Mega Story

Bài 5: Vững vàng thế trận những “cột mốc mềm” an ninh trên biển

26/12/2023 11:13

Nếu trong chiến tranh, niềm vinh dự tự hào và đẹp đẽ nhất của người lính là trên trận tuyến đánh quân thù, thì trong thời bình cuộc đời đẹp nhất của các chiến sĩ Trường Sa là vững chắc tay súng canh biển trời Tổ quốc.

anh-bia-bai-5.png

Nếu trong chiến tranh, niềm vinh dự tự hào và đẹp đẽ nhất của người lính là trên trận tuyến đánh quân thù, thì trong thời bình cuộc đời đẹp nhất của các chiến sĩ Trường Sa là vững chắc tay súng canh biển trời Tổ quốc, đó là sứ mệnh thiêng liêng của người lính biển.

Ở Trường Sa, ngày ngày sóng vẫn rì rầm kể câu chuyện ngàn năm của biển và những người lính nơi đây, dù tuổi đôi mươi chưa từng hò hẹn vẫn ngày đêm kiên quyết gìn giữ biển đảo quê hương.

Khắc phục khó khăn, từng bước "thay da đổi thịt"

Trải qua bao mùa mưa nắng, vượt qua khắc nghiệt của thiên nhiên, Trường Sa vẫn hiển hiện giữa trùng khơi như một biểu tượng về ý chí kiên cường và sức sống mãnh liệt của quân và dân giữa biển khơi đầy bão tố. Vượt lên muôn vàn khó khăn, gian khổ, quân và dân huyện đảo Trường Sa vẫn bền bỉ từng ngày cho mục tiêu xây dựng huyện đảo giàu mạnh.

quote-1.png

Huyện đảo Trường Sa đang phát triển từng ngày, từng giờ hòa nhịp cùng sự phát triển của đất nước. Những mái ấm giữa trùng khơi tô điểm thêm cho bức tranh Trường Sa ngày càng đẹp và sống động, bức tranh khởi đầu của một vùng kinh tế mới.

Thượng tá Phạm Thế Nhương - Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa lớn cho biết những năm qua, với tinh thần chủ động, nỗ lực khắc phục khó khăn và bằng nhiều cách làm hay, cán bộ, chiến sỹ đảo Trường Sa luôn thực hiện tốt công tác tăng gia, chăn nuôi.

Năm 2022, đảo Trường Sa đã thu hoạch 16.380 kg rau xanh, bình quân 80,4kg/ người/năm, thịt các loại 1779 kg, bình quân 1,45kg/người/ tháng. Đến Quý I năm 2023, đảo Trường Sa đã thu hoạch trên 9.230 kg rau xanh, bình quân 7,5kg/ người/ tháng; 1799 kg, bình quân 1,45kg/người/tháng. Năm 2022, cán bộ chiến sĩ đã trồng 3.500 cây, quý I, năm 2023 trồng mới 650 cây.

Dù là đảo chìm, trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nhưng các chiến sĩ, cán bộ tại đảo Đá Tây B hoàn thành tốt công việc tăng gia sản xuất. Trong năm 2022, cán bộm chiến sỹ đã thu hoạch được 1.200kg rau củ quả.

Còn trên Nhà giàn DK-1/16 Phúc Tần, bên cạnh những chậu ranh xanh tươi tốt, hiện nhà giàn có 1 chú chó, 5 con lợn, 10 con vịt, 12 con gà. Hằng ngày, sau giờ huấn luyện, trực đài, các chiến sỹ trên nhà giàn tăng gia, chăm sóc cho đàn lợn, gà. Họ đã tận dụng các thùng xốp, tôn cũ… trồng thêm các loại hành, gừng, cà, ớt... nên các loại rau xanh và gia vị đều lên xanh tốt không khác gì so với đất liền.

Sắc xanh của Quần đảo Trường Sa gợi lên không gian bình yên của những làng quê Việt Nam và cũng là hiện thân cho ý chí, quyết tâm xây dựng quần đảo Trường Sa thành chốt tiền tiêu chiến lược của Tổ quốc.

Một màu xanh mướt của các loại cây và vườn rau được các chiến sỹ chăm sóc cẩn thận trên các đảo và nhà giàn. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)

Các anh đã vượt lên cuộc sống bằng những giọt mồ hôi và đôi vai người chiến sỹ. Bão gió khô cằn có thể làm cho nước da các anh chai sạm, nhưng không bao giờ làm phai nhạt niềm tin.

Vững tin những “cột mốc mềm” trên vùng biển, đảo

Trong giai đoạn hiện nay, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc và xây dựng Quân chủng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đặt ra yêu cầu cao hơn và đang được lớp lớp thế hệ những chiến sỹ trẻ tiếp tục duy trì.

Thượng úy Trần Ngọc Sáng - Phó Thuyền trưởng Tàu 571 cho hay anh nhập ngũ tháng 9/2012, sau khi học ở Học viện Hải quân 5 năm đến 7/2017 ra trường về công tác tại Lữ đoàn 955. Đến nay, Sáng đã có 5 năm công tác và thực hiện trên chuyến Tàu thực hiện nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa.

Sáng tâm sự: “Tôi là thế hệ trẻ trong lực lượng Hải quân Nhân dân Việt Nam học tập nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật nghiệp vụ và sẵn sàng khắc phục khó khăn để đưa thật nhiều chuyến tàu đảm bảo an toàn để đưa các đoàn quân và dân thăm động viên các chiến sỹ trên đảo Trường Sa.”

quote-sang.png

Thượng úy Sáng đang công tác, học tập rèn luyện tại Lữ đoàn 955. Anh cho biết bản thân còn trẻ nên luôn tích cực hàng ngày học tập, nỗ lực nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và rèn luyện ý chí chiến đấu với quyết tâm cao, sẵn sàng khắc phục khó khăn, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao để xây dựng lực lượng hải quân nhân dân vững mạnh để bảo vệ chủ quyền biển đảo. Sáng cảm thấy tự hào vì mình là một phần để đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chủ quyền biển đảo thời nay.

Sáng nhớ lại kỷ niệm đáng nhớ nhất vào tháng 8/2018, khi thực hiện chuyến đưa đoàn ra huấn luyện ở đảo Trường Sa gặp sóng gió lớn do áp thấp nhiệt đới. Khi đó, Sáng trực tiếp lái xuồng qua cơn sóng dữ để đưa chiến sỹ trên đảo gặp áp thấp nhiệt đới vào an toàn.

“Bản thân tôi là một quân nhân trong lực lượng hải quân nhân dân Việt Nam luôn nhận thức sâu sắc về tinh thần trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển đảo của lực lượng hải quân nói chung cũng như Lữ đoàn 955 nói riêng. Tôi nhận thức được quá trình của công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước là lâu dài, trong đó việc xây dựng một thế hệ trẻ một tinh thần không ngại hy sinh gian khổ, vượt qua mọi khó khăn để hàng ngày bám biển, bám đảo vững chắc tay súng, giữ gìn biển đảo biên cương của Tổ quốc là vô cùng quan trọng,” Trần Ngọc Sáng - Phó Thuyền trưởng Tàu 571 cho hay.

Giữa muôn trùng sóng gió, xa đất liền, cuộc sống còn nhiều khó khăn, những người lính hải quân nói riêng và của Quân đội Nhân dân Việt Nam vẫn luôn sáng lên tinh thần bất tử lấy “đảo là nhà, biển cả là quê hương.” Đó là những khẩu hiệu được treo trang trọng trên các đảo: “Đảo là nhà, biển cả là quê hương, quân dân trên đảo là anh em ruột thịt”; “Còn đảo, còn người, còn Tổ quốc”; “Xây dựng đảo mạnh về phòng thủ, tốt về lối sống, đẹp về cảnh quan môi trường”…

Ngày nay, lớp lớp những người lính trẻ vẫn tiếp tục nối tiếp nhau thực hiện sứ mệnh bảo vệ gìn giữ chủ quyền các vùng biển của Tổ quốc - là điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển, là phên dậu, là tai mắt của Việt Nam trên Biển Đông, giữ vững bình yên cho mọi người, mọi nhà.

quote-2.png

Với những người lính của Quân đội Nhân dân Việt Nam, dẫu vẫn biết chiến tranh hay thời bình nỗi vất vả gian lao bao giờ cũng đặt lên vai họ, song tất cả vì sự bình yên của nhân dân cả nước, vì chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, các chiến sỹ hải quân đã chấp nhận tất cả, sẵn sàng hy sinh quên mình.

Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Hùng - Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân nhấn mạnh trong bối cảnh hiện nay, cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực là cuộc đấu tranh lâu dài, khó khăn, phức tạp và nhạy cảm.

“Trong giai đoạn hiện nay, để hoàn thành nhiệm vụ được giao bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, ngoài sự nỗ lực, cố gắng, khắc phục khó khăn, sẵn sàng chiến đấu hy sinh của cán bộ, chiến sỹ hải quân nhân dân Việt Nam, rất cần sự quan tâm, động viên, giúp đỡ kịp thời của các cấp ban, bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương, các doanh nghiệp và các kiều bào ở nước ngoài… để có một Trường Sa ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn và xây dựng Hải quân nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và hiện đại. Làm sao để lực lượng hải quân thực sự là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc, xứng đáng với niềm tin yêu của cả nước,” Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Hùng nói.

Trên biển, những người lính luôn là chỗ dựa vững chắc, là lực lượng cùng ngư dân bám biển, sẵn sàng hỗ trợ ngư dân trong cuộc sống, lao động, khi gặp nạn trên biển. Bộ đội cùng nhân dân gìn giữ, bồi đắp và phát huy truyền thống văn hóa biển, đảo của cha ông, tạo thành những “cột mốc mềm” trên các vùng biển, đảo Tổ quốc.

Hiệu triệu những trái tim hướng về biển, đảo

Thời khắc chia tay tiễn các đoàn công tác ở quần đảo Trường Sa luôn để lại những cảm xúc trào dâng đầy cảm động. Trên cầu cảng đảo Trường Sa lớn vào đêm Đoàn công tác số 4 rời đi, không gian và thời gian dường như ngưng đọng khi quân dân trên đảo đứng thành hai hàng dài đối diện với mạn phải tàu 571.

Sau khi Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Hùng - Phó Tham mưu trưởng Hải quân (trưởng đoàn công tác) thay mặt đoàn cảm ơn và chúc sức khỏe quân dân Trường Sa thì bài hát "Vì nhân dân quên mình” và nhiều bài hát cách mạng được cất lên hùng tráng từ những người đang giữ đảo và cả đại biểu trên tàu cùng hưởng ứng.

quote-3.png

Khi đó là 21h40, đoàn lên tàu, cán bộ chiến sỹ, dân đảo chia tay bằng những bài hát, cả đoàn cùng hát rồi tàu nhổ neo rời bến.

Khi kíp điều khiển tàu 571 kéo những hồi còi báo hiệu rời cảng, không ai bảo ai, tất cả đại biểu đều ùa ra sát lan can tàu cùng hô vang: Cả nước yêu Trường Sa! Lập tức, hai hàng quân dân cũng hô vang đáp lời: Trường Sa vì Tổ quốc! Rồi “Chúng tôi yêu Trường Sa/Trường Sa vì Tổ quốc… Tạm biệt.” Cứ như vậy những tiếng hô vang rộn ràng khắp cầu cảng nối nhau không ngừng cùng những cánh tay vẫy mải miết...

Với nhiều người, khoảnh khắc chia tay ấy như một kỷ niệm đầy xúc động đặc biệt đi theo suốt đời, không thể nào quên được.

Video: Những "trái tim" hướng về biển, đảo:

Kết thúc chuyến hải trình ra thăm đảo Trường Sa, anh Lê Thanh Văn (ở Hà Nội) bộc bạch: Dù Đoàn công tác đã về đất liền, nhưng tất cả chúng tôi vẫn đang "say", say tình người, tình quân dân trên đảo xa ...! Mỗi người có cá tính riêng, nếp sống riêng, nghề nghiệp riêng... ở nhiều tỉnh hay nhiều nước khác nhau, nhưng Trường Sa đã gắn kết tất cả.

Trường Sa hôm nay không chỉ là pháo đài quân sự của Tổ quốc, nơi cửa ngõ biển Đông mà còn là một đại gia đình của những người lính đảo, của những người dân sinh sống tại đó, của những ngư dân can trường ngày đêm bám biển.

anh-bai-giang-2.png

Nơi đảo xa tiềm tàng một sức sống mãnh liệt, những vườn rau ở Trường Sa vẫn xanh trong cái mặn mòi của biển, những nụ cười người lính đảo vẫn tỏa sáng, ấm áp. Mặc dù điều kiện làm việc, sinh hoạt trên các điểm đảo hết sức khó khăn nhưng các chiến sỹ trên đảo vẫn luôn là chỗ dựa vững chắc cho ngư dân khi tham gia đánh bắt hải sản với phương châm người dân khi thấy đảo, thấy chiến sỹ là thấy nhà, thấy người thân của mình, nhằm củng cố hơn thế trận an ninh trên biển. Đó chính là điểm tựa vững chắc để những người lính dù khó khăn, gian khổ, trong bất cứ hoàn cảnh nào luôn chắc tay súng gìn giữ biển đảo của Tổ quốc.

Đến với Trường Sa, mỗi người có được những sắc thái, cung bậc tình cảm đan xen. Ở đó là những cái nắm tay siết chặt truyền lửa của tình quân dân, tình đồng chí/đồng đội, tình yêu quê hương biển đảo của đất nước hòa vào những bài ca đi cùng năm tháng hào hùng và cháy bỏng.

Ở bất cứ góc nào đó của con tàu hay trên các đảo đều có thể nghe thấy những thanh âm vang lên sôi nổi, hào hùng: “Ngày qua ngày, đêm qua đêm, chúng tôi đứng đây gìn giữ quê hương. Biển này là của ta, đảo này là của ta…”. Lên các đảo, từ những em bé mẫu giáo đến những người lính đảo, ai cũng thuộc nằm lòng và sẵn sàng cất cao tiếng hát, hòa chung vào sự kết nối, hiệu triệu những trái tim yêu Tổ quốc cùng hướng về biển, đảo quê hương./.

anh-bai-giang-1.png
tac-gia.png

(0) Bình luận
© Bản quyền thuộc về VietnamPlus, TTXVN.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bài 5: Vững vàng thế trận những “cột mốc mềm” an ninh trên biển