Ý tưởng độc đáo về xe bán quần áo lưu động tại Mỹ

Cùng với chiếc xe tải bán đồ ăn uống lưu động quen thuộc, những chiếc xe bán quần áo lưu động đang trở thành một trào lưu tại nhiều thành phố ở Mỹ.
Ý tưởng độc đáo về xe bán quần áo lưu động tại Mỹ ảnh 1Một cửa hàng quần áo lưu động. (Nguồn: AFP)

Những chiếc xe tải bán đồ ăn uống lưu động đã trở thành một trào lưu tại nhiều thành phố ở Mỹ. Vào mỗi buổi trưa, tại một quảng trường ở Arlington, Virginia, Mỹ, những chiếc xe tải này lại đỗ nối đuôi nhau, cung cấp những bát súp và những chiếc bánh sandwich cho đám đông muốn thưởng thức bữa trưa tại quảng trường.

Trong số những chiếc xe đó, xe của Lia Lee nổi bật hơn cả vì mặt hàng được cô bày bán lại là những chiếc váy và phụ kiện thời trang.

"Tôi mới nhập thêm chiếc áo này. Nó thật phù hợp với nhân viên văn phòng trong mùa Hè," cô gái 27 tuổi Lia Lee nói với một khách hàng đang chọn đồ trong chiếc xe Street Boutique của cô - một chiếc xe tải sơn màu kem và đen đang đỗ tại khu ngoại ô Washington này.

Sau những chiếc xe bán đồ ăn uống lưu động, những cửa hàng thời trang trên xe tải cũng đang là một hình thức kinh doanh mới nổi tại Mỹ.

Chiếc xe của Lee được sắp xếp như một cửa hàng thời trang bình thường với nội thất trang nhã, những giá treo đầy váy, áo, các tủ đựng phụ kiện, và thậm chí là cả một phòng thử đồ nhỏ xinh.

"Vào cuối năm 2010, cả nước Mỹ có lẽ chỉ có khoảng 5 cửa hàng thời trang lưu động," Jeanine Romo, đồng sáng lập và phó chủ tịch Hiệp hội Bán hàng Lưu động Mỹ cho biết.

Hiện nay, có khoảng từ 300 tới 400 cửa hàng thời trang lưu động trên toàn nước Mỹ, hầu hết đều tập trung bán các loại quần áo. Một số kinh doanh cả giày dép, các sản phẩm làm đẹp và thậm chí là phụ kiện cho vật nuôi.

"Chúng tôi nhận thấy rằng hình thức kinh doanh này ngày một phát triển," Romo cho biết.

Đã từ lâu, Lee mơ ước có được một cửa hàng quần áo của riêng mình - một cửa hàng cố định. Nhưng điều kiện tài chính đã không cho phép.

"Sau khi soạn ra một vài kế hoạch kinh doanh và nhờ tới những người cố vấn, tôi nhận ra rằng tôi không có đủ khả năng tài chính để có thể mở một cửa hàng," Lee giải thích. "Cửa hàng lưu động thì tôi có thể trang trải được, và nó cũng phù hợp với tính cách của tôi hơn. Tôi thích sự đa dạng khi được đi tới những khu vực khác nhau để bán hàng."

Cũng giống như Lee, Donna Hundley, một tín đồ thời trang hơn 30 tuổi, đã điều tra và thấy rằng tại California, cửa hàng thời trang lưu động đang là mốt.

Cô đã tung ra chiếc xe Curvy Chix Chariot màu đỏ và xám vào tháng 8 năm 2013. Nó là một chiếc xe đưa thư báo cũ mà cô đã mua với giá 2200 USD, sau đó sửa sang và trang trí lại cho phù hợp.

Cửa hàng của Hundley chuyên bán quần áo cho những người phụ nữ có thân hình tròn trịa, với nguồn hàng đến từ những nhà thiết kế trẻ.

"Quần áo cỡ lớn đang bán trên thị trường thường giống hệt như nhau, lúc nào cũng màu đen, có hoa, và họ luôn thích đưa họa tiết da báo vào," cô chia sẻ một cách hài hước.

Cô Hundley nói: "Tôi tự hào vì tôi luôn cố gắng tìm kiếm những món đồ có chất lượng tốt, và liên kết với những nhà thiết kế tài năng."

Theo Romo, trong khi một cửa hàng thông thường cần tới khoảng 500.000 USD, thì cửa hàng quần áo lưu động chỉ tiêu tốn trung bình khoảng 20.000 USD.

Với nhiều trường hợp, việc sở hữu một cửa hàng lưu động như thế này xuất phát từ sự yêu thích hơn là lợi nhuận kinh doanh. Khoảng một nửa các chủ cửa hàng lưu động mới, hầu hết là nữ, vẫn phải đi làm ban ngày để chi trả các chi phí như phí đỗ xe và lệ phí kinh doanh.

Thế nhưng vẫn có những trường hợp ngoại lệ, điển hình là Shelley Sarmiento, hiện đã hơn 60 tuổi. Bà là người đồng sáng lập White House Black Market - một chuỗi với hơn 100 cửa hàng, 3000 nhân viên và doanh thu hàng năm lên tới 180 triệu USD.

Hai năm trước, bà Sarmiento, khi đó đang dạy học tại Viện Công nghệ Thời trang ở New York, khi đứng trước một chiếc xe lưu động bán sandwich pho mát nướng đã tự hỏi rằng "tại sao lại không bán quần áo trên xe lưu động nhỉ?" Và từ đó trở đi, chiếc xe lưu động Little White Fashion Truck đã nhanh chóng lăn bánh đi khắp nơi.

Hiện tại, Sarmiento đang sở hữu 4 xe tại Maryland và Tennessee.

Bí quyết kinh doanh của Sarmiento là: tránh xa các khoản nợ lớn, đầu tư từng chút một, bán hàng giá rẻ với nhiều mặt hàng đa dạng để mọi người "không thể cưỡng lại việc mua một cái gì đó"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục