Yêu cầu EU làm rõ kế hoạch chi tiết với đồng euro

Phát biểu trước Nghị viện châu Âu, Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi, yêu cầu các nhà lãnh đạo châu Âu phải nhanh chóng làm rõ kế hoạch chi tiết đối với đồng euro, nhằm xua tan những mối nghi ngại về tương lai của đồng tiền chung này của châu Âu.

Ông cũng cảnh báo liên minh tiền tệ "không thể chống đỡ được" tình hình hiện nay nếu các nước thành viên không cải thiện các mối quan hệ chính trị và tài chính.
Phát biểu trước Nghị viện châu Âu ngày 31/5 tại Brussels, Bỉ, Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi, yêu cầu các nhà lãnh đạo châu Âu phải nhanh chóng làm rõ kế hoạch chi tiết đối với đồng euro, nhằm xua tan những mối nghi ngại về tương lai của đồng tiền chung này của châu Âu.

Ông cũng cảnh báo liên minh tiền tệ "không thể chống đỡ được" tình hình hiện nay nếu các nước thành viên không cải thiện các mối quan hệ chính trị và tài chính.

Ông Draghi cảnh báo ECB không thể làm thay phần việc của chính phủ các nước Liên minh châu Âu (EU) trong vấn đề tăng trưởng tài chính - những việc mà chính phủ các nước trong khu vực còn thiếu hành động cụ thể. Ông nhấn mạnh ECB đã làm mọi việc trong khả năng để đối phó với cuộc khủng hoảng nợ hiện nay. Cụ thể, ECB đã hạ lãi suất và cung cấp các khoản vay khẩn cấp trị giá 1.000 tỷ euro (trên 1.200 tỷ USD).

Giờ đây công việc của 17 nước thành viên Khu vực đồng euro (Eurozone) là phải đề ra mục tiêu rõ ràng cho tương lai của mình. Động thái này của Chủ tịch ECB càng làm gia tăng thêm sức ép rằng các nhà lãnh đạo EU sẽ phải hành động mạnh mẽ hơn rất nhiều trong hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra vào cuối tháng này.

Trong bài phát biểu của mình, ông Draghi thúc giục các lãnh đạo EU tiến hành các cuộc cải cách sâu rộng để thúc đẩy tăng trưởng, giảm thâm hụt ngân sách và thành lập cơ quan giám sát trong lĩnh vực ngân hàng trên toàn châu Âu có tên gọi là Ủy ban (quản lý) rủi ro có tính hệ thống châu Âu (ESRB).

Giới đầu tư hiện đang lo ngại Tây Ban Nha - nền kinh tế đang rơi vào suy thoái, sẽ không thể vực dậy nổi các ngân hàng trong nước vốn đang "gánh" những khoản nợ xấu "nguy hại," dẫn tới khả năng Tây Ban Nha sẽ nối bước Hy lạp, Bồ Đào Nha và Ireland xin cứu trợ quốc tế mà Eurozone giờ khó có thể kham được. Những mối quan ngại này đang đẩy lãi suất ở Tây Ban Nha tăng vọt, đồng thời "dìm" các thị trường chứng khoán nước này xuống mức thấp.

Cùng ngày 31/5, phát ngôn viên EU, Amadeu Altafaj, cho hay EU đang thúc giục Tây Ban Nha khẩn cấp công bố rõ kế hoạch của chính phủ trong việc giải cứu ngân hàng lớn thứ tư nước này là Bankia, nhằm xoa dịu nỗi lo ngại của thị trường về nguy cơ đổ vỡ tài chính, trong bối cảnh các nhà đầu tư đang mạnh tay bán ra trái phiếu và cổ phiếu của Tây Ban Nha để ngăn chặn rủi ro.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Jose Manuel Barroso, cho hay các nhà lãnh đạo EU sẽ thảo luận việc tiến tới một liên minh kinh tế chặt chẽ hơn tại hội nghị thượng đỉnh EU vào cuối tháng Sáu này, trong đó liên minh ngân hàng, giám sát tài chính chung và đảm bảo tiền gửi dự kiến sẽ là những nội dung bàn thảo chính./.

Như Mai (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục