Xung quanh vấn đề xuất khẩu vũ khí của Thụy Sĩ

Tại sao những vũ khí từ Thụy Sĩ trung lập - quốc gia thích nhấn mạnh truyền thống nhân đạo và tôn trọng nhân quyền, lại được tìm thấy ở đất nước bị chiến tranh tàn phá như Yemen?
Xung quanh vấn đề xuất khẩu vũ khí của Thụy Sĩ ảnh 1Xe tăng của Thụy Sĩ trong quá trình sản xuất. (Nguồn: swissinfo.ch)

Báo cáo gần đây cho thấy vũ khí Thụy Sĩ đã được tìm thấy ở đất nước Yemen bị chiến tranh tàn phá và đã được Saudi Arabia sử dụng trong cuộc xung đột Yemen.

Tại sao những vũ khí từ Thụy Sĩ trung lập - quốc gia thích nhấn mạnh truyền thống nhân đạo và tôn trọng nhân quyền, lại được tìm thấy ở những nơi như vậy?

Các công ty Thụy Sĩ năm 2019 đã xuất khẩu các vật dụng chiến tranh được Chính phủ phê duyệt trị giá 510 triệu CHF (510 triệu USD) sang 64 quốc gia. Con số này chỉ chiếm 0,17% tổng kim ngạch xuất khẩu, nhưng ngành công nghiệp vũ khí có truyền thống quan trọng đối với Thụy Sĩ - quốc gia không phải là thành viên của Liên minh châu Âu (EU) hoặc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và vẫn duy trì nghĩa vụ quân sự bắt buộc.

Thụy Sĩ xếp hạng thứ 13 trên thế giới về xuất khẩu vũ khí thông thường chính yếu trong năm 2018, theo Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI).

Quy tắc về xuất khẩu vũ khí ở Thụy Sĩ

Xuất khẩu vũ khí của Thụy Sĩ được quy định bởi Điều luật Vật liệu Chiến tranh (WMA) và Pháp lệnh Vật liệu Chiến tranh (WMO). Mục đích chính của đạo luật này bao gồm việc thực hiện các nghĩa vụ quốc tế của Thụy Sĩ và sự tôn trọng các nguyên tắc chính sách đối ngoại của mình. Điều này phản ánh một hành động cân bằng tinh tế nhưng gây tranh cãi.

WMO yêu cầu các công ty phải có giấy phép từ Ban Thư ký nhà nước phụ trách các vấn đề kinh tế (SECO) để xuất khẩu vũ khí và thiết bị có thể được sử dụng trong các xung đột. Đơn xin cấp phép được xem xét bởi các bộ khác, đặc biệt là bộ ngoại giao, tùy thuộc vào từng trường hợp.

Bộ Ngoại giao đưa ra đánh giá của mình để đảm bảo rằng Thụy Sĩ hoàn thành các nghĩa vụ quốc tế, áp dụng những nguyên tắc chính sách đối ngoại và tuân thủ luật pháp quốc tế. Nếu có sự bất đồng giữa các bộ, SECO sẽ đệ trình vụ việc lên Chính phủ Thụy Sĩ nơi có tiếng nói cuối cùng.

Điều 5 của WMO quy định rằng không nên cấp giấy phép xuất khẩu nếu: quốc gia đích đến có liên quan đến xung đột vũ trang nội bộ hoặc quốc tế; nếu điều đó vi phạm nhân quyền theo "cách có hệ thống và nghiêm trọng"; nếu có nguy cơ vũ khí xuất khẩu sẽ được sử dụng để chống lại dân thường; hoặc nếu có "nguy cơ cao khi các vũ khí xuất khẩu sẽ được chuyển cho người nhận cuối cùng không mong muốn."

Sự thiếu rõ ràng

Tuy nhiên, Quốc hội đã làm dịu các quy tắc vào cuối năm 2014, đáng chú ý là đưa ra một ngoại lệ cho điểm thứ hai đối với những vấn đề vi phạm nhân quyền, theo đó giấy phép có thể được cấp nếu rủi ro thấp đối với vật liệu vũ khí chiến tranh được xuất khẩu sẽ được sử dụng để vi phạm nghiêm trọng quyền con người." Giải thích Điều 5 cũng vẫn là một chủ đề gây tranh luận.

SECO có quyền tiến hành kiểm tra tại chỗ tại các nhà sản xuất vật liệu chiến tranh Thụy Sĩ và kiểm tra người mua ở nước ngoài (xác minh sau khi giao hàng). Tuy nhiên, theo báo cáo của Văn phòng Kiểm toán Liên bang (FAO), kể từ năm 2016, các quy định về xuất khẩu vũ khí rất dễ khai thác lợi dụng và chính quyền Thụy Sĩ chấp thuận gần như tất cả các yêu cầu xuất khẩu đối với vật liệu chiến tranh.

Trong báo cáo của mình - một phiên bản chưa được công bố đã bị rò rỉ với báo chí, FAO đã đưa ra các ví dụ về cái gọi là cơ hội xuất khẩu thay thế, ví dụ như xe tăng đã kết thúc ở Qatar thông qua Canada và các bộ phận súng lục đã đến Saudi Arabia đi qua Mỹ. Các công ty cũng có thể vượt qua sự giám sát chặt chẽ hơn bằng cách lập luận rằng vũ khí được chỉ định cho sử dụng dân sự.

Theo SECO, ba nước nhập khẩu vũ khí hàng đầu của Thụy Sĩ năm 2018 là Đức, Đan Mạch và Mỹ. Xuất khẩu vũ khí được ủy quyền cũng đã đến các quốc gia như Pakistan, Israel và các nước Trung Đông có liên quan đến cuộc chiến Yemen, bao gồm Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất.

Quả thực có mối lo ngại rằng xuất khẩu vũ khí của Thụy Sĩ sang các nước liên quan đến xung đột nội bộ hoặc bên ngoài đang gia tăng. Cũng có những báo cáo rằng vũ khí Thụy Sĩ đã tìm được đường đến các quốc gia như Syria, Libya và Yemen, mặc dù điều này bị cấm.

Saudi Arabia - đối tác quan trọng của Thụy Sĩ ở Trung Đông là một trường hợp đặc biệt gây tranh cãi. Khi phát động một liên minh gồm 9 quốc gia để can thiệp vào cuộc chiến Yemen năm 2015, Thụy Sĩ đã ngừng xuất khẩu vũ khí sang Riyadh, nhưng lệnh cấm đã được dỡ bỏ vào năm 2016, mặc dù Saudi Arabia vẫn tham gia vào cuộc chiến Yemen.

Chính quyền Thụy Sĩ tạo ra một ngoại lệ đối với các bộ phận dụng cụ thay thế cho các hệ thống phòng không, mà Saudi Arabia đã mua từ Thụy Sĩ từ những năm 1980 trở đi. Một lệnh cấm tạm thời đã được áp dụng vào năm ngoái sau vụ sát hại nhà báo Arab Jamal Kashoggi, nhưng lệnh cấm đã được dỡ bỏ một lần nữa vào tháng Bảy.

Một báo cáo gần đây được tờ báo Tages-Anzeiger đưa tin Saudi Arabia đã sử dụng súng phòng không từ Thụy Sĩ để thử và bảo vệ mỏ dầu Abqaiq quan trọng của họ khỏi cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của phiến quân Yemen Houthi vào tháng 9/2019.

Báo cáo trích dẫn các nguồn tin đáng tin cậy, bao gồm cả hình ảnh vệ tinh. Một số ý kiến cho rằng đây là phòng thủ chính đáng, vì vũ khí được sử dụng trên lãnh thổ Saudi chứ không phải ở Yemen.

Áp lực từ cộng đồng

Xuất khẩu vũ khí của Thụy Sĩ đã giảm trong những năm gần đây từ mức cao nhất là 873,7 triệu CHF trong năm 2011, theo SECO. Các công ty nói rằng các quy tắc chặt chẽ đã đặt họ vào thế bất lợi so với các nước châu Âu khác, và họ đã vận động hành lang cho các quy định nhẹ nhàng hơn.

Tuy nhiên, một quyết định của chính phủ vào năm 2018 nhằm giảm bớt các hạn chế đối với việc bán vũ khí cho các quốc gia trong cuộc xung đột đã gây ra sự phản đối từ cánh trung tả và xã hội dân sự, và cuối cùng đã buộc chính phủ phải tạm ngừng kế hoạch.

Các nhà vận động cũng đã thu thập đủ chữ ký để yêu cầu một cuộc bỏ phiếu phổ biến về một sáng kiến sẽ thắt chặt các quy tắc. Họ muốn vấn đề xuất khẩu vũ khí của Thụy Sĩ cần được điều chỉnh hợp pháp và được quy định trong luật. Với hệ thống của Thụy Sĩ cho phép tham vấn và phản hồi đề xuất, một cuộc bỏ phiếu dự kiến diễn ra trước năm 2021./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục