Yên Bái chủ trì xây dựng hồ sơ Nghệ thuật Xòe Thái đệ trình UNESCO

Thời hạn nộp hồ sơ quốc gia, đề nghị UNESCO ghi danh Nghệ thuật Xòe Thái vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là tháng 3/2018.
Yên Bái chủ trì xây dựng hồ sơ Nghệ thuật Xòe Thái đệ trình UNESCO ảnh 1Trình diễn Xòe Thái. (Ảnh minh họa: Báo Ảnh Việt Nam/TTXVN)

Theo thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cơ quan này đã đồng ý để Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng và các tỉnh có di sản tiến hành nghiên cứu, xây dựng Hồ sơ quốc gia Nghệ thuật Xòe Thái đệ trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Thời hạn nộp hồ sơ cho UNESCO là tháng 3/2018.

Thông tin trên được nêu rõ tại văn bản số 2715/BVHTTDL-DSVH.

Các địa phương có di sản nghệ thuật Xòe Thái bao gồm: Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Yên Bái và Thanh Hóa.

Nghệ thuật Xòe là sợi dây gắn kết cộng đồng, thể hiện tinh thần đoàn kết. Từ xa xưa, người Thái đã có câu: “Không Xòe không vui/ Không Xòe cây lúa không trổ bông/ Không Xòe cây ngô không ra bắp/ Không Xòe trai gái không thành đôi.”

Ban đầu, Xòe chỉ là điệu múa dân bản nắm tay nhau, tạo thành vòng tròn, nhảy theo điệu nhạc. Nhạc cụ đệm cho các điệu Xòe là đàn tính tẩu, trống, chiêng, thanh la...

Từ một vũ điệu dân dã, đến đầu thế kỷ 20, Xòe đã trở thành “vũ điệu cung đình” phục vụ các tù trưởng Tây Bắc.

Ngày nay, Xòe được trình diễn phổ biến trong hầu hết các hoạt động văn hóa, những dịp Tết, lễ (lễ mừng nhà mới, đám cưới, lễ mừng cơm mới...) của đồng bào Thái.

Đó không chỉ là những điệu múa đơn thuần mà mỗi chuyển động, dáng điệu, cách xếp đội hình đều mang những sắc thái riêng, thể hiện những câu chuyện, thông điệp khác nhau: tình yêu cuộc sống, tình cảm nam nữ, niềm vui lao động... Văn hóa Thái còn giữ được sáu điệu xòe cổ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục