tượng đài Dân chủ trên đại lộ Ratchdamneon đến Tòa nhà Chính phủ nhằm nhấn mạnh yêu cầu Thủ tướng Prayut Chan-o-cha từ chức, soạn thảo Hiến pháp mới và cải cách chế độ quân chủ. Sau khi tới Tòa nhà Chính phủ, những người biểu tình tối 14/10 đã tuyên bố ý định ở lại cắm trại bên ngoài Tòa nhà Chính phủ trong ít nhất ba ngày để gây áp lực buộc Thủ tướng Prayut từ chức.

Sau tuyên bố của Thủ tướng Prayut thực thi sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Bangkok có hiệu lực từ 4 giờ sáng ngày 15/10, hàng trăm cảnh sát đã tiến từ đường Phitsanulok đến giao lộ Nang Loeng gần Tòa nhà Chính phủ - nơi những người biểu tình tụ tập từ ngày 14/10 - để buộc họ rời khỏi khu vực. Đến 4 giờ 55 phút sáng ngày 15/10, cảnh sát đã kiểm soát các khu vực phía trước Tòa nhà Chính phủ và toàn bộ Đại lộ Ratchadamnoen Nok.

Cảnh sát Thái Lan cho biết 20 người biểu tình, trong đó có 3 thủ lĩnh, đã bị bắt tại Bangkok vào sáng 15/10 khi cuộc biểu tình bên ngoài Tòa nhà Chính phủ bị giải tán. Hai nghìn cảnh sát cũng túc trực để ngăn chặn một cuộc biểu tình chống Chính phủ khác được lên kế hoạch ở giao lộ Ratchaprasong vào cuối chiều ngày 15/10.

Phó phát ngôn viên cảnh sát, Đại tá Kissana Phathanacharoen, nói rằng tuyên bố của Thủ tướng Prayut về áp dụng sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp vào sáng sớm 15/10 đã nghiêm cấm mọi cuộc tụ tập công cộng từ 5 người trở lên và bất kỳ hành động nào kích động mất trật tự. Cảnh sát cũng đang hành động chống lại những người đã đăng các thông điệp bất hợp pháp qua mạng xã hội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục