Xung đột gay gắt, "thùng thuốc súng" Trung Đông lại nóng

Sau một tháng trời bạo lực lẻ tẻ và căng thẳng âm ỉ, Trung Đông lại đứng trên bờ vực của tình trạng xung đột gay gắt, và có vẻ không có cường quốc bên ngoài nào có thể dập tắt lửa xung đột.
Xung đột gay gắt, "thùng thuốc súng" Trung Đông lại nóng ảnh 1Người dân Syria rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn do lo ngại xung đột leo thang tại tỉnh Idlib ngày 9/9. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Sau một tháng trời bạo lực lẻ tẻ và căng thẳng âm ỉ, Trung Đông lại đứng trên bờ vực của tình trạng xung đột gay gắt, và không có cường quốc bên ngoài nào có lợi ích hoặc thế mạnh để dập tắt lửa xung đột này.

Dưới đây là phân tích về “thùng thuốc súng” Trung Đông lại nóng lên được đăng tải trên trang mạng slate.com ngày 4/9.

Khói lửa xung đột bắt đầu cuồn cuộn từ 3 điểm nóng được biết đến lâu nay. Thứ nhất, tỉnh Idlib ở phía Bắc Syria, giáp biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, nơi trú ngụ của gần 70.000 phiến quân chống chính phủ, đa phần là tay súng thánh chiến. Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã tuyên bố quét sạch các lực lượng này bằng bộ binh và không quân. Các đồng minh Nga và Iran cho biết sẽ hỗ trợ và thực tế thì bom đã khai hỏa.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ lại thiết lập các chòi canh ở Idlib và cảnh báo ông Assad không được tấn công, tuyên bố vượt qua Idlib sẽ tạo ra một “lằn ranh đỏ” song không rõ điều này có nghĩa như thế nào.

Hôm 3/9, Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên Twitter: “Tổng thống Bashar al-Assad không được liều lĩnh tấn công tỉnh Idlib. Nga và Iran sẽ gây ra sai lầm nhân đạo tồi tệ… Đừng để điều đó xảy ra!”

Đó là một thông điệp lạ lùng. Nói ông Assad không được “liều lĩnh” tấn công Idlib tức là có thể tấn công tỉnh này một cách thận trọng. Và câu hối thúc “Đừng để điều đó xảy ra” là lời than khóc của một người bàng quan như thể Mỹ không có lợi ích gì về những gì sắp xảy ra, không có tầm ảnh hưởng chính trị hoặc quân sự để xoay chuyển tình thế.

Joshua Landis, giáo sư nghiên cứu về Trung Đông tại Đại học Oklahoma và là một chuyên gia có tiếng về Syria bình luận qua thư điện tử rằng: “Mỹ đã đưa ra những tuyên bố tương tự trước khi xảy ra cuộc tấn công Deraa vài tháng trước đây, song đã không làm gì khi Nga và Syria tiến hành cuộc tấn công này."

Trong các cuộc xung đột trước đây ở khu vực, các cường quốc bên ngoài, dù là Mỹ, Nga, Liên hợp quốc, Liên đoàn Arab, đôi khi cố gắng nhảy vào để dập tắt bạo lực. Nhưng giờ thì các cường quốc này lại có lợi thế hạn chế hoặc động cơ lẫn lộn. Thổ Nhĩ Kỳ có thể dường như là một mục tiêu rõ ràng của sức ép ngoại giao, hoặc mở cửa biên giới của mình hoặc sẵn sàng đẩy lùi cuộc tấn công do Syria và Nga thực hiện.

Tuy nhiên, mối quan hệ của Ankara và các đồng minh NATO lại đang căng thẳng đồng thời coi Nga là một đồng minh. Mối quan hệ này có thể có lợi trong việc tiến tới một thỏa thuận hòa bình (cho Idlib) song giáo sư Landis bình luận trên Twitter rằng hai nước này “đồng sàng dị mộng” trong cuộc xung đột Syria.

Nga muốn Assad giành chiến thắng và trận chiến Idlib có thể giúp Assad tiếp tục nắm giữ đỉnh cao quyền lực. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ lại muốn ngăn không cho hàng trăm nghìn người Syria tràn qua biên giới. Cho dù xung đột có được giải quyết hay không thì viễn cảnh vẫn không có nhiều sáng lạn.

[Reuters: Không quân Nga và Syria oanh tạc dữ dội chiến trường Idlib]

Điểm nóng thứ hai có nguy cơ bùng nổ xung đột là Iraq, hay nói chính xác hơn là tầm ảnh hưởng gia tăng của Iran và mở rộng sang Iraq.

Hôm 31/8, hãng tin Reuters đưa tin Iran đang cung cấp tên lửa đạn đạo cho lực lượng bán dân quân dòng Shiite đồng minh của Iran ở Iraq. Các tên lửa này có tầm bắn vươn tới Israel, Saudi Arabia và các lực lượng của Mỹ đồn trú ở khu vực. Động cơ ở đây là nhằm ngăn chặn các nước này tấn công Tehran. Điều này không giúp che đậy tình huống ít nguy hiểm hơn của vấn đề.

Thực tế lịch sử chứng minh những hậu quả đẫm máu khi các nước sử dụng chiêu bài cung cấp vũ khí tấn công vì mục đích phòng vệ, rồi sau đó bị đánh bại hoặc sa lầy trong một cuộc chiến vì một số nước đối địch lại suy luận tình huống theo chiều hướng khác.

Tuy nhiên, có một số tình tiết lạ lùng trong câu chuyện này. Cho đến trưa ngày 4/9, Reuters vẫn là hãng tin duy nhất đưa tin về sự hiện diện của tên lửa. Chính quyền Iraq bác thông tin này, cho rằng “không có bằng chứng” song không bác bỏ ngay lập tức. Iran im lặng, song dù câu chuyện này đúng hay sai thì họ có thể muốn thế giới tin vào câu chuyện này để tạo cho Tehran một công cụ ngăn chặn nếu bị tấn công.

Điều này dẫn đến nguy cơ xung đột thứ ba trong khu vực. Người ta dễ dàng tự hỏi liệu câu chuyện này là bịa đặt và nếu đúng như vậy thì có thể suy đoán rằng Israel đã thêu dệt câu chuyện nhằm tạo cái cớ để tấn công các căn cứ quân sự của Iran ở Iraq.

Một vài hãng thông tấn gần đây đã đưa tin rằng Israel đang chuẩn bị thực hiện những cuộc tấn công như vậy. Israel lâu nay lo ngại về sự nổi lên của một “Vùng lưỡi liềm Shiite,” vốn chạy từ Iran qua Iraq đến Syria và có thể xa hơn nữa. Sự hiện diện của các tên lửa đạn đạo ở Iraq với tầm bắn trúng Israel và Saudi Arabia, có thể làm thổi bùng mối lo lắng này. Khi đó, câu chuyện về sự hiện diện tên lửa của Iran ở Iraq đúng hay sai không còn quan trọng nữa.

Nếu đúng thì điều này có thể gây ra một cuộc tấn công phủ đầu từ Israel. Nếu sai thì điều này có thể giúp hợp pháp hóa một cuộc tấn công phòng ngừa từ Israel khi giả định rằng có sự hiện diện của các hệ thống tên lửa như vậy.

Câu hỏi là liệu Israel sẽ đẩy tình huống đi xa mà không có sự cho phép của Mỹ hay không khi xét đến việc binh sỹ Mỹ hiện diện ở Iraq.

Theo mạng lưới phát thanh KAN của Israel, giới chức Mỹ đã “bật đèn đỏ” đối với Tel Aviv, yêu cầu giới chức quốc phòng Israel rằng “hãy để Iraq cho Mỹ."

Với những phân tích trên, cách thức ông Trump xử lý hàng loạt các cuộc xung đột mới nổi trong khu vực là một vấn đề hoàn toàn khác. Chính quyền Trump không hề có một chính sách nào ngoài những tuyên bố tầm phào và mơ hồ.

Trong khi đó, vấn đề Trung Đông lại không hề đơn giản. Việc đạt được nền hòa bình ở khu vực này gần như là điều không thể. Còn ông Trump thì cho rằng điều này lại quá dễ dàng và giao hồ sơ Trung Đông cho con rể Jared Kusher./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục