Ý đồ của Trung Quốc khi hướng Con đường Tơ lụa đi qua Tehran

Các chuyên gia vẫn ngờ vực về khoản tiền 280 tỷ USD mà Trung Quốc cam kết đầu tư vào ngành năng lượng Iran và 120 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng sản xuất và giao thông.
Ý đồ của Trung Quốc khi hướng Con đường Tơ lụa đi qua Tehran ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Uwidata)

Theo Arabnews.com, như chuyên gia hải quân Nga Anatoly Ivanov đã chỉ ra: “Từ bờ biển của Syria, có cơ hội để kiểm soát không chỉ phần phía Đông, mà cả toàn bộ vùng biển Địa Trung Hải."

Từ thời xa xưa, bất cứ đế chế nào thống trị Địa Trung Hải - người Phoenicia, người Hy Lạp, người La Mã, nền văn minh Arab cổ, thực dân châu Âu - đều có quyền lực tối thượng và vô cùng giàu có.

Tranh giành ảnh hưởng ở Syria giữa các quốc gia mới trong “trục ma quỷ” - gồm Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc - là một phần của cuộc đấu tranh rộng lớn hơn giành bá quyền thông qua “Con đường tơ lụa” Trung Á đến lưu vực Địa Trung Hải.

Bouthaina Shaaban, cố vấn cấp cao của Tổng thống Syria Basha al-Assad, nhấn mạnh rằng “Con đường Tơ lụa không phải là con đường tơ lụa nếu nó không đi qua Syria, Iraq và Iran." Đây là tuyên bố rõ ràng về việc chế độ Assad luôn trong tình trạng bị các cường quốc chà đạp hòng tìm cách thống trị hành lang này.

Trong khi Nga có sự khởi đầu thuận lợi với việc mở rộng các căn cứ hải quân tại Latakia, thì Trung Quốc cũng đang tìm cách tiếp cận các cảng biển Tartus và Latakia thông qua các khoản đầu tư hàng tỷ USD vào cơ sở hạ tầng, viễn thông và năng lượng, qua đó củng cố sự hiện diện hiện nay của Bắc Kinh tại các cảng của Hy Lạp và Israel.

Hơn nữa, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đang theo đuổi việc mở rộng hiệp định năm 2015 cho phép sự hiện diện của hải quân của Moskva tại Tartus, qua đó gia tăng khối lượng vận chuyển đường biển và đảm bảo sự hiện diện của Nga trong nhiều thập kỷ tới.

Các khoản đầu tư dọc bờ biển Liban, trong đó gồm cả việc nâng cấp cảng biển Tripoli, sẽ cho phép Trung Quốc tự do điều động hơn ở Syria.

Chính phủ Liban được Hezbollah hậu thuẫn đang coi hàng loạt đề xuất của Trung Quốc về hỗ trợ tài chính và cơ sở hạ tầng như một tấm vé vàng để cắt đứt mối quan hệ lâu nay của Beirut với phương Tây. Hầu hết người Liban kịch liệt phản đối sự dịch chuyển sang hướng Đông này và từ chối chấp nhận trở thành một quốc gia vệ tinh của Trung Quốc ở vịnh Persian.

Không chỉ riêng Đại sứ Nga tại Beirut mới lập luận rằng quan hệ thương mại với Iran, Trung Quốc, Syria, Iraq và Moskva là giải pháp cho các vấn đề kinh tế của Liban. Tehran và Hezbollah cũng ủng hộ một khối thương mại gồm các quốc gia “đối kháng,” không bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt và phong tỏa của nước ngoài.

Đối với các cường quốc này, giải pháp lý tưởng để vô hiệu hóa các lệnh trừng phạt của phương Tây là một khối thương mại xuyên Á rộng lớn giao dịch độc quyền với nhau, buôn bán vũ khí, dầu khí để tránh phải dùng đồng USD. Các tổ chức tài chính lớn và các tập đoàn công nghiệp không có mối liên hệ nào với phương Tây sẽ không thể bị các lệnh trừng phạt của Mỹ nhắm tới.

[Đằng sau thỏa thuận thương mại Trung Quốc-Iran đầy hứa hẹn]

Trong bối cảnh Mỹ hiện đang theo đuổi các biện pháp pháp lý nhắm vào các ngân hàng Trung Quốc có liên quan đến vấn đề Hong Kong, thì các chiến thuật tránh trừng phạt như vậy mới chỉ đang được khởi động.

Hiện Bắc Kinh và Tehran đang đàm phán một thỏa thuận, theo đó Trung Quốc sẽ đầu tư 400 tỷ USD trong 25 năm vào các dự án hóa dầu và cơ sở hạ tầng của Iran, để đổi lấy việc tiếp cận dầu mỏ của Iran với giá rẻ.

Liệu đây có phải là một thay đổi trò chơi địa chính trị, hay chỉ là phát súng cảnh báo cho Chính quyền Trump? Hiện vẫn chưa rõ liệu Trung Quốc đã quyết định hay chưa. Tuy nhiên, sự dàn xếp như vậy sẽ là một bước tiến lớn đối với trục thương mại xuyên Á do Bắc Kinh thống trị.

Iran đã nắm bắt ngay triển vọng này. Quân đội Trung Quốc có thể giành quyền kiểm soát các cơ sở cảng biển quan trọng, với 5.000 nhân viên an ninh Trung Quốc bảo vệ các cơ sở này. Các nguồn tin Iran cho rằng Trung Quốc sẽ tiến hành các cuộc tập trận quân sự chung, phát triển vũ khí và chia sẻ thông tin tình báo với Tehran.

Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn ngờ vực về khoản tiền 280 tỷ USD mà Trung Quốc cam kết đầu tư vào ngành năng lượng Iran và 120 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng sản xuất và giao thông.

Các chuyên gia lưu ý rằng con số này lớn hơn nhiều so với tổng chi tiêu ở hải ngoại hàng năm của Bắc Kinh - vốn đã bị cắt giảm trong bối cảnh Trung Quốc tăng trưởng chậm lại và đại dịch COVID-19.

Giới lãnh đạo Iran đã ca ngợi thỏa thuận này là giải pháp cho tất cả những vấn đề của họ, song Bắc Kinh không phải là một tổ chức từ thiện và các quan chức Trung Quốc nhấn mạnh rằng các khoản đầu tư sẽ được đánh giá dựa trên sự phù hợp với các lợi ích quốc gia của Trung Quốc.

Trung Quốc coi tầm ảnh hưởng của Iran ở Iraq, Syria và Liban như “con ngựa thành Troy” phục vụ tham vọng xuyên lục địa của chính Bắc Kinh. Hiện Iran trở thành “viên ngọc quý trên vương miện” của Sáng kiến “Vành đai và Con đường” với các đường sá và đường sắt mới, sáng loáng tạo ra một hành lang đến châu Âu, thế giới Arab, khu vực Biển Đen và châu Phi.

Trung Quốc sẽ phải đối mặt với sự chỉ trích mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế khi biến mình thành người bảo trợ của quốc gia này, nhưng Bắc Kinh đã đóng một vai trò tương tự với Triều Tiên khi che chở Bình Nhưỡng trước những nỗ lực ngăn chặn các chương trình vũ khí hạt nhân và đạn đạo.

Những thỏa thuận này gợi nhớ đến các hiệp ước được ký kết bởi các vua Ba Tư hồi thế kỷ 19, qua đó làm giàu cho cá nhân trong khi lãng phí đất đai lãnh thổ, chủ quyền và nhượng bộ thương mại. Nếu các giáo chủ Iran tuân theo thông lệ của họ là lấy tiền mặt mà họ lấy được từ nơi khác để viện trợ cho đội quân thánh chiến ở nước ngoài, người Iran sẽ không nhận được bất cứ lợi ích nào từ việc thế chấp tài nguyên thiên nhiên và cơ sở hạ tầng quốc gia cho Trung Quốc.

Việc ông Trump thích áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với bất cứ nước nào là kẻ thù đã đưa các cường quốc thuộc "kẻ thù của nước Mỹ" xích lại gần nhau hơn trong khi xua đuổi các đồng minh truyền thống của Mỹ.

Các quốc gia trên hiện đang nhìn xa hơn ông Trump, đồng thời lĩnh hội rằng các quốc gia phương Tây vẫn là khối quyền lực nhất trên trường quốc tế khi họ cùng phối hợp hành động. Thế giới Arab cũng vậy, hiếm khi biết sức mạnh của chính họ khi huy động các nguồn tài lực cần thiết để hành động quyết đoán.

Nga chỉ giành được chỗ đứng ở Syria sau khi chính sách ngoại giao đa phương bằng vũ lực không thể thúc ép việc thực thi một giải pháp. Nga đang giành thế thượng phong ở một quốc gia châu Phi do thiếu vắng sự can dự của các quốc gia khác.

Các quốc gia muốn tham gia cộng đồng thương mại và các quốc gia yêu chuộng hòa bình thế giới cần phải tự nguyện tuân thủ các quy tắc chung chống xâm lược từ bên ngoài và áp bức nội bộ.

Trong khi đó, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc không phù hợp với mục đích trong khi những kẻ vi phạm luật pháp quốc tế nắm quyền phủ quyết; cuộc xâm lược bất hợp pháp của ông Bush và ông Blair vào Iraq là một trường hợp điển hình.

Thế giới cần một cộng đồng quốc gia chuyên đấu tranh cho công lý và hòa bình. Thế giới chỉ ổn định, văn minh và thịnh vượng khi chúng ta can thiệp để biến điều đó thành hiện thực. Khi thất bại, chúng ta phát hiện ra rằng chúng ta chỉ còn cách tình trạng hỗn loạn vài bước chân./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục