Ý tưởng giúp New Delhi can dự mạnh mẽ vào Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Các ý tưởng này đều nhằm nâng cao tầm nhìn chung về một khu vực “tự do, cởi mở và mang tính bao hàm” mà Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản và các nước khác, đã và đang thúc đẩy.
Ý tưởng giúp New Delhi can dự mạnh mẽ vào Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: coindesk.com)

Hôm 14/4 xuất hiện những tin tức về việc Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã thành lập một vụ mới phụ trách về vấn đề Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Vụ này sẽ hợp nhất phạm vi hoạt động của 3 cơ quan phụ trách về Hiệp hội Vành đai Ấn Độ Dương, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và nhóm Bộ Tứ (Quad gồm 4 nước Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản và Australia).

Trang mạng The Diplomat ngày 1/5 nhận định đây là bước đi có ý nghĩa quan trọng vì nó cho thấy Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã ủng hộ tầm nhìn của Thủ tướng Narendra Modi về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là một khu vực trải dài từ các biển châu Phi đến biển của châu Mỹ.

["Cuộc chơi lớn" của New Delhi tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương]

Việc thành lập này cũng sẽ khiến vụ phụ trách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đóng vai trò đầu mối quan trọng để phối kết hợp các hoạt động trên nhiều khu vực khác nhau thuộc Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Ngoài ra, việc thành lập vụ này cũng là tín hiệu cho các đối tác của New Delhi, đặc biệt là Mỹ, trong việc tính toán tầm quan trọng của bờ phía Tây Ấn Độ Dương, vốn hiện không tồn tại trong định nghĩa của Washington về khu vực địa lý Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Khi khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trở thành bộ phận trung tâm trong chính sách đối ngoại của New Delhi, The Diplomat đã đưa ra 5 ý tưởng cho vụ mới thành lập trên để cân nhắc.

Các ý tưởng này đều nhằm nâng cao tầm nhìn chung về một khu vực “tự do, cởi mở và mang tính bao hàm” mà Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản và các nước khác, đã và đang thúc đẩy.

Thứ nhất, tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh có định dạng mới là Ấn Độ-châu Phi, trong đó Mỹ đóng vai trò là quan sát viên.

Còn nhớ, hồi năm 2008, Ấn Độ đã lần đầu tiên tổ chức Hội nghị cấp cao diễn đàn Ấn Độ-châu Phi tại New Delhi, với đại diện từ 14 nước châu Phi tham dự.

Kể từ đó đến nay, hội nghị này được tổ chức 3 năm một lần. Vai trò và tầm ảnh hưởng của Ấn Độ trong hội nghị này đạt đỉnh cao vào năm 2015 khi chứng kiến sự góp mặt của 51 nước châu Phi.

Khi Ấn Độ muốn tăng cường vai trò của mình với châu Phi như một phần trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của mình, nước này cần mở rộng hơn nữa quy mô hội nghị này bằng cách mời Mỹ tham gia.

Washington đã từng tổ chức Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Mỹ-châu Phi hồi năm 2014.

Ngoài ra, khi New Delhi thúc đẩy Mỹ đi theo định dạng địa lý về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mà Ấn Độ đưa ra, cũng như để thừa nhận mối quan tâm của New Delhi ở khu vực Tây Ấn Độ Dương, thì việc mời Mỹ tham gia hội nghị thượng đỉnh Ấn Độ-châu Phi nói trên sẽ là một bước đi táo bạo hướng tới tương lai.

Thứ hai, vụ trên cần đi đầu trong cuộc thảo luận về “cơ sở hạ tầng chất lượng” trong Hiệp hội Vành đai Ấn Độ Dương. Hồi tháng 5/2015, Chính phủ Nhật Bản tuyên bố chương trình “Đối tác vì Cơ sở hạ tầng chất lượng,” miêu tả đây là cơ sở hạ tầng “dễ sử dụng và bền vững, thân thiện với môi trường và có khả năng chống đỡ thảm họa.”

Tokyo cũng kêu gọi thực hiện chương trình này nhằm nâng cao kết nối, tạo công ăn việc làm cho người bản địa, nâng cao kỹ năng và cải thiện cuộc sống cho người bản địa.

Ấn Độ đã đi theo ý tưởng này của Nhật Bản với việc đầu tư xây dựng hệ thống tàu điện ngầm tốc độ cao Delhi Metro.

Tuy nhiên, do việc xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô lớn như thế cần sự tham gia của các nước thành viên thuộc Hiệp hội Vành đai Ấn Độ Dương, cũng như các yếu tố khác như vốn và đầu tư, mà New Delhi cần tìm cách để đưa chương trình “Đối tác vì Cơ sở hạ tầng chất lượng” trở thành một khuôn khổ hợp tác khu vực.

Việc dẫn đầu một cuộc thảo luận với các nước thành viên hiệp hội nói trên về chương trình này sẽ là một bước đi ban đầu mang ý nghĩa tích cực.

Thứ ba là tuyên bố các bước đi tiếp theo trong chương trình Hành lang Tăng trưởng châu Á-châu Phi.

Hồi tháng 5/2017, Chính quyền Ấn Độ công bố một “tài liệu tầm nhìn” cho Hành lang Tăng trưởng châu Á-châu Phi, trong đó thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa Ấn Độ, Nhật Bản và một vài nước ở châu Phi.

Hành lang này gồm 4 hợp phần chính: Các dự án phát triển và hợp tác; Cơ sở hạ tầng chất lượng và năng lực thể chế; Phát triển năng lực và kỹ năng; Mối quan hệ đối tác giữa người dân với người dân.

Tuy nhiên, kể từ khi tuyên bố tài liệu tầm nhìn này, hầu như không có hoạt động nào được triển khai sau đó.

Vụ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nói trên cần khởi động lại sự phối hợp với Nhật Bản và Liên minh châu Phi để thổi một luồng sinh khí mới cho chương trình này, đồng thời tuyên bố các bước đi tiếp theo nhằm thúc đẩy chương trình hành lang này.

Thứ tư, mở rộng quy mô cuộc tập trận hải quân Milan để bao gồm Mỹ, Nhật Bản và Pháp.

Bộ Tư lệnh quần đảo Andaman và Nicobar của Ấn Độ tổ chức một cuộc diễn tập hải quân hai năm một lần, có tên gọi là Milan và cuộc diễn tập đầu tiên diễn ra vào năm 1995.

Tại sự kiện này diễn ra năm 2018, có 16 nước ngoài tham gia, tất cả đều thuộc Khu vực Ấn Độ dương rộng lớn hơn, song không có Mỹ, Nhật Bản và Pháp.

Vì vậy, vụ nói trên của Bộ Ngoại giao Ấn Độ cần phối hợp với bộ tư lệnh nói trên, cơ quan quốc phòng, và các đối tác chính trị-quân sự tại 3 nước là Mỹ, Nhật Bản và Pháp để làm sao đưa 3 nước này tham gia tập trận Milan trong các năm tới đây.

Làm được điều này không chỉ giúp thúc đẩy tinh thần “hữu nghị trên khắp đại dương” thông qua cuộc tập trận mà còn giúp biến cuộc tập trận trở thành một sự kiện quân sự mang “hơi thở” thực sự của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Thứ năm, lập kế hoạch triển khai một hội nghị thượng đỉnh chung cho các thành viên thuộc Hiệp hội Vành đai Ấn Độ Dương và Diễn đàn Hợp tác quần đảo Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Kể từ năm 2014, Ấn Độ đã tham gia 2 tổ chức liên chính phủ nói trên nhằm mở rộng hợp tác trên khắp Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Tổ chức thứ nhất là Hiệp hội Vành đai Ấn Độ Dương, gồm 22 thành viên. Ấn Độ tham gia hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của tổ chức này được tổ chức ở Jakarta hồi tháng 3/2017.

Tổ chức thứ hai là Diễn đàn Hợp tác quần đảo Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vốn gồm Ấn Độ và 14 quốc đảo khác ở Thái Bình Dương. Trong khuôn khổ hoạt động của diễn đàn này, New Delhi đã tham gia 2 hội nghị thượng đỉnh lần lượt ở Fiji và Jaipur (Ấn Độ) vào năm 2014 và 2015.

Cho đến thời điểm này, Ấn Độ tham gia các hoạt động của 2 tổ chức nói trên chỉ mang tính khu biệt. Khi New Delhi muốn làm sâu sắc hơn vai trò và sự can dự của mình trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thì nước này cần tìm cách gắn kết hai tổ chức này với nhau.

Vì vậy, việc tổ chức một hội nghị thượng đỉnh chung cho hai tổ chức nói trên sẽ thể hiện cam kết của New Delhi đối với toàn bộ khu vực rộng lớn hơn và tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ cho sự hội tụ của hai đại dương trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục