Yêu cầu điều bất khả thi, liệu Theresa May có thể cứu sống Brexit?

Trừ phi một thời hạn chót mới được chấp thuận tại Hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp của EU vào ngày 10/4, nước Anh sẽ phải rời EU mà không có thỏa thuận nào vào ngày 12/4.
Yêu cầu điều bất khả thi, liệu Theresa May có thể cứu sống Brexit? ảnh 1Thủ tướng Anh Theresa May phát biểu tại cuộc họp Hạ viện ở thủ đô London ngày 29/3/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng theguardian.com, còn gần một tuần nữa để Theresa May phải đưa ra những yêu cầu dường như bất khả thi đối với nội các, đảng (Bảo thủ), các nghị sỹ Công đảng và các nhà đàm phán của Liên minh châu Âu (EU).

Ngày 10/4 tới đây, Thủ tướng Anh sẽ phải trình lên Hội đồng châu Âu một lý do đáng tin cậy để kéo dài thời gian đàm phán về vấn đề Brexit một lần nữa - và bất kể lý do nào bà có thể đưa ra cũng là một lý do có thể gây chia rẽ đảng của bà ở trong nước.

Trừ phi một thời hạn chót mới được chấp thuận tại Hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp của EU vào ngày 10/4, nước Anh sẽ phải rời EU mà không có thỏa thuận nào vào ngày 12/4.

Bà May đã viết thư cho Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk để yêu cầu gia hạn thêm đến ngày 30/6 tới, tốt nhất là Quốc hội Anh có thể thông qua thỏa thuận của bà May với EU trước ngày 23/5 tới, để nước Anh không phải tham gia các cuộc bầu cử của EU.

Thời điểm 23/5 có nghĩa là Anh có thể ra đi trước khi Nghị viện châu Âu mới chính thức khai mạc.

Bức thư của Thủ tướng Anh nêu rõ rằng bà hy vọng thuyết phục được EU là bà thực sự có kế hoạch cho giai đoạn gia hạn này - việc gia hạn sẽ cho phép bà May có thêm thời gian đàm phán với Công đảng đối lập để tiếp tục một cách nghiêm túc và đạt được một thỏa thuận liên đảng.

Chỉ có 2 vấn đề đối với cách tiếp cận này: Công đảng và EU. Cơ hội để bà May và Jeremy Corbyn (lãnh đạo Công đảng) tay trong tay xuất hiện ở vườn Hồng trong tòa nhà chính phủ ở Phố Downing để ký một hiệp ước cho việc thông qua một thỏa thuận Brexit là gần như bằng không.

Các nguồn tin của Công đảng quả quyết rằng họ đã không rời khỏi các cuộc đàm phán, nhưng những nguồn tin thân cận với đàm phán đã rất ngạc nhiên về việc trên thực tế có quá ít đề nghị hỗ trợ từ chính phủ.

Cuộc họp nội các cuối tuần qua đã đề xuất sẽ tiếp tục đàm phán vào tuần tới, nhưng dù sao cũng có rất ít cơ hội về mặt chính trị để đạt được một thỏa thuận với Công đảng.

[Anh thông qua luật buộc Thủ tướng phải tham vấn về trì hoãn Brexit]

Như một bộ trưởng được chỉ định sẵn của Công đảng thừa nhận: "Đảng của tôi và trọng trách nặng nề của tôi khiến tôi phải bỏ phiếu chống lại thỏa thuận, và nhóm của tôi cũng như các nhà vận động Brexit ở địa phương yêu cầu tôi bỏ phiếu chống.

Hãy nói cho tôi biết chính xác làm sao chúng tôi có thể giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vì đã giúp đảng Bảo thủ có được thỏa thuận Brexit của họ?"

Vấn đề thứ hai là uy tín của bà May tại Brussels. EU đã từ chối đề xuất của bà về việc kéo dài thời hạn chót Anh phải rời EU đến thời điểm thích hợp là ngày 30/6 tới, điều cho đến nay vẫn không có sức thuyết phục, mặc dù không phải là không thể.

Lý do vượt xa những khó khăn hiển nhiên của một chướng ngại vật tiềm tàng trong lúc có sự thay đổi tại Nghị viện châu Âu.

Các điều kiện của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker, và chính Chủ tịch Hội đồng châu Âu Tusk cũng sẽ đi đến hồi kết.

Bất chấp mọi khó khăn, EU có thể vẫn đồng ý thời hạn chót 30/6 - hoặc đưa ra thời gian biểu của riêng họ, như họ đã làm tại Hội nghị thượng đỉnh EU vừa qua.

Tusk ủng hộ giải pháp "gia hạn linh hoạt," một khoảng thời gian dài hơn với lựa chọn có thể rời đi sớm hơn một khi thỏa thuận Brexit được Quốc hội Anh phê chuẩn.

Tuy nhiên, điều này cũng có thể gặp khó khăn từ các quốc gia thành viên.

Cụ thể, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người có kế hoạch đầy tham vọng về cải cách EU, không muốn thấy các ưu tiên khác của EU bị "nhấn chìm" sau một năm chạy đua không ngừng về vấn đề Brexit.

Phát biểu trên kênh BBC 5, nghị sỹ Alexandre Holroyd thuộc đảng Cộng hòa Tiến bước (Pháp) cho rằng một giải pháp có thể dễ chấp nhận hơn sẽ là, khoảng thời gian gia hạn lâu hơn cho nước Anh để nước này có thêm "thời gian suy nghĩ" về việc rời khỏi khối - có lẽ là lần cuối cùng.

Cũng có ý kiến lo ngại về giải pháp này. Điều gì sẽ xảy ra nếu Anh trở thành một quốc gia thành viên "phá rối"?

Holroyd nêu rõ: Với tư cách là thành viên "rời bỏ EU," Anh không thể đóng vai trò đầy đủ trong việc quyết định ngân sách EU trong tương lai hoặc giữ vai trò trong ban lãnh đạo tương lai của khối trong bất kỳ thời gian gia hạn kéo dài nào.

Một tình huống như vậy có khả năng rất khó chấp nhận đối với hầu hết các bộ trưởng trong nội các Anh và ngay cả các nghị sỹ ôn hòa nhất của đảng Bảo thủ.

Họ là một vấn đề khác đối với bà May, một điều mà bà phải đối mặt nếu một sự gia hạn thời hạn chót kéo dài là tất cả những gì mà EU có thể đáp ứng.

Các nguồn tin từ nội các đã rất muốn nhấn mạnh rằng bà May chỉ có sự ủng hộ của phần lớn nội các của bà đối với việc mở rộng đàm phán về Điều 50 của Hiệp ước Lisbon.

Ngay cả các bộ trưởng trung dung như Matt Hancock và James Brokenshire cũng nói rõ rằng đó là tất cả những gì họ sẽ ủng hộ.

Brandon Lewis, Chủ tịch đảng Bảo thủ, đã đưa ra những cảnh báo nghiêm trọng về "thất bại đau đớn" mà các thành viên trong đảng có thể phải hứng chịu trong các cuộc bầu cử địa phương và nghị viện châu Âu, nếu chúng được tổ chức.

Các nhà hoạt động của đảng Bảo thủ cuối tuần qua đã tuyên bố sẽ biểu tình.

Cuối cùng, giống như rất nhiều lần trước đây, bà May có thể bị buộc phải "khoán" quyết định này cho Quốc hội.

Nếu dự luật mở rộng điều 50 của Yvette Cooper vượt qua rào cản cuối cùng tại Hạ viện trong ngày 8/4 và được Hoàng gia chấp thuận, Quốc hội sẽ có thời gian để quyết định về khoảng thời gian gia hạn mà bà May nên yêu cầu.

Vào thời điểm bà May tới Brussels để gặp các nhà lãnh đạo EU trong ngày 10/4, Thủ tướng Anh có thể không còn chịu trách nhiệm về các yêu cầu của riêng bà nữa./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục