Xung quanh câu chuyện dự trữ ngoại hối của Trung Quốc sụt giảm

Trong tháng ​Một vừa qua, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đã giảm xuống dưới 3.000 tỷ USD, mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Xung quanh câu chuyện dự trữ ngoại hối của Trung Quốc sụt giảm ảnh 1Đồng nhân dân tệ và đồng USD. (Nguồn: Bloomberg)

Trong tháng ​Một vừa qua, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đã giảm xuống dưới 3.000 tỷ USD, mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và cũng thấp hơn cả nghìn USD so với mức cao kỷ lục ghi nhận vào giữa năm 2014.

Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc bao gồm tiền mặt, trái phiếu và các tài sản tài chính bằng ngoại tệ mà Ngân hàng trung ương nước này (PBoC) nắm giữ.

Mặc dù Chính phủ Trung Quốc không công bố chính xác nước này đang nắm giữ những ngoại tệ nào với tỷ lệ bao nhiêu, song giới chuyên gia cho rằng khoảng 2/3 dự trữ ngoại hối của Trung Quốc là bằng đồng USD, đặc biệt là trái phiếu Chính phủ Mỹ.

Lượng dự trữ ngoại hối của Trung Quốc gia tăng nhanh chóng qua mỗi năm do nước này đạt thặng dư thương mại khổng lồ với phần còn lại của thế giới, và đây được xem là biểu tượng cho sức mạnh quốc gia đang lên của Bắc Kinh.

Nắm trong tay một lượng lớn trái phiếu Chính phủ Mỹ, Trung Quốc đang khiến giới chính trị gia Mỹ lo ngại rằng Bắc Kinh sẽ lợi dụng điều này để gây ảnh hưởng đối với Washington.

Đồng USD đã khởi sắc kể từ khi ông Donald Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi tháng 11/2016, do giới đầu tư đặt cược vào khả năng rằng ông Trump sẽ thực hiện các cam kết tăng mạnh chi tiêu và cắt giảm thuế.

Các chính sách này sẽ khiến lạm phát tăng lên và buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất, qua đó thu hút đầu tư vào Mỹ.

Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế chậm lại đã gây ra tình trạng vốn tháo chạy khỏi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, khiến đồng ​nhân dân tệ mất giá hơn nữa và hiện đang ở các mức thấp nhất trong gần tám năm qua.

Để ngăn chặn tình trạng "chảy máu" vốn và bình ổn đồng ​nhân dân tệ, ngân hàng trung ương nước này đã dùng dự trữ ngoại hối để mua đồng nội tệ.

Theo số liệu của PBoC, dự trữ ngoại hối của nước này chỉ riêng trong tháng 1/2017 đã giảm 12,3 tỷ USD xuống còn 2.998 tỷ USD .

Nhiều nhà quan sát cho rằng con số 3.000 tỷ USD là một ngưỡng quan trọng đối với tâm lý của giới đầu tư, chính vì vậy, tình trạng tháo vốn và áp lực giảm giá của đồng ​nhân dân tệ được dự đoán sẽ gia tăng khi Trung Quốc hiện đã phá vỡ con số này.

Tuy nhiên, Bắc Kinh đang nỗ lực cải thiện tình hình bằng các quy định nhằm hạn chế việc mua ngoại tệ và hoạt động mua bán-sáp nhập ở nước ngoài của giới doanh nghiệp nước này.

Giới chuyên gia cho rằng Trung Quốc sẽ phải đối mặt với một số nguy cơ đến từ các chính sách của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Nếu ông Trump giữ lập trường bảo hộ thương mại và thực hiện những cam kết thúc đẩy nền kinh tế Mỹ, “đồng bạc xanh” sẽ còn khởi sắc hơn nữa, qua đó thu hút các dòng vốn từ Trung Quốc và gây áp lực giảm giá lên đồng ​nhân dân tệ.

PBoC đang rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan khi giữ cho đồng nội tệ ổn định có thể sẽ khiến Bắc Kinh phải trả giá đắt nhưng phương án ngược lại, thả đồng ​nhân dân tệ rớt giá, có thể sẽ khiến các thị trường khủng hoảng và châm ngòi cho bất ổn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục