Y án 8 năm tù nguyên Giám đốc Trần Ngọc Sương

Hội đồng xét xử đã tuyên y án sơ thẩm với mức án 8 năm tù với bị cáo Trần Ngọc Sương, nguyên Giám đốc Nông trường sông Hậu.
Sau hai lần tạm hoãn, ngày 19/11, Tòa án Nhân dân thành phố Cần Thơ đã đưa ra xử phúc thẩm vụ án “Lập quỹ trái phép” xảy ra tại Nông trường Sông Hậu theo đơn kháng cáo của nguyên Giám đốc Nông trường sông Hậu Trần Ngọc Sương cùng với 3 bị cáo khác.

Thẩm phán Nguyễn Văn Trinh Chủ tọa phiên tòa, Kiểm sát viên Nguyễn Thị Hoàng Mai đại diện cho Viện Kiểm sát nhân dân. Có 5 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo trong đó có 3 luật sư Nguyễn Đăng Trừng, Nguyễn Trường Thành và Bùi Quang Nhơn tham gia bào chữa cho bị cáo Trần Ngọc Sương.

Sau khi nghị án, Hội đồng xét xử đã bác toàn bộ kháng cáo và tuyên y án sơ thẩm với mức án 8 năm tù đối với bị cáo Trần Ngọc Sương (60 tuổi, nguyên Giám đốc Nông trường sông Hậu) và y án 4 năm tù đối với bị cáo Đặng Thế Quốc Hưng (44 tuổi, nguyên Kế toán trưởng), cùng về tội “Lập quỹ trái phép”.

Riêng đối với 2 bị cáo Trương Hồng Nhung (55 tuổi, nguyên Phó Giám đốc) và Nguyễn Văn Sơn (48 tuổi, nguyên Thủ quỹ), Hội đồng xét xử cũng đã chấp nhận một phần kháng cáo, sửa án sơ thẩm và giảm một phần hình phạt từ mức án 6 năm tù xuống còn 5 năm tù đối với bị cáo Trương Hồng Nhung và giảm án cho bị cáo Nguyễn Văn Sơn từ mức án 3 năm tù xuống còn 2 năm tù, cùng về tội danh “Lập quỹ trái phép’’.

Ngoài ra, Hội đồng xét xử cũng buộc các bị cáo Trần Ngọc Sương nộp trả lại cho Nông trường sông Hậu với số tiền hơn 4,3 tỷ đồng và Trương Hồng Nhung nộp lại số tiền 38 triệu đồng. Sau khi tòa tuyên y án, bị cáo Trần Ngọc sương cho biết sẽ tiếp tục khiếu nại lên Tòa án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao theo trình tự giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm (tuyên y án sơ thẩm) của tòa án nhân dân thành phố Cần Thơ.

Theo đơn kháng cáo của bị cáo Trần Ngọc Sương, việc bị cáo bị tuyên phạt mức án 8 năm tù giam về tội ''Lập quỹ trái phép'' là thiếu công bằng và không đúng pháp luật; đồng thời phiên tòa sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng Bộ Luật tố tụng Hình sự. Việc buộc bị cáo bồi thường hơn 4,3 tỷ đồng là suy diễn không có cơ sở pháp luật, không đảm bảo quyền lợi hợp pháp của bị cáo.

Bên cạnh đó bà Sương còn đề nghị hủy bản án sơ thẩm, đình chỉ xét xử tội lập quỹ trái phép và chỉ xử lý hành chính những người có liên quan tùy theo mức độ vi phạm. Các bị cáo còn lại gồm Trương Hồng Nhung, Nguyễn Văn Sơn kháng cáo xin tòa phúc thẩm xem xét lại hành vi phạm tội và giảm nhẹ cho các bị cáo một phần hình phạt.

Tại phiên tòa, các luật sư tham gia bào chữa cho bị cáo Trần Ngọc Sương đề nghị Hội đồng xét xử nên xem xét vụ án trên một quan điểm lịch sử để xem bản thân bị cáo có phạm tội ''Lập quỹ trái phép'' hay không? Các luật sư cũng nhấn mạnh, vụ án đã vi phạm tố tụng nghiêm trọng từ giai đoạn điều tra, truy tố và cho đến khi vụ án được đưa ra xét xử.

Bên cạnh đó, việc trưng cầu giám định trong vụ án này không thực sự vô tư khách quan và yêu cầu triệu tập hội đồng giám định của luật sư và bị cáo để đối chất tại phiên tòa sơ thẩm đã không được chấp nhận. Đặc biệt, các luật sư bào chữa cho bị cáo Sương còn đề nghị Hội đồng xét xử cho biết căn cứ nguồn luật nào hay văn bản nào cho rằng người duy trì nguồn quỹ đã có từ trước lại phạm tội “Lập quỹ trái phép”.

Nếu không chứng minh được thì đề nghị Hội đồng xét xử tuyên hủy bản án sơ thẩm và tuyên bị cáo Trần Ngọc Sương không phạm tội “Lập quỹ trái phép”. Tất cả văn bản chỉ đạo đều yêu cầu điều tra tội "Làm trái nguyên tắc" chứ không yêu cầu làm rõ tội "Lập quỹ trái phép"...

Tranh luận với các luật sư, đại điện Viện kiểm soát giữ quyền công tố tại phiên tòa đã bác toàn bộ bài bào chữa của các luật sư và cho rằng bị cáo Trần Ngọc Sương phạm tội "Lập quỹ trái phép" tài liệu và chứng cứ đã được phía cơ quan điều tra làm rõ.

Bên cạnh đó đại diện Viện kiểm sát còn cho rằng, bởi vì Nông trường sông Hậu là 100% vốn Nhà nước, vì vậy phải chấp hành theo quy định quản lý của Nhà nước; những cá nhân, tập thể nào vi phạm thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Hội đồng xét xử cũng cho rằng, với cương vị khi đó là Giám đốc Nông trường sông Hậu, bị cáo Trần Ngọc Sương biết rõ tất cả các nguồn thu của Nông trường sông Hậu là của Nhà nước, các bị cáo không trực tiếp quản lý mà tự ý duyệt chi là vi phạm pháp luật. Vì vậy, truy tố các bị cáo với tội danh "Lập quỹ trái phép" là đúng người đúng tội.

Theo bản án sơ thẩm, từ đầu năm 2001 đến cuối năm 2007, trong quá trình giữ chức vụ Giám đốc Nông trường sông Hậu, bị cáo Trần Ngọc Sương chỉ đạo cấp dưới là bị cáo Trương Hồng Nhung thành lập nguồn quỹ riêng bằng cách để ngoài sổ sách kế toán một số chỉ đạo điều hành và quyết định thu chi.

Cụ thể, từ năm 2003 đến năm 2007, bà Sương đã chỉ đạo cấp dưới bán 4 lô đất của Nông trường sông Hậu, sau đó nhập toàn bộ vào nguồn quỹ trái phép. Tiếp đó, bị cáo Sương còn thông đồng với các bị cáo như Nhung, Hưng, Sơn, Bình mang các khoản thu tiền từ các nguồn như bán bạch đàn tại nông trường, cho thuê đất, thu quản lý công trình điện nông thôn... với số tiền hơn 8,4 tỷ đồng.

Toàn bộ khoản tiền này không được đưa vào sổ sách kế toán mà bà Trần Ngọc Sương cùng các cộng sự tự ý nhập vào nguồn quỹ riêng để chi vào các khoảng mua nhà, quà biếu dịp sinh nhật, lễ tết, tiếp khách, đám tiệc, trả tiền vay và tiền lãi, đi công tác nước ngoài...

Theo kết luận giám định tài chính, hành vi lập quỹ trái phép, chi tiêu tùy tiện xảy ra tại Nông trường sông Hậu đã gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước với số tiền trên 4,5 tỷ đồng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục