Yêu cầu Iran làm rõ mục đích chương trình hạt nhân

Tổng Thư ký Liên hợp quốc yêu cầu Iran làm rõ trước cộng đồng quốc tế về chương trình hạt nhân của nước này phục vụ hòa bình.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon ngày 27/5 đã yêu cầu các nhà lãnh đạo Iran làm rõ trước cộng đồng quốc tế rằng chương trình hạt nhân của nước này phục vụ mục đích hòa bình.

Tổng Thư ký cũng cho rằng sẽ là hữu ích nếu Teheran ngừng làm giàu urani ở cấp độ 20%.

Ông Ban Ki-moon đánh giá cao thỏa thuận trao đổi nhiên liệu hạt nhân mà Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được với Teheran vừa qua, theo đó Iran chuyển 1.200kg urani làm giàu ở cấp độ thấp để nhận 120kg nhiên liệu dùng cho lò phản ứng.

Ông Ban Ki-moon cho biết nếu thỏa thuận trao đổi nhiên liệu này đi kèm với sự tham dự rộng lớn hơn của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và cộng đồng quốc tế, đây có thể là bước đi tích cực cho đàm phán.

Tuy nhiên, Tổng Thư ký Liên hợp quốc thừa nhận cộng đồng quốc tế vẫn thiếu sự tin cậy và thái độ lạc quan trong vấn đề hạt nhân của Iran.

Tại Mátxcơva, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, cùng ngày cũng tuyên bố hoan nghênh thỏa thuận trao đổi urani ba bên giữa Iran với Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil. Mátxcơva tin rằng thỏa thuận này có lợi cho một giải pháp hòa bình đối với vấn đề hạt nhân Iran.

Ông Sergei Lavrov nêu rõ Mátxcơva "hoan nghênh động thái này" song vấn đề sẽ phụ thuộc vào cách Iran thực hiện các nghĩa vụ của mình. Nếu Teheran tuân thủ nghiêm ngặt, Nga sẽ tích cực ủng hộ kế hoạch đã được Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ đề xuất.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton lại đánh giá thấp những nỗ lực của Brazil nhằm tìm ra một giải pháp ngoại giao cho chương trình hạt nhân Iran.

Bà Hillary tỏ ra lo ngại rằng thỏa thuận trao đổi nguyên liệu hạt nhân ba bên vừa qua chỉ giúp Iran kéo dài thời gian và làm rạn nứt sự thống nhất của cộng đồng quốc tế trong vấn đề này.

Ngoại trưởng Mỹ cho rằng việc "câu giờ" để Teheran tránh được sự nhất trí quốc tế đối với chương trình hạt nhân của nước này có thể gây nguy hiểm hơn cho thế giới.

Theo bà Hillary, giữa Mỹ và Brazil có "những bất đồng sâu sắc" trong vấn đề Iran và Washington vẫn bảo lưu quan điểm rằng Iran sẽ chỉ thực sự chấp nhận thương lượng sau những lệnh trừng phạt mới và nặng nề hơn của Liên hợp quốc.

Song song với tuyên bố của Ngoại trưởng Hillary, Mỹ cùng ngày cũng thông báo sẽ đề xuất một "lựa chọn rõ ràng" đối với Iran và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên trong chiến lược an ninh quốc gia mới của mình. Đó là "chấp nhận sự can dự của Mỹ hoặc phải đối mặt với sự cô lập hơn liên quan đến chương trình hạt nhân của Teheran và Bình Nhưỡng."

Trái với tuyên bố của Mỹ, Tổng thống Brazil Lula da Silva đã một lần nữa khẳng định thỏa thuận trên là một cơ hội không nên bị bỏ qua; phản đối các biện pháp trừng phạt mới áp đặt lên Iran./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục