Sử dụng linh vật ngoại lai: Không hiểu nên dùng bừa

Xung quanh việc dùng linh vật ngoại lai: Không hiểu nên dùng bừa

Theo giáo sư Ngô Đức Thịnh, nhu cầu có linh vật để thờ tự hoặc để trang trí ngày càng cao, vì vậy nên khuyến nghị người dân không sử dụng linh vật không phù hợp với thuần phong, mỹ tục.

Bức xúc trước tình trạng sư tử đá nhe nanh, khoe vuốt tại di tích, trước cổng các cơ quan, khách sạn…, giáo sư Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa Việt Nam, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tính ngưỡng Việt Nam, đã chua xót thốt lên: "Tôi rất buồn trước thực trạng không hiểu nên cứ dùng bừa của người dân hiện nay."

Dùng linh vật, người Việt xưa trọng ý nghĩa

Nói về việc sử dụng linh vật trong văn hóa, tín ngưỡng của người Việt xưa, giáo sư Ngô Đức Thịnh cho rằng trong văn hóa người Việt xưa, long, ly, quy, phượng được sử dụng phổ biến ở các di tích tín ngưỡng; ngoài ra còn có con nghê, con sấu, chó đá... Người xưa coi linh vật là vật chứa đựng ý nghĩa thiêng liêng và cả tâm linh; nửa thực, nửa huyền ảo.

Khi dùng linh vật, người Việt xưa rất trọng ý nghĩa. Bởi vậy rất dễ dàng nhận thấy sự hiện diện của các con vật long-ly-quy-phượng ở những di tích, đền chùa lớn, nơi thờ vua chúa, quan lại.

Cũng được dùng ở các đình, đền, chùa song con nghê, con sấu chủ yếu được dùng như linh vật trang trí, được chạm trên cốn (xà ngang từ cột ra để đỡ xà dọc ở mái nhà), đặt trên đầu đao (sống mái chạy từ đỉnh nóc nhà xuống, cong lên như hình cây đại đao). Quan niệm con chó là biểu tượng của điềm lành, giúp bảo vệ gia chủ tránh kẻ gian, tránh tà ma, người Việt xưa thường dùng con chó đá như con vật canh cửa.

Xung quanh việc dùng linh vật ngoại lai: Không hiểu nên dùng bừa ảnh 1Linh vật rồng mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (Nguồn: TTXVN)
Giáo sư Ngô Đức Thịnh chia sẻ suy nghĩ về việc hiện nay nhiều người chuộng linh vật ngoại lai rằng, ở Trung Quốc, người ta thường dùng sư tử canh giữ phần mộ với dáng vẻ hung dữ, gân guốc.Việt Nam cũng có sư tử nhưng con vật này không xuất hiện nhiều trong các công trình văn hóa, tín ngưỡng. Có lẽ do sư tử quen thuộc với vùng thảo nguyên phương Bắc hơn, còn vùng đất phương Nam quen thuộc với con hổ nên người Việt Nam xưa dùng con hổ hay ngũ hổ như biểu tượng canh giữ phần mộ, không gian linh thiêng, chống lại những thế lực hắc ám. "Khi mang từ nước ngoài về, người ta không hiểu ý nghĩa này nên đã bê nguyên con vật chuyên canh giữ âm phần với dáng vẻ hằm hè, đe đọa đó đặt nơi 'bắt mắt' nhất trong các công trình công cộng, di tích, nhà hàng, khách sạn… Tôi rất buồn trước thực trạng không hiểu mà cứ dùng bừa của người dân hiện nay," giáo sư Ngô Đức Thịnh bày tỏ. Trước việc sinh vật ngoại lai, cụ thể là con sư tử thời gian gần đây được du nhập ồ ạt vào Việt Nam, được đặt ở nhiều nơi thừa tự, cổng cơ quan, công sở không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của người Việt, giáo sư Ngô Đức Thịnh cho biết những thứ gây ảnh hướng xấu đến văn hóa của người Việt nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ thành phổ biến, trở thành thói quen không tốt trong văn hóa. Văn hóa không có ranh giới nhưng mỗi dân tộc cũng phải giữ cho mình những nét riêng, khẳng định mình khác các dân tộc khác. Lịch sử đã chúng minh, Việt Nam thoát khỏi 1000 năm Bắc thuộc mà vẫn giữ được nước là do vẫn giữ lại được văn hóa của người Việt. Văn hóa là cái phân biệt ta với họ. Khi không còn tự chủ về văn hóa nghĩa là không còn là đất nước độc lập. Chọn con vật thay thế phải phù hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản yêu cầu các bộ, ban, ngành các sở văn hóa, thể thao và du lịch, các cơ quan, đơn vị không sử dụng biểu tượng, linh vật không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của người Việt; Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cũng có danh mục các con vật thuần Việt để người dân lựa chọn sử dụng. Đồng tình với cách làm cũng như sự vào cuộc này của ngành chức năng, giáo sư Ngô Đức Thịnh nhấn mạnh nhu cầu có linh vật để thờ tự hoặc để trang trí trong nhà là có thật và ngày càng cao. Chúng ta nên khuyến nghị, vận động người dân không sử dụng linh vật không phù hợp với thuần phong, mỹ tục người Việt. Hãy để cho người dân tự cảm nhận và tự đưa ra cách lựa chọn, sử dụng phù hợp...
Xung quanh việc dùng linh vật ngoại lai: Không hiểu nên dùng bừa ảnh 2Mẫu linh vật thuần Việt (Ảnh: Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm)

Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tính ngưỡng Việt Nam chia sẻ: "Làm văn hóa chuyên nghiệp là khi anh khuyên người ta không dùng cái này anh phải giới thiệu cho người ta cái khác, phổ biến ý nghĩ, hướng dẫn cho người dân cách dùng phù hợp."

Với câu hỏi chọn con vật nào trong số các con linh vật được giới thiệu như nghê, sấu, chó đá… để thay thế con vật ngoại lai, giáo sư Ngô Đức Thịnh cho rằng nên chọn những linh vật phù hợp. Ví dụ, đối với gia đình bình thường không nên để con rồng hay con nghê (đây là những linh vật chủ yếu dùng cho các đền, chùa hoặc gắn với vương quyền). Nếu như dùng để canh cửa nên chọn con chó đá bởi chó là con vật thân thuộc với đời sống người dân Việt. Ông cha thường dùng chó để giữ nhà, phòng kẻ gian, thú giữ; tiếng sủa của nó cũng chống lại các tà ma, ác quỷ. Chó đá nên đặt trước cổng nhà hay ở ngoài đầu hồi, ngoài cửa nhà. Ở các chùa nên dùng long, ly, quy, phượng…

Tuy nhiên, để bảo tồn văn hóa, tín ngưỡng của người Việt, giáo sư Ngô Đức Thịnh mong muốn bên cạnh việc lựa chọn linh vật cho phù hợp, cần quan tâm đến công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của người dân về việc sử dụng linh vật đúng tín ngưỡng, văn hóa của người Việt. Bên cạnh đó, khi tuyên truyền cần tránh sa vào lối bài ngoại bởi không phải cái gì từ bên ngoài du nhập vào đều là xấu, có những nét văn hóa khi vào Việt Nam đã được tiếp nhận, phát triển bởi nó phù hợp và làm phong phú thêm đời sống tinh thần của đông đảo người dân Việt như lễ hội tình yêu Valentine, ngày Giáng sinh…/.


(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục