Xung quanh vấn đề trợ cấp doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc

“Made in China 2025” của Trung Quốc được đưa ra để biến nước này thành “cường quốc sản xuất hàng đầu” trong 10 lĩnh vực công nghiệp quan trọng. Đây là sự hỗ trợ của nhà nước với quy mô chưa từng có.
Xung quanh vấn đề trợ cấp doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc ảnh 1(Nguồn: PBS)

Theo tờ Financial Times (Anh), phương Tây phải tập trung vào mức độ và quy mô hỗ trợ công nghiệp của Trung Quốc.

Những hy vọng rằng đàm phán thương mại Mỹ-Trung được nối lại sẽ giúp cuốn đi bóng mây bất ổn trên nền kinh tế toàn cầu đã bỏ qua một điều gì đó rất cơ bản.

Tất nhiên, việc khôi phục các chuỗi giá trị toàn cầu, tái cân bằng thương mại Mỹ-Trung và tăng cường bảo vệ sở hữu trí tuệ là các mục tiêu mong muốn.

Tuy nhiên có một vấn đề quan trọng hơn đang bị đe dọa: những lỗ hổng trong quy tắc thương mại toàn cầu về trợ cấp và việc thiếu thỏa thuận kiềm chế đối với các doanh nghiệp nhà nước.

Chương trình “Made in China 2025” của Trung Quốc được đưa ra để biến quốc gia này thành “một cường quốc sản xuất hàng đầu” trong 10 lĩnh vực công nghiệp quan trọng vào năm 2049. Đây là sự hỗ trợ của nhà nước với quy mô chưa từng có.

Các công ty và chính phủ phương Tây không được tiếp cận những nội dung cơ bản của chương trình “Made in China 2025” vì các thông tin đó nằm trong các bản ngân sách chính phủ không được công bố và được bảo vệ như “bí mật nhà nước.”

[Trung Quốc đứng thứ 3 trong số các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam]

Mặc dù các quy tắc thương mại toàn cầu hiện hành về trợ cấp cho phép phản đối các chương trình như vậy, nhưng sự phản đối này sẽ thất bại nếu không có bằng chứng.

Tương tự, có quá ít thông tin về khoảng 100.000 doanh nghiệp nhà nước, những công ty đang tạo ra 1/3 GDP và cung cấp 1/5 tổng số việc làm của Trung Quốc.

Các doanh nghiệp này nhận bao nhiêu tiền từ chính phủ? Mức độ sở hữu của chính phủ là bao nhiêu? Những vị trí nào do quan chức chính phủ nắm giữ?

Ngoài sự hỗ trợ trong nước, các chính sách thương mại của Trung Quốc đã che chở các doanh nghiệp nhà nước trước sự cạnh tranh của nước ngoài.

Ví dụ, các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc phải sử dụng pin sản xuất ở trong nước thay vì nhập khẩu từ Nhật Bản hoặc Hàn Quốc. Trong khi đó, các thương hiệu nước ngoài chỉ chiếm thị phần nhỏ trên thị trường xe điện Trung Quốc, khoảng 5%.

Do các doanh nghiệp nhà nước là thành phần tương đối mới tham gia vào nền kinh tế toàn cầu, nên có rất ít quy tắc thương mại để kiềm chế các doanh nghiệp này. Tuy nhiên, các nền kinh tế phát triển lớn vẫn có công cụ và đang tìm cách sử dụng công cụ này.

Ví dụ, các bộ trưởng thương mại của Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản chia sẻ mối quan ngại sâu sắc về mô hình chủ nghĩa tư bản nhà nước của Trung Quốc.

Từ tháng 12/2017, các bộ trưởng và quan chức phụ trách đã gặp nhau sáu lần để thảo luận về một nỗ lực chung nhằm củng cố các quy tắc về trợ cấp và thiết lập quy tắc mới trong quản lý doanh nghiệp nhà nước.

Tuy nhiên, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump nhấn mạnh tiến trình đàm phán thỏa thuận riêng với Trung Quốc có nghĩa là những nỗ lực chung trên cho đến nay chưa thu hút được nhiều sự ủng hộ chính trị của Washington.

Nhóm “ba bên” này đang thảo luận về các biện pháp động viên để khuyến khích Trung Quốc và các thành viên khác của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) tuân thủ quy tắc hiện hành yêu cầu tất cả các quốc gia phải công bố chi tiết đầy đủ về việc trợ cấp. Nhóm này cũng đang xem xét các hình phạt có thể áp dụng cho việc không công bố.

Một phán quyết gần đây của WTO đã củng cố nỗ lực của các bộ trưởng thương mại nhằm xếp các công ty nhà nước là một “cơ quan công” nếu chính phủ nắm quyền sở hữu đa số, một quan điểm mà Trung Quốc phản đối. Các quy định của WTO định nghĩa “trợ cấp” là một khoản đóng góp tài chính được thực hiện bởi một "cơ quan công."

Một vấn đề khác là việc Trung Quốc cưỡng bức chuyển giao công nghệ. Nhóm các bộ trưởng thương mại đang xem xét một loạt biện pháp, bao gồm cả việc bãi bỏ các điều luật của Trung Quốc ép buộc các công ty nước ngoài phải tham gia liên doanh.

WTO hoạt động trên cơ sở đồng thuận, có nghĩa là một thành viên có thể ngăn chặn những cải cách. Vì vậy, sẽ phải thuyết phục Trung Quốc rằng họ nên ủng hộ các biện pháp đang được đề xuất.

Trong quá khứ, WTO đã làm như thế khi nhiều quốc gia ủng hộ các biện pháp mới. Do đó, sẽ là một dấu hiệu tốt khi nhóm ba bên đang được mở rộng ra, bao gồm cả Australia, New Zealand, Canada và Mexico.

Bài viết kết luận, các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung có ít khả năng giải quyết được vấn đề trợ cấp và doanh nghiệp nhà nước. Vì vậy, các cuộc thảo luận của nhóm ba bên là hy vọng tốt nhất nhằm chế ngự chủ nghĩa tư bản nhà nước của Trung Quốc. Chính quyền Trump nên ủng hộ những cuộc thảo luận này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục