Sớm xử lý sai phạm quản lý TMV Cát Tường

Yêu cầu sớm xử lý về sai phạm quản lý TMV Cát Tường

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu UBND thành phố Hà Nội sớm có kết luận về các vi phạm trong quản lý đối với vụ việc ở thẩm mỹ viện Cát Tường
Tại cuộc họp chiều 28/10 về triển khai kế hoạch tăng cường quản lý Nhà nước đối với các cơ sở y tế tư nhân để chấn chỉnh chất lượng hoạt động của các cơ sở này ở thành phố Hà Nội và trong cả nước do Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chủ trì, ông đã yêu cầu Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội sớm ra kết luận về việc xử lý các tập thể, cá nhân vi phạm trong quản lý Nhà nước đối với vụ việc ở thẩm mỹ viện Cát Tường để báo cáo.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, cả nước hiện có 157 bệnh viện tư nhân (151 bệnh viện vốn đầu tư trong nước và 6 bệnh viện có vốn đầu tư nước ngoài), hơn 30.000 phòng khám tư nhân và cơ sở dịch vụ y tế, trong đó, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 2.218 cơ sở hành nghề khám, chữa bệnh ngoài công lập và 4.938 cơ sở hành nghề kinh doanh dược phẩm.

Các cơ sở hành nghề khám, chữa bệnh, cơ sở kinh doanh dược phẩm ngoài công lập được khuyến khích phát triển, phù hợp với chủ trương xã hội hóa của Đảng, Nhà nước; đóng góp tích cực vào công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, giảm tải cho các cơ sở khám chữa bệnh công lập.

Chín tháng đầu năm 2013, Bộ Y tế đã thành lập các đoàn thanh tra công tác quản lý Nhà nước về khám chữa bệnh tư nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Bình Phước...

Đối với cơ sở hành nghề phẫu thuật thẩm mỹ, thanh tra Bộ Y tế đã tiến hành thanh tra hai bệnh viện tư nhân chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ tại Thành phố Hồ Chí Minh. Từ đầu năm đến nay, Sở Y tế thành phố Hà Nội đã thực hiện thanh tra 27/34 cơ sở được cấp phép hoạt động khám chữa bệnh chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ...

Bộ Y tế đánh giá công tác quản lý các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân hiện nay còn tồn tại một số khó khăn như số người được cấp chứng chỉ hành nghề còn thấp, việc cấp giấy phép hành nghề cho cơ sở khám chữa bệnh tư nhân còn chậm; công tác thanh tra các cơ sở khám chữa bệnh, trong đó cơ sở khám chữa bệnh có yếu tố nước ngoài chưa liên tục, thường xuyên; một số cơ sở khám chữa bệnh tư nhân hành nghề vượt quá phạm vi hoạt động chuyên môn cho phép; văn bản pháp luật quy định cấp chứng chỉ hành nghề, giấy phép hành nghề còn chưa rõ, chưa đầy đủ, gây khó khăn cho cá nhân hành nghề.

Đối với vụ việc tại thẩm mỹ viện Cát Tường, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết thẩm mỹ viện này được Phòng Tài chính-kinh doanh, Ủy ban Nhân dân quận Hai Bà Trưng cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngày 3/5/2013 nhưng chưa tới Sở làm thủ tục cấp giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh.

Liên quan đến những biện pháp khắc phục, chấn chỉnh, không để tái diễn những trường hợp tương tự, Bộ Y tế đã đề nghị Ủy ban Nhân dân và Sở Y tế Hà Nội xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm. Bộ Y tế cũng đang khẩn trương bổ sung quy định về vai trò của chính quyền địa phương cấp dưới như quận, huyện, phường, trạm y tế xã, phường vào Thông tư quản lý các cơ sở khám chữa bệnh hành nghề tư nhân; đồng thời ra quy định yêu cầu những bác sỹ làm trong các sơ sở y tế công lập làm thêm tại các phòng khám ngoài giờ phải báo cáo về giờ giấc, chứng chỉ hành nghề đã cấp của Sở Y tế.

Ngoài ra, Bộ Y tế đã thành lập 5 đoàn kiểm tra do 5 Thứ trưởng làm trưởng đoàn kiểm tra trên diện rộng các hoạt động hành nghề thẩm mỹ viện, khám chữa bệnh đông y dược, GPP, thực phẩm chức năng... tại 63 tỉnh thành phố (trong đó lãnh đạo Bộ Y tế sẽ đi 10 tỉnh, thành phố có nhiều vụ việc "nóng," các tỉnh, thành phố còn lại sẽ tự thanh, kiểm tra tại địa bàn mình), báo cáo tổng kết việc kiểm tra trước ngày 31/12/2013.

Cũng theo Sở Y tế Hà Nội, sau khi nhận được thông tin về vụ việc tại thẩm mỹ viện Cát Tường, Sở đã khẩn trương xuống hiện trường, thu thập thêm thông tin; gửi báo cáo nhanh tới Ủy ban Nhân dân thành phố, Bộ Y tế, Ban Tuyên giáo Thành ủy.

Sở cũng đã cử các đoàn đi kiểm tra các cơ sở khám chữa bệnh, bệnh viện tư nhân đang hoạt động. Kết quả kiểm tra bước đầu cho thấy các cơ sở được cấp phép chấp hành tương đối nghiêm về chuyên môn. Tuy nhiên, vẫn còn một số bất cập như việc niêm yết danh mục dịch vụ kỹ thuật, công khai giá dịch vụ ở nhiều cơ sở thực hiện chưa tốt như điều kiện về phòng ốc, thuốc men; ghi chép bệnh án còn nhiều thiếu sót; một số cơ sở hành nghề thẩm mỹ viện chưa ghi rõ nguồn gốc thuốc, vật tư sử dụng không có danh mục, không có nhãn. Trong thời gian tới, Sở Y tế thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý các cơ sở sai phạm.

Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Bộ Y tế tiếp tục rà soát thông tin, quản lý chặt chẽ các cơ sở y tế tư nhân, trong đó bổ sung các giải pháp tránh tình trạng nhiều cơ sở có đăng ký kinh doanh nhưng chưa có giấy phép hành nghề; phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, thành phố Hà Nội bàn các giải pháp quản lý, thực hiện các quy định của Luật Quảng cáo và các nghị định hướng dẫn triển khai quảng cáo về dịch vụ y tế trên truyền hình, trên mạng, tờ rơi.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế tự kiểm điểm trách nhiệm của mình đối với việc quản lý các cơ sở y tế tư nhân; sớm ban hành quy định các bệnh viện tăng cường rà soát, quản lý các bác sỹ đang làm việc tại bệnh viện tư nhân. Đây là việc cần làm thường xuyên, liên tục.

Liên quan đến Chỉ thị quy định trách nhiệm của xã, phường chịu trách nhiệm quản lý các cơ sở hành nghề y dược trên địa bàn (tháng 5/2013) của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nộ, Phó Thủ tướng cho rằng đây là một hành động tích cực và có tính hiệu quả.

Phó Thủ tướng lưu ý Ủy ban Nhân dân thành phố cần phối hợp, hỗ trợ các Phòng y tế, Ủy ban Nhân dân quận, huyện, phường trong việc thanh, kiểm tra các cơ sở y tế. Đối với các cơ sở y tế không đủ điều kiện hành nghề, lực lượng chức năng cần kiểm tra làm rõ, yêu cầu ngừng hoạt động ngay./.

Phúc Hằng (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục