Ý nghĩa của chiến lược tuần hoàn kép đối với Trung Quốc và thế giới

Chuyên gia Bách Trang cho rằng chiến lược tuần hoàn kép nhằm xây dựng sức mạnh kinh tế trong nước thông qua tái cân bằng khi Trung Quốc đối mặt với những rủi ro gia tăng bên ngoài.
Ý nghĩa của chiến lược tuần hoàn kép đối với Trung Quốc và thế giới ảnh 1Một nhà máy tại tỉnh Sơn Đông của Trung Quốc. (Ảnh: AP)

Theo Báo The Straits Times, khi toàn cầu hóa có xu hướng bị thu hẹp, Trung Quốc đang điều chỉnh tiêu điểm chiến lược kinh tế của mình để thích nghi với thực tế mới. Những thay đổi mà Bắc Kinh đưa ra có thể có ảnh hưởng sâu rộng đến các đối tác thương mại và các nhà đầu tư nước ngoài, nhưng trên hết là những tác động đối với chính nền kinh tế và xã hội của nước này.

Cụm từ mới về kinh tế phổ biến hiện nay ở Trung Quốc là "chiến lược tuần hoàn kép," được đề cập với tần suất ngày càng tăng trong bài phát biểu của các quan chức, trong các nghiên cứu kinh tế và báo cáo truyền thông của Bắc Kinh.

Khái niệm này lần đầu tiên xuất hiện trong các báo cáo tại cuộc họp của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc hồi tháng Năm vừa qua.

Cụm từ nghe có vẻ mơ hồ, song lại được mở rộng một cách hợp lý. Cụm từ này có thể sẽ được nhắc đến tại hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc gồm 370 ủy viên trong tháng 10 này. Hội nghị này sẽ đặt nền tảng cho Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 giai đoạn 2021-2025 của Trung Quốc, trong đó chiến lược tuần hoàn kép được cho là vấn đề trọng tâm. Trong nỗ lực tìm cách giải mã chiến lược này, các học giả đã chỉ rõ rằng tuần hoàn kép đề cập đến tuần hoàn bên trong và tuần hoàn bên ngoài.

Tuần hoàn bên trong có nghĩa là sản xuất và tiêu dùng trong nước, trong khi tuần hoàn bên ngoài đề cập đến sản xuất phục vụ cho xuất khẩu. Có sự đồng thuận về quan điểm cho rằng các chính sách của Trung Quốc sẽ nghiêng về ủng hộ tăng trưởng được thúc đẩy ở trong nước nhiều hơn. Đây có thể là một sự thay đổi về mức độ chú trọng kinh tế của Bắc Kinh, nhằm thoát khỏi việc phụ thuộc nặng nề vào các thị trường xuất khẩu trong những thập kỷ gần đây, đặc biệt là kể từ khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2001.

Những năm gần đây, Trung Quốc cũng đã có một số chính sách tái cân bằng. Xuất khẩu của nước này trong năm 2019 chiếm 18% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), chỉ bằng khoảng một nửa so với hồi năm 2006. Trong bối cảnh đó, sự thay đổi chuyển sang tăng trưởng được thúc đẩy ở trong nước thậm chí nhiều hơn nữa giờ đây sẽ tăng tốc.

Sự trỗi dậy của thương mại phi tự do

Chuyên gia Bách Trang thuộc Công ty tư vấn kinh tế TS Lombard ở Bắc Kinh cho biết về cơ bản, chiến lược tuần hoàn kép nhằm xây dựng sức mạnh kinh tế trong nước thông qua tái cân bằng khi Trung Quốc đối mặt với những rủi ro gia tăng bên ngoài. Trong khi đó, nước này vẫn duy trì sự tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Chiến lược tuần hoàn kép không phải là một sự chuyển hướng triệt để.

Lý do dẫn đến sự thay đổi trọng tâm tăng trưởng của Trung Quốc là điều có thể hiểu được. Trật tự thương mại tự do dựa trên nguyên tắc vốn đã giúp tiếp thêm sức mạnh cho tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong 20 năm qua đang bị lung lay.

WTO, tổ chức được cho là giám sát hệ thống này, đã bị gạt sang bên lề, bị thay thế bởi chủ nghĩa đơn phương mạnh mẽ, đặc biệt là về phần Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc.

Cùng với đó, Trung Quốc cũng đang gặp trở ngại trong các mối quan hệ thương mại và đầu tư của mình với các cường quốc khác, trong đó có Liên minh châu Âu (EU), Australia và Ấn Độ. Các công ty Trung Quốc đang vấp phải những sự kiểm soát lớn hơn tại các thị trường lớn ở nước ngoài.

Đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã làm phức tạp hơn nữa những vấn đề này bằng việc đẩy nhanh lời kêu gọi từ nhiều nước nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc với tư cách là nguồn cung, đặc biệt là đối với những sản phẩm “có tầm quan trọng chiến lược."

Hơn nữa, đại dịch cũng đã làm giảm bớt nhu cầu ở các thị trường nước ngoài lớn nhất của Trung Quốc, làm giảm tiềm năng triển vọng tăng trưởng xuất khẩu của nước này. Những bất đồng thương mại cũng đã phơi bày một số tính chất dễ bị tổn thương của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Những hành động được tiến hành, đặc biệt là bởi Mỹ, nhằm chống lại các tập đoàn công nghệ của Trung Quốc như Huawei - tập đoàn này không còn có thể dễ dàng có được những con chip tiên tiến mà họ cần để sản xuất điện thoại thông minh và cơ sở hạ tầng viễn thông - đã làm nổi bật sự phụ thuộc sâu sắc của Trung Quốc vào nhập khẩu chất bán dẫn, ngành công nghiệp mà nước này chỉ tự cung cấp được 15%. Vì vậy, Bắc Kinh không còn có thể đương nhiên dễ dàng tiếp cận những công nghệ cốt lõi mà họ đã được hưởng cho đến nay. Họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tăng cường sản xuất trong nước.

[Trung Quốc: Thương mại trực tuyến thúc đẩy tăng trưởng tiêu dùng]

Một yếu tố quan trọng của việc Trung Quốc tập trung hơn nữa vào trong nước thời gian tới sẽ là khuyến khích sản xuất giá trị cao ở trong nước nhiều hơn và giảm bớt sự phụ thuộc vào nhập khẩu công nghệ từ không chỉ Mỹ và châu Âu, mà còn từ Nhật Bản, Hàn Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan - mặc dù Bắc Kinh sẽ tiếp tục hoan nghênh các công ty công nghệ nước ngoài hoạt động ở Trung Quốc.

Trung Quốc cũng sẽ hoan nghênh đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực khác. Điều ngạc nhiên là ngay cả khi các nước khác đang thắt chặt giới hạn đầu tư đối với các công ty Trung Quốc, thì Bắc Kinh lại đang nới lỏng quy định đối với các nhà đầu tư nước ngoài - một phần để ngăn chặn bất kỳ sự tháo chạy hàng loạt nào khỏi Trung Quốc.

Hồi tháng Bảy, Tân Hoa xã đưa tin rằng Chủ tịch Tập Cận Bình đã viết thư với tư cách cá nhân cho giám đốc điều hành các công ty nước ngoài, trong đó đảm bảo với họ về một “môi trường kinh doanh tốt đẹp hơn."

Ông nói thêm rằng: “Trung Quốc sẽ thúc đẩy những cơ hội mới và đem lại những triển vọng mới cho các doanh nghiệp Trung Quốc và nước ngoài” và rằng các công ty nước ngoài “đã đưa ra sự lựa chọn đúng đắn khi tiếp tục ở lại Trung Quốc.

Bắc Kinh cũng đã mở cửa hơn nữa các thị trường tài chính và bảo hiểm của nước này cho các nhà đầu tư nước ngoài. Các cuộc khảo sát gần đây về các công ty nước ngoài ở Trung Quốc - chẳng hạn như Báo cáo Kinh doanh Trung Quốc do Phòng Thương mại Mỹ công bố ngày 9/9 -cho thấy các công ty này tin rằng môi trường chính sách đã được cải thiện.

Những rào cản đối với sự khu biệt

Tuy nhiên, do xu hướng tập trung vào trong nước nhiều hơn trong các chính sách của Trung Quốc, nên một số nhà quan sát cho rằng các công ty nước ngoài sẽ ngày càng cần theo đuổi chính sách “ở Trung Quốc, vì Trung Quốc." Đó là họ sẽ cần thay đổi từ việc sử dụng nước này như một cơ sở sản xuất cho xuất khẩu sang phục vụ nhiều hơn cho thị trường địa phương, cạnh tranh với các công ty địa phương.

Tuy nhiên, đối với cả các công ty nước ngoài lẫn các công ty địa phương cho đến nay đã tập trung vào xuất khẩu, việc “xoay trục” sang lĩnh vực trong nước có thể có nhiều thách thức.

Thứ nhất, một số nhà quan sát chỉ ra rằng việc tập trung bộ máy xuất khẩu khổng lồ của Trung Quốc trở lại thị trường địa phương là rất khó khăn.

Nhà kinh tế Teng Tai, Chủ tịch Tổ chức tư vấn chiến lược của Trung Quốc - Viện tư vấn kinh tế mới Winbro, đã được trích dẫn phân tích trong một báo cáo trên tờ Securities Times thuộc sở hữu nhà nước: “Trung Quốc làm ra 10 tỷ cái mũ, 10 tỷ đôi giày, 30 tỷ chiếc quần, áo và 200 triệu máy tính bảng và máy tính xách tay mỗi năm. Nước này không thể bán hết số lượng hàng hóa này ở thị trường trong nước."

Các công ty cũng cần thay đổi các sản phẩm của họ để phục vụ cho thị hiếu địa phương, vốn hoàn toàn khác với thị hiếu ở các thị trường xuất khẩu của họ.

Một vấn đề khác là phân phối thu nhập vốn đã rất chênh lệch của nước này. Nhà kinh tế người Pháp Thomas Piketty nhận thấy phần thu nhập trước thuế do 10% số người giàu nhất Trung Quốc nắm giữ tăng từ 27% vào cuối những năm 1970 lên 41% vào năm 2015, có thể so sánh với những mức độ bất bình đẳng ở Mỹ.

Ý nghĩa của chiến lược tuần hoàn kép đối với Trung Quốc và thế giới ảnh 2Kinh tế Trung Quốc đang trên đà phục hồi sau COVID-19. (Ảnh: SME Asia)

Trong khi Trung Quốc được cho là có một tầng lớp trung lưu khoảng 400 triệu người và hơn 4 triệu triệu phú USD, thì khoảng 600 triệu người lại chỉ kiếm được 1.000 nhân dân tệ (khoảng 150 USD)/tháng, như Thủ tướng Lý Khắc Cường đã công bố tại một cuộc họp báo hồi tháng 5 vừa qua.

Đây là lý do chính giải thích tại sao tỷ lệ tiêu dùng trong Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc chỉ chiếm 38,8%, so với 66% GDP ở Mỹ. Sức mua, đặt biệt là của những người lao động thu nhập thấp, còn giảm hơn nữa trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19. Việc thay đổi thu nhập, của cải và sức mua có lợi cho các nhóm người nghèo hơn sẽ cần phải có những cải cách lớn - chẳng hạn như mở rộng các mạng lưới an sinh xã hội (để người dân có thể tiết kiệm ít hơn và tiêu dùng nhiều hơn).

Mục tiêu này cũng sẽ cần nhiều nguồn lực hơn được rót trực tiếp cho khu vực tư nhân, thay vì các doanh nghiệp nhà nước. Các nhà kinh tế như George Magnus của trường Đại học Oxford chỉ ra rằng điều này đi ngược lại xu hướng chính sách chính thức hiện nay của Trung Quốc là tăng cường khu vực nhà nước.

Một vấn đề khác được Giáo sư về tài chính Michael Pettis thuộc trường Đại học Bắc Kinh nêu lên là có sự mâu thuẫn giữa việc thúc đẩy nhu cầu trong nước và gia tăng xuất khẩu.

Ông lưu ý rằng tính cạnh tranh xuất khẩu của Trung Quốc một phần là kết quả của việc người lao động được phân phối một phần ít giá trị của những gì mà họ sản xuất. Thúc đẩy tiêu dùng trong nước sẽ đòi hỏi họ phải được nhận phần lớn hơn rất nhiều. Nhưng điều đó sẽ làm xói mòn tính cạnh tranh xuất khẩu. Ông chỉ rõ: “Để tuần hoàn kép có hiệu quả, tuần hoàn bên trong chỉ có thể có được khi gây phương hại cho tuần hoàn bên ngoài."

Có một số bằng chứng hỗ trợ cho quan điểm này. Khi mức lương của Trung Quốc tăng lên, đặc biệt là ở các tỉnh duyên hải nước này, nhiều ngành công nghiệp tập trung nhiều lao động như may mặc, đồ chơi và giày dép sẽ trở nên mất tính cạnh tranh và bắt đầu chuyển sang các nước có mức lương thấp hơn như Bangladesh, Campuchia và Việt Nam.

Trung Quốc có thể vượt qua vấn đề mức lương cao đang làm xói mòn tính cạnh tranh xuất khẩu của nước này nếu chuyển sang sản xuất giá trị cao trên quy mô lớn, như Nhật Bản, nhưng điều đó sẽ mất nhiều năm. Bởi vậy, dường như sự thay đổi của Trung Quốc sang tăng trưởng được thúc đẩy ở trong nước nhiều hơn trong trường hợp tốt nhất là một tiến trình dần dần. Bộ máy xuất khẩu của nước này sẽ tiếp tục có ý nghĩa then chốt, nhưng cũng cần phải điều chỉnh cho phù hợp với thực tế mới là sẽ có nhiều hơn những hạn chế thương mại và tốc độ tăng trưởng thấp ở một số thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước này, và hầu như không có hy vọng nhận được sự bảo vệ từ WTO.

Phương Tây có bị tổn thương?

Với chiến lược tuần hoàn kép, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc nhấn mạnh rằng điều này không có nghĩa là Trung Quốc đang quay lưng lại với hội nhập kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, hai chuyên gia Jude Blanchette và Andrew Polk thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington cho rằng, việc Trung Quốc chuyển hướng tập trung khỏi các hoạt động xuất khẩu theo chủ nghĩa trọng thương về cơ bản có thể định hình lại các dòng chảy đầu tư và thương mại toàn cầu.

Hơn nữa, nếu chiến lược mới đòi hỏi sự tập trung sâu hơn vào sản xuất giá trị cao, Trung Quốc có thể tìm cách tái tạo mô hình sản xuất của Đức. Nếu nước này thành công, điều đó sẽ là một thách thức lớn đối với các nền kinh tế công nghiệp hóa.

Quy mô sản xuất của Trung Quốc có thể bắt đầu phá vỡ một loạt phân khúc thị trường mới - như đã từng xảy ra với pin năng lượng Mặt Trời và pin lithium trong quá khứ, hai chuyên gia Blanchette và Polk lập luận.

Khi đó, những nỗ lực nhằm kiềm chế Trung Quốc của phương Tây có thể phản tác dụng và đe dọa sự thống trị mà Mỹ và các đồng minh bao gồm Đức, Nhật Bản và Hàn Quốc được hưởng trong các lĩnh vực công nghiệp chủ chốt.

ASEAN: Bên thắng cuộc tiềm tàng

Trong khi đó ở chiều đối lập, một điểm sáng có thể là Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), nơi mà xuất khẩu của Trung Quốc có mức thuế quan gần bằng 0 và các công ty Trung Quốc được hoan nghênh. ASEAN đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong năm nay. Vì vậy, người ta hy vọng rằng có nhiều dòng chảy đầu tư hơn từ Trung Quốc vào ASEAN, khi nước này tiến xa hơn trong chuỗi giá trị và loại bỏ nhiều hơn các ngành có giá trị thấp và trung bình.

Nhiều nhà sản xuất Trung Quốc trong các ngành này sẽ chuyển hoạt động sang các địa điểm rẻ hơn, nhiều trong số đó là ở ASEAN. Người ta cũng hy vọng Trung Quốc sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn việc hoàn tất Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) - một thỏa thuận thương mại gồm 10 nước thành viên ASEAN cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand - có thể được ký kết vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau.

Khi môi trường chính sách và việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của nước này được cải thiện, Trung Quốc thậm chí có thể gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được thực thi.

Mặc dù “dòng thủy triều” phi toàn cầu hóa đang dâng lên, nhìn chung nó không xảy ra ở khu vực Đông Á, nơi có xu hướng hạ thấp, chứ không phải nâng lên, những rào cản thương mại. Điều này có ý nghĩa tích cực đối với khu vực trong trung hạn, và có thể giúp duy trì bộ máy xuất khẩu của Trung Quốc hoạt động mạnh. Bộ máy đó sẽ cần tiếp tục đóng vai trò đáng kể trong việc vận hành nền kinh tế Trung Quốc bởi sự chuyển tiếp của nước này sang tăng trưởng định hướng trong nước sẽ là một dự án dài hạn, đặt ra một số thách thức nghiêm trọng và những lựa chọn chính sách khó khăn trên con đường phát triển./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục