Yên Bái: Người Thái Hát Lừu náo nức đón Tết Độc lập

Đối với người Thái xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu, Yên Bái, ngày Tết Độc lập 2/9 từ lâu đã trở thành ngày lễ quan trọng chỉ sau Tết Nguyên đán.
Trong những ngày mùa Thu lịch sử, cùng với nhiều địa phương khác trong toàn tỉnh, người Thái ở xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) vui mừng kỷ niệm 68 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2/9.

Một điều đặc biệt là đã từ lâu, ngày Tết Độc lập trở thành một ngày lễ quan trọng, một nét văn hóa độc đáo của người Thái Hà Lừu chứ không chỉ là các hoạt động chung do các cấp chính quyền, đoàn thể tổ chức. Đối với họ, Tết Độc lập quan trọng chỉ sau Tết Nguyên đán. Trẻ con trong bản háo hức theo bố mẹ đi chợ sắm sửa quần áo mới diện Tết.

Trong ngày Tết Độc lập, mâm cơm truyền thống mà người Thái dâng cúng tổ tiên là một thủ tục không thể thiếu. Cùng với các món ăn chính được chế biến từ các loại động vật như gà, vịt, lợn... thì các loại bánh chưng dài và bánh rợm cũng hết sức quan trọng để chủ nhà tiếp đãi và làm quà cho khách đến thăm.

Dịp Tết Độc lập năm nay, không khí chào đón đã náo nức từ trước đó hàng tuần. Trên mọi ngả đường của 5 thôn Hát 1 và Hát 2, Lừu 1, Lừu 2 và thôn Vũng Tầu, nhà nào nhà nấy bảo nhau quét dọn, sửa sang ngay ngắn, sạch đẹp. Không khí Tết từ trong nhà ra ngoài ngõ, trên những con đường vào bản...

Bà Lò Thị Dung, thôn Hát 2, xã Hát Lừu cho biết: "Trước kia, bà con bản mình khó khăn lắm, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, nghèo đói quanh năm, phương tiện đi lại cũng không có, đường sá đi lại thì khó khăn, trong bản cũng không có điện. Bây giờ thì khác rồi, trong bản hầu như nhà nào cũng đi chợ bằng xe máy, nhà ai cũng có tivi, điện thoại, trẻ em từ 2 tuổi trở lên cũng đã được đến trường. Có được ngày hôm nay là nhờ ơn Đảng, ơn Bác Hồ nhiều lắm. Từ ngày đất nước độc lập đến nay, năm nào bà con ở Hát Lừu cũng ăn Tết Độc lập."

Còn chị Lò Thị Lan, thôn Hát 2, xã Hát Lừu thì phấn khởi: "Ngày 2/9 là ngày Tết Độc lập của đất nước ta. Người Thái ở bản mình năm nào đến ngày này cũng tổ chức ăn mừng. Gia đình nào có nhiều thì ăn nhiều, có ít thì ăn ít. Đây còn là dịp để cho cả gia đình ngồi lại, ôn lại ý nghĩa cũng như ký ức hào hùng của dân tộc trong ngày Độc lập, nhà nào nhà nấy ai cũng háo hức lắm. Riêng nhà mình cũng đã chuẩn bị sẵn lá dong, lạt và gạo để gói bánh."

Từ khi thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới,” đồng bào Thái Hát Lừu cũng ăn Tết Độc lập tiết kiệm, gọn nhẹ hơn. Trong ngày Tết, mọi người khuyên nhau không được uống rượu say, đặc biệt là khi đi xe máy không được uống rượu; không được ăn uống linh đình, lãng phí và kéo dài 3-4 ngày như trước. Ăn Tết Độc lập xong phải bắt tay ngay vào việc sản xuất, chăm sóc cây trồng, vật nuôi...

Ông Lò Văn Lăm, nguyên Giám đốc Trung tâm văn hóa huyện Trạm Tấu cho biết vào ngày Tết Độc lập, tại mỗi gia đình, sau khi đã chế biến đủ các món ăn truyền thống của dân tộc, trước khi dọn mâm cỗ mời anh em, con cháu trong nhà và đãi khách thì chủ nhà phải làm lễ dâng cúng tổ tiên, mời tổ tiên về ăn Tết Độc lập. Sau Tết Nguyên đán thì Tết Độc lập là Tết lớn thứ hai của người Thái Hát Lừu, vào những ngày này bà con phấn khởi, vui mừng lắm...

Việc đón Tết Độc lập ở Hát Lừu đã trở thành một nét văn hóa độc đáo của bà con người Thái. Ông Lò Văn Pầng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hát Lừu cho biết thời gian tới, chính quyền xã sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân trong việc tổ chức ngày Lễ, Tết tại địa phương theo phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư."

Trải qua thời gian lịch sử, ngày Tết Độc lập đã góp phần bảo tồn, lưu truyền những nét đẹp văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Thái ở Hát Lừu và đây cũng là cách mà người Thái dạy cho con cháu mình nhớ về ngày trọng đại của cả nước, nhớ về đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam, nhớ về ngày mà tất cả các dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam cùng hướng về Tổ quốc thân yêu./.

Tuấn Anh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục