Yemen: Liên hợp quốc rút nhân viên khỏi thành phố cảng Hodeida

Ngày 12/6, giới chức Yemen thông báo LHQ rút các nhân viên quốc tế khỏi thành phố cảng Hodeida trên bờ Biển Đỏ khi sắp diễn ra cuộc tấn công do các lực lượng ủng hộ chính phủ tiến hành.
Yemen: Liên hợp quốc rút nhân viên khỏi thành phố cảng Hodeida ảnh 1Các nhân viên Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) tại sân bay quốc tế Sanaa của Yemen. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 12/6, giới chức Yemen thông báo Liên hợp quốc rút các nhân viên quốc tế khỏi thành phố cảng Hodeida trên bờ Biển Đỏ trong bối cảnh sắp diễn ra cuộc tấn công do các lực lượng ủng hộ chính phủ tiến hành nhằm giành quyền kiểm soát thành phố cảng chiến lược này.

Theo các quan chức trên, trung tâm các chiến dịch của Liên hợp quốc vẫn do nhân viên địa phương điều hành.

Trong khi đó, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho hay cuộc thương lượng giữa phái viên của Liên hợp quốc Martin Griffiths với nhóm phiến quân Huthi cùng đại diện của Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) nhằm tìm giải pháp tránh sự đối đầu quân sự tại Hodeida vẫn bế tắc.

Tại cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Yemen Khaled Alyemany, ông Guterres nhấn mạnh các bên liên quan cần nỗ lực hơn nữa nhằm tìm ra một giải pháp chính trị và tránh các đụng độ ác liệt tại Hodeida, nơi có khoảng 600.000 người đang sinh sống.

[ICRC rút 71 nhân viên khỏi Yemen do quan ngại về an ninh]

Tuy nhiên bất chấp lời cảnh báo của Liên hợp quốc về một cuộc tấn công quân sự hay bao vây Hodeida sẽ ảnh hưởng tới hàng trăm nghìn người dân vô tội, biết lực lượng ủng hộ chính phủ Yemen chống lại các phiến quân Huthi đang gửi tiếp viện đến cảng Hodeida, cho thấy một cuộc chiến ác liệt nhiều khả năng sẽ diễn ra.

Được sự hậu thuẫn của liên quân Arab do Saudi Arabia dẫn đầu, các lực lượng ủng hộ Chính phủ Yemen, gồm những người ủng hộ Tổng thống Mansour Hadi, các tay súng địa phương và một số người từng ủng hộ cố Tổng thống Ali Abdullah Saleh, đang tìm cách giành lại quyền kiểm soát thành phố Hodeida từ tay phiến quân.

Đây được coi là đường giao thông huyết mạch, nơi tiếp nhận 70% hàng hóa nhập khẩu vào Yemen, trong đó có nhiều nhu yếu phẩm dành cho người dân.

Yemen rơi vào hỗn loạn kể từ khi bùng phát xung đột giữa phiến quân Houthi và các lực lượng trung thành với cựu Tổng thống Ali Abdullah Saleh với các lực lượng trung thành với chính phủ của Tổng thống Mansour Hadi.

Tháng 3/2015, liên minh quân sự các quốc gia Arab do Saudi Arabia đứng đầu đã can thiệp vào cuộc nội chiến ở Yemen để hỗ trợ chính quyền của Tổng thống Hadi được quốc tế công nhận, theo đó tiến hành hàng nghìn cuộc không kích nhằm vào các căn cứ của phiến quân Houthi.

Để đáp trả, Houthi đã tiến hành hàng trăm vụ tấn công bằng tên lửa nhằm vào các thành phố của Saudi Arabia, trong đó đa số bị lực lượng phòng không Saudi Arabia đánh chặn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục