Luật sư lên tiếng

Ý kiến luật sư về vụ hành hung cư dân Keangnam

Theo luật sư Bùi Quang Hưng, để làm rõ sự việc tại Keangnam tối ngày 18/11 vừa qua, trước hết cần phải giải đáp hai nghi vấn lớn.
Như Vietnam+ đã đưa tin, sáng ngày 19/11, đông đảo cộng đồng dân cư sinh sống tại chung cư Keangnam đã tập trung phản đối hành động “côn đồ” xảy ra tối trước đó. Theo những người này, khoảng 21 giờ ngày 18/11, tại khu tầng 5 của nhà A, một nhóm 4 người đã xô xát và khiến anh Trần Anh Hiền, cư dân của tòa nhà phải nhập viện. Cư dân tòa nhà khẳng định, nhóm 4 người này đã có những hành động côn đồ, coi thường cộng đồng dân cư  cũng như pháp luật khi ngang nhiên “hành hung” người sống tại đây. Đồng thời, họ cũng đã nhận mặt được trong đám người này có ông Trần Đăng Khoa - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần đầu tư Mai Linh. Mai Linh cũng là đơn vị xin tổ chức sự kiện tại tầng 5 của tòa nhà. Ngay sau đó, ông Khoa cũng đã thừa nhận người xuất hiện trong clip mà cư dân Keangnam quay được chính là mình. Tuy nhiên, theo ông Khoa, anh Hiền đã có hành có hành động đập phá bàn ghế và đánh mình trước. Chấn thương của anh Hiền chỉ là do anh bị ngã?! Chiều ngày 21/11, Vietnam+ đã có buổi làm việc với anh Trần Thanh Hiền để làm rõ hơn về vụ việc này. Nằm trên giường bệnh với cái đầu gối đã được bó bột, anh Hiền vẫn còn rất mệt mỏi. Tâm sự với chúng tôi, anh bảo, đã mấy ngày rồi, anh chẳng thể có được một giấc ngủ ngon vì cả vết thương về thể chất và tinh thần. Nhớ lại buổi tối hôm ấy, anh Hiền vẫn chưa hết bàng hoàng. Theo anh, trước khi sự việc xảy ra, như mọi lần, anh xuống khu vực tầng 5 để tập thể dục. “Vừa đến nơi, tôi đã thấy có khá nhiều người tập trung để phản đối việc xếp bàn ghế, phông màn của công ty Mai Linh. Lý do mọi người đưa ra là nếu làm thế sẽ không còn chỗ chơi cho trẻ con,” anh Hiền nói. Bản thân cũng là người sống trong chung cư, anh Hiền cũng phản đối việc làm của Mai Linh. Anh bảo với những người đang dựng phông màn, bàn ghế là hãy “gập ghế lại đi.” Về ý kiến của ông Khoa cho rằng anh Hiền đã có hành động đập phá bàn ghế, anh Hiền khẳng định: “Tôi tay không thì lấy cái gì để đập phá. Tôi chỉ xô mấy cái ghế vào một chỗ.” Khi ấy, anh Hiền thấy vài người từ cầu thang máy đi ra với thái độ hùng hổ. Họ hất hàm hỏi anh có phải là người đã xô bàn ghế không. Anh chưa kịp giải thích hết câu thì đã bị nhóm người trên xông vào đánh luôn. “Tôi nhớ nhất là 3 người trùm chiếc áo tôi đang mặc lên đầu, dùng vật cứng không biết là gì đánh vào đầu gối làm tôi quỵ xuống. Khi người  dân phản ứng thì họ chạy đi,” anh Hiền kể lại. Phản ứng trước việc ông Khoa cho rằng mình đã đánh trước, anh Hiền cho rằng, anh không dại gì mà tay không gây hấn với 4 người. Anh khẳng định, ngay cả lý do ông Khoa dẫn ra rằng anh bị vỡ xương bánh chè do ngã xuống cũng rất nực cười bởi sàn tầng 5 chỉ là sàn gỗ. Theo chẩn đoán ban đầu của các bác sỹ tại Bệnh viện Việt Đức, anh Hiền nhập viện với tình trạng xương bánh chè bị vỡ.
Ý kiến luật sư về vụ hành hung cư dân Keangnam ảnh 1

Chẩn đoán ban đầu của các bác sỹ tại bệnh viện Việt Đức (Ảnh: Xuân Dũng/Vietnam+)
Nhận định về sự việc này, luật sư Bùi Quang Hưng (Văn phòng luật sư BQH và cộng sự) cho rằng, trước hết trách nhiệm phải thuộc về phía chủ đầu tư. Ông Hưng cho rằng, khi khu chung cư đã được bàn giao cho người sử dụng thì tất cả phần tài sản chung trước khi được sử dụng vào mục đích khác phải được sự đồng ý của cộng đồng dân cư. “Việc cho Mai Linh thuê tầng 5 để tổ chức sự kiện rõ ràng là nhằm vào mục đích kinh doanh chứ không hướng tới lợi ích cộng đồng nên việc người dân phản đối là hoàn toàn đúng,” ông Hưng khẳng định. Theo ông Hưng, ngay sau sự việc xảy ra, ông đã được cư dân Keangnam nhờ tư vấn. Bản thân ông cũng theo dõi rất sát diễn biến sự việc. Ông Hưng phân tích: “Sự việc này theo tôi có 2 điểm cần làm rõ. Thứ nhất, việc đưa ‘côn đồ’ vào khu dân cư liệu có phải là hành động được chuẩn bị trước hay không? Thứ hai, tại sao khi sự việc xảy ra, người dân đã bấm chuông gọi bảo vệ nhưng mãi lực lượng này không xuất hiện?” Luật sư Hưng đặt ra nghi vấn, liệu sự chậm trễ này có phải là do lực lượng bảo vệ đã nhận được chỉ thị từ một người nào đó hay không? Bên cạnh đó, luật sư Hưng cũng cho biết thêm, theo Bộ luật Hình sự, thông thường, hành động cố ý gây thương tích nếu gây ra tổn thương trên 11% sức khỏe của nạn nhân sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, một số trường hợp nếu hành vi này lại mang tính côn đồ, có tổ chức thì thậm chí, thương tích chỉ cần dưới 9% là đã đủ truy cứu. Vì vậy, theo luật sư, điều quan trọng nhất vẫn là cần làm rõ hai điểm nghi vấn ông đặt ra để thấy rõ tính chất hành vi của nhóm người đã “xô xát” với anh Hiền tối 18/11. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào công tác điều tra của các cơ quan chức năng mà cụ thể là công an huyện Từ Liêm. Theo tin Vietnam+ mới được anh Hiền cung cấp, ngay sau khi sự việc xảy ra, anh đã có làm đơn tố cáo gửi lên công an huyện Từ Liêm. Tuy nhiên, từ đó đến nay, anh vẫn chưa nhận được bất cứ hồi âm nào từ cơ quan này. Bản thân anh cũng như cộng đồng dân cư Keangnam đang rất mong, cơ quan điều tra khẩn trương làm rõ sự việc này. Đồng thời, cộng đồng dân cư Keangnam, cá nhân anh Hiền cũng đã có đơn thư yêu cầu các cơ quan chức năng  làm rõ trách nhiệm của Ban quản lý tòa nhà Keangnam trong vụ việc này./.
 * Vietnam+ sẽ tiếp tục cập nhật

Clip của kênh Truyền hình thông tấn phản ánh về vụ việc tại tòa nhà Keangnam
:

Xuân Sơn (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục