Mega Story

Bài 4: Hành trình Trường Sa kết nối người Việt khắp 5 châu

25/12/2023 15:09

Các chuyến đi Trường Sa luôn hun đúc tinh thần yêu nước và nâng cao hơn nữa trách nhiệm đối với quốc gia dân tộc của mỗi người dân Việt Nam, dù là ở trong nước hay ngoài nước.

bai-4.png

Với mỗi người dân Việt Nam, một lần được đặt chân đến với Trường Sa có lẽ là mong muốn lớn nhất trong đời, đặc biệt là với những người con xa quê.

Đáp ứng lòng mong mỏi đó, những năm qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam, Bộ Quốc Phòng đã tổ chức nhiều đoàn với hải trình đến với Trường Sa và Nhà giàn cho người dân, cán bộ, chiến sỹ… trong nước cũng như Kiều bào ở nước ngoài. Đây là một hoạt động có ý nghĩa đặc biệt trong việc góp phần khẳng định mạnh mẽ chủ quyền của Việt Nam đối với Quần đảo Trường Sa.

Những lời ca dạt dào tình cảm

Những ai ra Trường Sa chắc hẳn đều sẽ có cảm nhận vô cùng khác biệt khi “kề vai sát cánh” trên hải trình đến với các đảo.

92bafef711fcb8a2e1ed.jpg

Nhạc sỹ Ninh Mạnh Thắng (sinh năm 1959, ở Ninh Bình) tâm sự ông được Hội Nhạc sĩ Việt Nam tham gia vào Đoàn công tác số 4 ra thăm đảo Trường Sa năm 2023.

Là người lính, nên trong ông đã tích lũy nhiều về thời quân ngũ, dạt dào tình cảm của Anh bộ đội Cụ Hồ. Khi nhận được thông tin đi Trường Sa, ông đã thức liền 20 đêm liên tục để tư duy hình thành bài hát viết về người lính mang tên “Lính đảo hát dân ca” với những ngôn từ và giai điệu đầy sự tự hào, đong đầy yêu thương.

“… Điệu lý hát lên từ Trường Sa

Hát ru ngày biển đau, biển gềnh lên sắc máu

Các anh tôi nằm lại ngàn đời với Gạc Ma

Biển trào dâng sức sống, bóng cha anh ở lại

Hỡi tổ quốc linh thiêng, biển dẫu còn phong ba

Trường Sa còn bão tố

Đảo là quê hương, Trường Sa là đất nước…”

Nhạc sỹ Ninh Mạnh Thắng bộc bạch: “Khi được biết mình sẽ đi Trường Sa, tôi trăn trở, suy nghĩ từng lời, từng nốt nhạc trong bài hát cho đến khi chuẩn bị lên tàu ra Trường Sa, bài hát đã tạm hoàn chỉnh. Tôi suy nghĩ rất nhiều về cuộc sống của những người lính đảo với bao nỗi vất vả, gian khổ, nắng mưa dãi dầu, song họ vẫn lạc quan yêu đời, vững chắc tay súng, bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam. Vì thế phần lời bài hát tôi có những lời viết về lớp chiến sỹ cha anh đã ngã xuống nơi biển Đông. Bằng âm nhạc, tôi muốn gửi gắm đến người lính bộ đội Cụ Hồ hãy nêu cao tấm gương của cha anh, phấn đấu, rèn luyện, sẵn sàng hy sinh vì biển đảo quê hương, vì tổ quốc thân yêu.”

chu-thang.png

Khi viết xong bài hát, trong suốt hải trình, ngay trên Tàu 571, nhạc sỹ Thắng đã hát phục vụ bộ đội, chiến sỹ, cùng bà con Việt kiều, các đoàn công tác trên tàu và được đón nhận với tình cảm nồng hậu.

Khi vào thăm đảo Trường Sa lớn, nhạc sỹ Ninh Mạnh Thắng đã hoàn chỉnh đầy đủ bài hát có tính khúc triết, sâu lắng hơn. Buổi tối hôm giao lưu văn nghệ trên đảo Trường Sa lớn, bài hát “Lính đảo hát dân ca” được nhạc sỹ biểu diễn bên cột mốc chủ quyền biển đảo Trường Sa.

Đó là những lời ca, vần thơ chất chứa tình cảm của những người con đất liền với biển đảo, để tri ân những người lính Trường Sa đang ngày đêm chắc tay súng, canh giữ biển trời của Tổ quốc, quê hương.

Video Nhạc sỹ Ninh Mạnh Thắng biểu diễn tác phẩm mới của mình tại đảo Trường Sa:

“Với tôi, đây là một tình cảm thiêng liêng nhất trong cuộc đời sáng tác nghệ thuật của mình. Tình cảm này được diễn ra ngay trên đảo Trường Sa, nơi thiêng liêng lay động tâm hồn tôi. Qua chuyến đi thực tế Trường Sa, tôi cảm nhận được cán bộ, chiến sỹ và các lực lượng tham gia canh giữ, bảo vệ biển đảo gặp vô vàn khó khăn gian khổ, nhưng các anh luôn chắc tay súng, vững chí khí, sẵn sàng hy sinh như các thế hệ cha anh. Tôi mong muốn các thế hệ thanh niên Việt Nam hôm nay hãy sẵn sàng lên đường, đến với biển đảo khi Tổ quốc gọi,” Nhạc sỹ Ninh Mạnh Thắng xúc động nói.

Với tôi, đây là một tình cảm thiêng liêng nhất trong cuộc đời sáng tác nghệ thuật của mình. Tình cảm này được diễn ra ngay trên đảo Trường Sa, nơi thiêng liêng lay động tâm hồn của tôi.

Nhạc sỹ Ninh Mạnh Thắng

Ông Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư tỉnh Nghệ An chia sẻ hải trình Trường Sa là một chuyến đi đặc biệt và đầy ý nghĩa với ông cùng các thành viên đoàn công tác. Đó là tình cảm gắn kết của người dân, kiều bào từ 23 nước và khu vực đến với biển đảo, đưa tình cảm của quân và dân đến với Trường Sa.

Chuyến đi đã cho đoàn thêm tự hào về những thành quả cha ông ta đã đạt được và đang ngày ngày được những người lính đảo duy trì, phát huy trong phát triển kinh tế và củng cố về quân sự để thế hệ hôm nay thêm tự hào về những thành quả quân và dân Trường Sa đã đạt được. Những ấn tượng đẹp đẽ về quân và dân trên quần đảo Trường sa đã thôi thúc mỗi người trên đất liền sống và làm việc ý nghĩa hơn.

Lần đầu tiên đến với Đảo Sinh Tồn Đông, Thượng tọa Thích Minh Nguyệt - Phó Trưởng ban Điều phối Phật giáo Việt Nam tại Lào bày tỏ sự xúc động, tự hào về biển đảo Việt Nam, góp phần khẳng định chủ quyền đất nước và khâm phục các chiến sỹ vất vả ngày đêm canh giữ biển đảo quê hương.

Bên cạnh đó, Thượng tọa Thích Minh Nguyệt cảm thấy rất vui khi trên đảo Sinh Tồn Đông có một ngôi chùa, dấu tích của Phật Giáo. “Được Đảng và Nhà nước quan tâm xây dựng, ngôi chùa trang nghiêm là nơi thực hiện tín ngưỡng tâm linh cho các chiến sỹ trên đảo cũng như đáp ứng văn hóa tinh thần của người Việt luôn sống mãi cùng với đất nước," Thượng toạ Thích Minh Nguyệt nói.

Kết nối người Việt khắp 5 châu

Hành trình đến với Trường Sa của Đoàn công tác số 4/2023, gồm 222 đại biểu trong nước và Kiều bào đến từ 23 quốc gia trên thế giới, là đi thăm, động viên cán bộ chiến sỹ và nhân dân trên Quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1/16 Phúc Tần.

co-huong-.png

Cô Nguyễn Thị Lan Hương, một Kiều bào đến từ Hà Lan tâm sự: “Tôi ước ao chuyến đi Trường Sa từ rất lâu rồi, nhất là sống xa Tổ quốc nên tình yêu biển đảo quê hương, đất nước càng chất chứa hơn. Tôi mong muốn được một lần trải nghiệm, được mắt thấy, tai nghe, tay sờ vào từng hạt sỏi, nắm cát của những vùng biển của đất nước mình, đặc biệt là Trường Sa. Tôi đã ứa nước mắt khi nhìn thấy nơi tưởng nhớ các chiến sĩ hy sinh, với ý nghĩ máu của các anh đã không ngừng đổ xuống để bảo vệ biển đảo thiêng liêng của đất nước.”

Cô Lan Hương cho hay mỗi một cán bộ chiến sỹ ở trên đảo mang trong mình một sứ mệnh rất lớn, ở họ là những người lính trẻ với tinh thần lạc quan, yêu đời. Họ đã hy sinh rất lớn để ra làm nhiệm vụ ở trên đảo…

Video Kiều bào Nguyễn Thị Lan Hương chia sẻ những cảm xúc khi đến Trường Sa:

Nhìn vườn rau xanh mướt của các chiến sĩ trên đảo Sinh Tồn Đông và Len Đao, Đá Tây B, Nhà Giàn DK1/16 Phúc Tần… sẽ thấy được sự kỳ công, chắt chiu những giọt nước ngọt cho rau xanh, mầm xanh nở trên đảo đá khô cằn. Điều đó cho thấy cuộc sống trên đảo dù khó khăn gian khổ nhưng họ luôn luôn tìm cách để vượt qua, thể hiện ý chí kiên cường bám giữ biển đảo quê hương và tinh thần vượt khó vượt khổ của các chiến sỹ.

Ấn tượng nhất trong chuyến hải trình là Kiều bào Hoàng Thị Lai (69 tuổi) - Kiều bào Thái Lan cũng là thành viên cao tuổi nhất Đoàn công tác số 4/2023. Bà Lai chia sẻ dù tuổi đã cao nhưng khi có được cơ hội bà vẫn muốn được một lần trong đời được tới Trường Sa.

Với bà Hoàng Thị Lai, chuyến đi thăm Trường Sa là một trải nghiệm quý giá trong suốt cuộc đời. Bà nhiệt tình, tham gia vào mọi hoạt động của đoàn, hát những bài hát ca ngợi quê hương đất nước. Những hình ảnh về biển đảo, về quân và dân Trường Sa sẽ là những câu chuyện cảm động, ý nghĩa để bà kể lại cho con cháu khi về Thái Lan. Đây cũng là cách để bà lan tỏa tình yêu biển đảo quê hương với thế hệ trẻ Kiều bào.

anh-ba-lai.png

“Trước đây, chúng tôi chỉ nghe về Trường Sa qua sách báo, mạng Internet. Qua chuyến đi này, chúng tôi được trực tiếp chứng kiến sức sống mãnh liệt của Trường Sa dưới sự khắc nghiệt của thời tiết. Chúng tôi mang theo những tình cảm của bà con người Việt tại Thái Lan gửi tới cán bộ, chiến sỹ, nhân dân tại Trường Sa và Nhà giàn DK1/16 Phúc Tần. Tôi vô cùng xúc động trước tinh thần sẵn sàng chiến đấu, hy sinh của cán bộ, chiến sĩ tại các điểm đảo,” bà Lai bày tỏ.

anh-bai-giang-facebook-5-copy.png

Lê Thị Mỹ Liên (sinh năm 1993) hiện là thành viên Ban điều phối Hội Thanh niên - Sinh viên Việt Nam tại Mỹ và là đồng Chủ tịch Hội Thanh niên - Sinh viên Việt Nam tại tiểu bang California, là một trong hai đại biểu trẻ nhất ra thăm quần đảo Trường Sa của Đoàn công tác số 4/2023.

Lần đầu tiên tới Trường Sa, Mỹ Liên chia sẻ trước chuyến đi Liên đã rất hồi hộp và có một chút lo lắng về sóng gió nhưng cảm xúc tự hào và xúc động đã khiến cô quên đi những mệt mỏi và sôi nổi tham gia tất cả những hoạt động của đoàn trên chặng hải trình đặc biệt này.

Liên cho hay chuyến đi có ý nghĩa đặc biệt giúp cô cảm nhận sâu sắc tình cảm gắn kết keo sơn giữa quân và dân, nâng cao nhận thức về chủ quyền biển đảo, khơi dậy mạnh mẽ lòng tự hào dân tộc. Chuyến đi góp phần giáo dục về tinh thần yêu nước để Liên có thể truyền tải những trải nghiệp này nhiều hơn tới cộng đồng người Việt tại Mỹ và cả bạn bè quốc tế cho mọi người biết về Trường Sa của Việt Nam.

Anh Vũ Trọng Thư - Ban liên lạc cộng động người Việt Nam tại UAE rất xúc động và vinh dự đại diện cho 5.000 Kiều bào đang làm việc tại UAE đến thăm Trường Sa. Thư bày tỏ sự khâm phục ý chí kiên cường của các cán bộ, chiến sỹ Trường Sa canh giữ biển trời quê hương cũng như chúc cho các cán bộ, chiến sỹ vững chắc tay súng bảo vệ biển trời của Tổ quốc, sau lưng các anh là cả dân tộc và Kiều bào trên khắp thế giới luôn theo dõi và hướng về Trường Sa…

Với những tình cảm ấy, có thể khẳng định rằng các chuyến đi Trường Sa luôn hun đúc tinh thần yêu nước và nâng cao hơn nữa trách nhiệm đối với quốc gia dân tộc của mỗi người dân Việt Nam, dù là ở trong nước hay ngoài nước. Khi ấy, mỗi người dân, bà con Kiều bào sẽ trở thành những sứ giả của Trường Sa, lan tỏa tình yêu với biển đảo Tổ quốc, biến tình yêu thành hành động cụ thể để đóng góp cho công tác xây dựng và bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương.

Đập tan những xuyên tạc về chủ quyền biển đảo của Việt Nam

Trong bối cảnh hiện nay, cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực là cuộc đấu tranh lâu dài, khó khăn, phức tạp và nhạy cảm. Đây cũng là ý chí thể hiện sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị và của thế trận chiến tranh nhân dân trên biển.

Ông Nguyễn Thanh Sơn - Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài cho biết sau nhiều năm khảo sát, đánh giá tình hình và nghiên cứu tâm tư, nguyện vọng của bà con Kiều bào với nguyện vọng được ra thăm quần đảo Trường Sa, ông đã mạnh dạn đưa ra ý tưởng này và kiến nghị với Chính phủ. Sau đó, Thủ tướng cũng như các cơ quan chức năng của Đảng và Nhà nước hoàn toàn ủng hộ và cho làm thí điểm chuyến đi đầu tiên có sự tham dự của các thành viên Kiều bào ra thăm quần đảo Trường Sa vào năm 2012.

fb2bdede7717de498706.jpg
Ông Nguyễn Thanh Sơn - Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài (áo trắng) trên Tàu 571 hải trình ra Trường Sa. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)

Ông Sơn phân tích: "Đây là công việc rất có lợi cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền lãnh hải quốc gia cũng như phục vụ rất tốt trong thông tin tuyên truyền đối ngoại về vùng Biển Đông của chúng ta thông qua hải trình Trường Sa. Quan điểm nhìn nhận của những người có tư tưởng cực đoan chống đối chúng ta thay đổi một cách rất rõ ràng ngay sau khi thăm Trường Sa là bởi vì họ tận mắt chứng kiến sự thật chứ không còn nghe những luận điệu tuyên truyền xuyên tạc như trước đây”.

Việc đưa bà con Kiều bào tới tận mắt chứng kiến công tác bảo vệ chủ quyền đang được thực hiện một cách vững chắc là minh chứng sống để bà con thấy những luận điệu xuyên tạc về việc "dâng biển, bán đất cho nước ngoài” là hoàn toàn không đúng đồng thời cũng sẽ đập tan những xuyên tạc về chính sách đối ngoại cũng như chính sách về chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

anh-bai-giang-facebook-5-copy-2.png

Chuẩn đô đốc Đỗ Minh Thái - Nguyên Phó Tham mưu trưởng Hải quân Nhân dân Việt Nam, người đã nhiều năm liền làm Trưởng đoàn trên các chuyến tàu đưa đoàn Việt Kiều ra thăm đảo Trường Sa nhấn mạnh việc đưa Kiều bào đi Trường Sa bắt đầu từ chủ trương của Đảng về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong Kết luận số 12-KL/TW là “tiếp tục nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm trong việc thực hiện có hiệu quả chủ trương đại đoàn kết toàn dân tộc”, từ đó “phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, khuyến khích và tạo điều kiện để đồng bào Việt Nam ở nước ngoài đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Công tác này có thuận lợi to lớn là luôn nhận được sự quan tâm sâu sắc và chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Trong những chuyến công tác nước ngoài hoặc những dịp Kiều bào về nước, lãnh đạo Đảng, Nhà nước luôn dành thời gian, gặp gỡ, trao đổi, lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của bà con và chỉ đạo các cơ quan trong nước kịp thời giải quyết những nguyện vọng chính đáng của bà con.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, lợi ích quốc gia-dân tộc trên biển, trên không và trên bộ; hợp tác quốc tế về biển, đảo được tăng cường, duy trì môi trường hòa bình, ổn định, thúc đẩy quan hệ với các nước”.

“Bằng cách đưa Kiều bào ra Trường Sa và Nhà giàn DK1 họ sẽ thấy được rằng trong những năm qua đất nước đã làm được những gì trong vấn đề khẳng định chủ quyền, thực thi chủ quyền và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển Đông. Họ sẽ thấy được đôi khi trong cuộc sống hàng ngày của họ bị ảnh hưởng bởi những tuyên truyền của thế lực thù địch, xuyên tạc để dẫn dắt họ theo,” Chuẩn đô đốc Đỗ Minh Thái nhấn mạnh.

89116e17fade53800acf.jpg
Huy hiệu Chiến sỹ Trường Sa trao tặng cho những thành viên của các đoàn công tác khi tới với Quần đảo Trường Sa. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Đây cũng là dịp để gắn kết với nhân dân trong nước với Kiều bào, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, khẳng định đồng bào ta dù ở đâu trên Thế giới cũng luôn hướng về Tổ quốc, gắn bó máu thịt với cội nguồn, là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam.

Hiện có hơn 5,3 triệu người Việt sinh sống, làm việc, học tập ở trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Mỗi người dân, mỗi Kiều bào đến Trường Sa đều mang theo hành trang là những góc nhìn và cảm xúc của riêng mình. Song sau mỗi chuyến đi, tất cả đọng lại đều là niềm tự hào về hai chữ thiêng liêng "Tổ quốc".

Hành trình tới Trường Sa đã tiếp thêm động lực để họ tiếp tục đóng góp bằng nhiều hình thức khác nhau, cả về vật chất và tinh thần cho quê hương đồng thời góp phần đấu tranh, phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc về chủ quyền biển, đảo Tổ quốc, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước./.

f2ba4f7f5fd4f68aafc5.jpg
tac-gia-copy.png

(0) Bình luận
© Bản quyền thuộc về VietnamPlus, TTXVN.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bài 4: Hành trình Trường Sa kết nối người Việt khắp 5 châu