Yêu cầu cấm khai thác cát, sỏi khu vực bờ sông có nguy cơ sạt lở

Hoạt động khai thác cát, sỏi tại khu vực đang bị sạt, lở; khu vực đã bị sạt, lở và có nguy cơ tiếp tục bị sạt, lở; khu vực bờ sông không ổn định, có nguy cơ sạt, lở... sẽ bị cấm.
Yêu cầu cấm khai thác cát, sỏi khu vực bờ sông có nguy cơ sạt lở ảnh 1Hoạt động khai thác cát trên sông Hồng đoạn chảy qua địa bàn thành phố Hưng Yên. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ban hành Nghị định số 23/2020/NĐ-CP quy định về quản lý cát sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông. Trong đó, khoanh định khu vực cấm hoạt động khai thác, khu vực tạm thời cấm hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông, để bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, phòng chống thiên tai…

Nhận diện khu vực cấm

Theo Nghị định, việc khoanh định khu vực cấm hoạt động khai thác, khu vực tạm thời cấm hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông được thực hiện theo quy định tại Điều 28 của Luật Khoáng sản và các quy định của pháp luật về thủy lợi, đê điều, giao thông thủy nội địa, quy định của pháp luật khác liên quan.

Căn cứ đặc điểm địa hình, địa chất, hình thái của lòng sông..., các khu vực được khoanh định là khu vực cấm hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông gồm: Khu vực đang bị sạt, lở; khu vực đã bị sạt, lở và có nguy cơ tiếp tục bị sạt, lở; khu vực bờ sông không ổn định, có nguy cơ sạt, lở.

[Quản lý tài nguyên khoáng sản: Tích trữ tiềm năng, đắt cũng không bán]

Khu vực khác có tầm quan trọng trong việc bảo đảm sự ổn định, an toàn của bờ sông; khu vực có công trình quốc phòng an ninh, khu đô thị, khu dân cư, khu vực có công trình đê điều, thủy lợi, giao thông, cấp thoát nước, quan trắc, giám sát và các công trình hạ tầng kỹ thuật khác mà việc khai thác cát, sỏi lòng sông có thể làm gia tăng nguy cơ mất ổn định bờ sông do Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh quyết định.

Các khu vực tạm thời cấm hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông gồm khu vực liền kề với khu vực quy định mà việc khai thác cát, sỏi trên sông có thể làm gia tăng nguy cơ gây sạt, lở; khu vực khác do Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định để bảo đảm yêu cầu phòng, chống sạt, lở bờ sông.

Yêu cầu cấm khai thác cát, sỏi khu vực bờ sông có nguy cơ sạt lở ảnh 2Hoạt động khai thác cát gây sạt lở trên sông Hồng đoạn chảy qua địa bàn tỉnh Nam Định. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Căn cứ các quy định trên, Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh tổ chức khoanh định khu vực cấm hoặc tạm thời cấm hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông trên địa bàn, lấy ý kiến các cơ quan theo quy định của pháp luật về khoáng sản; ý kiến của Ủy ban lưu vực sông liên quan (nếu có), gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường để rà soát, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Việc rà soát, điều chỉnh khu vực cấm hoạt động khai thác cát, sỏi, khu vực tạm cấm hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông được thực hiện định kỳ 5 năm một lần hoặc khi có sự thay đổi về các khu vực đã và đang bị sạt, lở…

Trường hợp cấp bách, có nguy cơ đe dọa đến an toàn đê điều, tài sản, an toàn và tính mạng của người dân thì Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định tạm dừng hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông; khoanh định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định việc bổ sung vào danh mục khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản.

Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm

Để đảm bảo việc tổ chức thực hiện kịp thời, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; chấp thuận phương án bảo vệ lòng, bờ, bãi sông trong báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định.

Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về khai thác cát, sỏi lòng sông, công trình bảo vệ, phòng, chống sạt, lở, bãi sông; thực hiện các biện pháp bảo vệ, phòng chống sạt, lở lòng, bờ...; điều tra, đánh giá, quan trắc, giám sát diễn biến dòng chảy, bồi lắng, sạt, lở lòng, bờ, bãi sông trên các sông liên tỉnh…

Cấm khai thác cát, sỏi tại các khu vực bờ sông có nguy cơ sạt lở. (Video: Hùng Võ/Vietnam)

Đối với Bộ Xây dựng, Thủ tướng giao hướng dẫn, kiểm tra và tổng hợp tình hình đầu tư khai thác, sử dụng cát, sỏi lòng sông; cân đối cung cầu sử dụng tài nguyên cát, sỏi trên địa bàn cả nước; tham gia ý kiến thuộc thẩm quyền về nội dung quản lý, thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản trong quy hoạch theo quy định.

[Lập quy hoạch thăm dò, khai thác đối với 8 nhóm khoáng sản quý hiếm]

Ngoài ra, Thủ tướng cũng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban Nhân dân các tỉnh liên quan trong việc xác định phạm vi, quy mô, ranh giới khu vực thuộc phạm vi bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, chỉnh trị dòng sông thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ theo quy định.

Bộ Giao thông vận tải xác định phạm vi, quy mô, ranh giới khu vực thuộc phạm vi an toàn tuyến luồng, các công trình trên sông; phối hợp với Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh liên quan trong việc kiểm tra, giám sát khối lượng cát, sỏi thu hồi (nếu có) trong quá trình duy tu, nạo vét các tuyến luồng đường thủy nội địa.

Các Bộ Công an, Công thương phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai kiểm tra, xử lý hoạt động khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát, sỏi trái phép, không rõ nguồn gốc; Bộ Tài chính thanh tram kiểm tra, xử lý vi phạm trong việc chấp hành chế độ hóa đơn, chứng từ kế toán đối với việc kinh doanh cát, sỏi lòng sông; xử lý tình trạng hợp pháp hóa, hợp thức hóa chứng từ đầu vào đối với việc sử dụng cát, sỏi.

Song song với việc quản lý cát sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, Thủ tướng cũng giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng nghiên cứu việc xử lý cát nhiễm mặn để sử dụng làm vật liệu xây dựng; sản xuất vật liệu thay thế cát, sỏi lòng sông sử dụng cho xây dựng, san lấp công trình.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 10/4/2020./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục