Kể từ khi được thành lập từ năm 1950 đến nay, trải qua 10 kỳ đại hội, Hội Nhà báo Việt Nam đã thực sự trở thành “ngôi nhà chung” của những người làm báo cả nước, không lúc nào xa rời định hướng của Đảng và Nhà nước; đặc biệt là trong giai đoạn nhiệm kỳ 5 năm vừa qua (2015-2020).

Trước thềm Đại hội lần thứ XI nhiệm kỳ 2021-2025, cùng nhìn lại chặng đường với nhiều dấu ấn gắn liền cùng sự nỗ lực không mệt mỏi của đội ngũ những người làm báo trên con đường làm nghề ở tất cả các “mặt trận” của đời sống xã hội như thiên tai, bão lũ, dịch bệnh… hay công cuộc chống tham nhũng, phản bác và đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc, thù địch, chống phá công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Báo chí dấn thân, báo chí cống hiến

Trong bối cảnh dịch COVID-19 hai năm qua, báo chí là một trong bốn lực lượng ở tuyến đầu. Cả hệ thống báo chí đã vào cuộc với tinh thần “chống dịch như chống giặc.” Các tòa soạn làm việc ngày đêm, ở đâu có hoạt động chống dịch, ở đó có phóng viên báo chí. Nhìn vào “bảng vàng” các giải báo chí quy mô quốc gia, rất nhiều giải thưởng lớn đã được trao cho các tác phẩm báo chí về đề tài chống dịch như “Đại dịch COVID-19: Thách thức và cơ hội” của tác giả Nguyễn Hữu Phùng Nguyên (Báo Nhân Dân) đạt giải A Giải báo chí quốc gia 2021; “Cả hệ thống chính trị vào cuộc, toàn dân đồng lòng chống dịch COVID-19” của nhóm tác giả Thông tấn xã Việt Nam đạt giải A Giải Búa liềm vàng 2020…

Nhìn lại hoạt động báo chí trong nhiệm kỳ vừa qua, điều khiến ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, tâm đắc nhất là “chúng ta đang có một một nền báo chí luôn đặt lợi ích đất nước, nhân dân lên hàng đầu, lấy đó làm tâm nguyện làm nghề. Dù làm việc trong điều kiện chống dịch nghiêm ngặt và bản thân các cơ quan báo chí cũng gặp khó khăn gay gắt về tài chính, nguồn thu giảm mạnh… song lực lượng báo chí không hề lùi bước. Không có cơ quan báo chí nào đứng ngoài cuộc.”

Ông Hồ Quang Lợi cho rằng báo chí chính thống không chỉ “dẹp loạn” tin giả mà còn tạo được sự áp đảo đối với thông tin không chính thống, hiên ngang đấu tranh với những tiêu cực trong đời sống xã hội.

Các tác phẩm báo chí mang tính chất phát hiện, là bước khởi đầu cho những cuộc điều tra sâu rộng, sau đó đã phanh phui được vụ án vô cùng nghiêm trọng, gây thất thoát cho nhà nước hàng nghìn tỷ đồng, như vụ án Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng, Nguyễn Đức Chung. Không những thế, báo chí còn theo đuổi đến cùng, làm sáng tỏ các vụ việc, không ngại “vùng cấm”…

Có thể khẳng định rằng, với trách nhiệm xã hội hết sức to lớn, trong những năm qua, báo chí đã tích cực tham gia công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng do Đảng lãnh đạo. Báo chí vừa tuyên truyền, chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về đấu tranh chống tham nhũng, vừa trực tiếp tham gia vạch trần không ít vụ án tham nhũng, tiêu cực, cung cấp nhiều thông tin quan trọng để cơ quan chức năng lấy làm căn cứ vào cuộc điều tra.

Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” do  Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức là minh chứng thể hiện sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước, của nhân dân đối với báo chí trong công cuộc đấu tranh chống tham nhũng; vừa tạo thêm động lực để báo giới tiếp tục sự nghiệp cao cả của mình.

Không phụ sự tin tưởng ấy, trong những năm qua, hàng loạt tác phẩm báo chí lớn về đề tài chống tham nhũng, lãng phí đã ra đời và được tôn vinh. Ở mùa giải đầu tiên, đã có 1.126 tác phẩm gửi về tham dự giải. Ở mùa giải thứ hai của Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” chứng kiến một cuộc “bứt tốc” về chất lượng các tác phẩm dự giải. Và năm nay, mùa giải thứ ba, mặc dù gặp nhiều tác động của dịch bệnh, song vẫn có hơn 1.181 tác phẩm của trên 100 cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương gửi dự thi.

Nhiều loạt bài đề tài chống tham nhũng, tiêu cực đã đạt giải thưởng báo chí về Phòng chống tham nhũng năm 2021 như: “Phía sau vụ thảm sát rừng nghiến cổ thụ khủng nhất Việt Nam” (Dân Việt) “Cấp ủy ở đâu, khi để xảy ra các đại án tham nhũng kinh tế?” (Đài Tiếng nói Việt Nam), “Sử dụng bằng giả để tiến thân: Chu trình sinh sôi nảy nở của tham nhũng” (Báo VietnamPlus)…

Nhiều nhà báo đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, nguy hiểm; vượt qua mọi cám dỗ, cạm bẫy và nỗi lo “cơm áo” thường ngày để dấn thân theo sát đến cùng các vụ việc, giúp các cơ quan chức năng làm rõ, xử lý nghiêm minh nhiều tổ chức, cá nhân có hành vi tham nhũng, tiêu cực; được nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.

Trên cơ sở đó, báo chí góp phần quan trọng cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta ngăn chặn, kiềm chế, đẩy lùi tình trạng tham nhũng, tiêu cực; củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước; huy động được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, xây dựng đất nước phát triển phồn vinh, hạnh phúc.

Nhà báo Hồ Quang Lợi. (Ảnh: TTXVN)

Trước những thành tựu đó, ông Hồ Quang Lợi bày tỏ: “Tôi rất tự hào vì những điều đó khi cảm nhận được rõ nét là tinh thần dấn thân, quả cảm, năng động sáng tạo của các đồng nghiệp trên khắp đất nước.”

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Nhà báo Hồ Quang Lợi ghi nhận đôi khi báo chí xuất hiện những thông tin thiếu chính xác, nhưng ngay sau đó đã kịp thời được chấn chỉnh, sửa chữa. Từng có một vài nhà báo lên mạng xã hội phát biểu thiếu xây dựng, sau đó đã được yêu cầu xử lý nghiêm. Ông khẳng định tin giả rất khó tác oai tác quái, vì thông tin chính thống luôn kịp thời, chính xác và hiệu quả. Đó là nhờ “báo chí cống hiến, báo chí dấn thân.”

Nhìn lại hành trình 5 năm vừa qua, ông cho rằng Hội Nhà báo Việt Nam đã xác định đúng những nhiệm vụ trọng tâm để tập trung thực hiện và luôn hiểu rằng sự “thiết thực, hiệu quả” chính là chìa khóa để thu hút, quy tụ hội viên.

Hội đã tổ chức nhiều sự kiện, hoạt động thiết thực, nhất là coi trọng công tác đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho báo giới cả nước.

“Có thể nói, bao trùm lên tất cả là quyết tâm đổi mới nội dung cũng như phương thức hoạt động để tạo nên sức sống mới cho hội. Bằng những hoạt động hiệu quả, có sức thu hút mạnh đối với hội viên và công chúng báo chí, vai trò, vị thế của Hội Nhà báo Việt Nam đối với đời sống báo chí và đời sống xã hội không ngừng được nâng cao,” Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ.

Chuyển đổi số mạnh mẽ

Chính trong bối cảnh nhiều thách thức, các tòa soạn đã có những bứt phá mạnh mẽ về mặt công nghệ để phục vụ các nhiệm vụ chống dịch đột xuất. Thực tế, nhiều cơ quan báo chí đã xây dựng thành công mô hình tòa soạn hội tụ, báo chí đa phương tiện. Phóng viên ra hiện trường có thể chủ động tác nghiệp đa dạng, vừa chụp ảnh, viết bài cho báo in đồng thời làm chương trình phát thanh-truyền hình và báo điện tử…

Chia sẻ một kỷ niệm trong nhiệm kỳ của mình, nhà báo Hồ Quang Lợi nhắc tới chuyến công tác cách đây 3 năm, ông cùng tổng biên tập 10 cơ quan báo chí đi thăm và học hỏi kinh nghiệm xây dựng toà soạn hội tụ ở một số tập đoàn báo chí lớn ở Vương quốc Anh.

“Sau chuyến đi đó, các tổng biên tập này đã triển khai khá hiệu quả mô hình tòa soạn hội tụ tại cơ quan của mình. Điều đó cho thấy mong muốn đưa hoạt động báo chí ngày càng chuyên nghiệp và hiện đại là mong muốn chung của các cơ quan báo chí hiện nay mà chuyển đổi số là con đường nhanh nhất, thực tế nhất để biến mong muốn đó trở thành hiện thực,” ông Lợi chia sẻ.

Nhà báo Hồ Quang Lợi cho rằng chuyển đổi số đang và sẽ mang lại cơ hội chưa từng có, mở ra chân trời phát triển mới cho hoạt động báo chí. Nhờ có chuyển đổi số, các sản phẩm báo chí sẽ ngày một đa dạng, phong phú và chất lượng hơn. Chuyển đổi số còn giúp tăng mạnh mẽ tính tương tác giữa người làm báo với công chúng, giữa cơ quan báo chí với các cơ quan hoạch định và điều hành chính sách. Ngoài ra, chuyển đổi số sẽ giúp công tác điều hành cơ quan báo chí cũng như ở các cấp Hội Nhà báo nhanh, trực tiếp và hiệu quả hơn.

Đơn cử, báo điện tử VnExpress có khoảng 48 triệu độc giả thường xuyên mỗi tháng, 5 triệu lượt bình luận, và hơn 10 tỷ lượt truy cập mỗi năm, trong đó 10% truy cập đến từ hơn 40 nước trên thế giới. Báo mới sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để xây dựng bản đồ dữ liệu COVID-19, đến nay đã đạt hơn 50 triệu lượt truy cập.

Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam ghi nhận rằng nhiều lãnh đạo tòa soạn đã trăn trở với chuyện lượng truy cập (view), thuê hẳn chuyên gia SEO về hướng dẫn phóng viên, biên tập viên, thư ký tòa soạn… và cũng có những đơn vị khá tích cực, áp dụng từ việc tăng nội dung video đến tính năng livestream trên Facebook, YouTube, TikTok.

Thế nhưng, ông Lợi cũng thừa nhận rằng đó là những tín hiệu vui song chưa đủ, bởi báo chí thế giới liên tục chuyển đổi từ phương thức này sang phương thức khác, từ chiến lược ưu tiên website (web-first) đến thiết bị di động (mobi-first) rồi tới ưu tiên cho thông tin lên mạng xã hội (social-first), chuyển từ chiến lược tăng lượng truy cập sang tăng mức độ tương tác rồi đến thu hút sự trung thành của độc giả để biến sự trung thành đó thành việc đăng ký thuê bao trả phí lâu dài. Rồi các xu hướng báo chí di động, báo chí dữ liệu, báo chí sáng tạo…

Ý tưởng thì nhiều nhưng nhà báo Hồ Quang Lợi cũng bày tỏ nỗi lo rằng dịch bệnh COVID-19 khiến nguồn thu của các cơ quan báo chí sụt giảm, việc đầu tư kinh phí cho chuyển đổi số dường như càng thêm khó khăn.

Ở Việt Nam, cơ quan báo chí có 3 nguồn thu chủ yếu là phát hành, bán sản phẩm báo chí, đăng quảng cáo và từ tổ chức sự kiện, cung ứng các dịch vụ xã hội, trong đó, nguồn thu lớn nhất từ đăng quảng cáo. Khi chưa có dịch COVID-19, tạo được nguồn thu từ quảng cáo cũng đã là khó khăn với nhiều cơ quan báo chí, nay thì khó khăn gấp bội. Nguyên nhân lớn nhất là các doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, do đó ít có nhu cầu và kinh phí cho quảng cáo, điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động tái sản xuất các sản phẩm báo chí.

Từ nỗi trăn trở này, ông Lợi nhấn mạnh rằng phương hướng hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong nhiệm kỳ tới sẽ là tập trung tìm giải pháp để báo chí phát triển bền vững, thích ứng với sự phát triển của thời đại mới và vượt qua những thách thức do dịch bệnh mang lại.

Tỏ rõ sức mạnh của báo chí

Nói về phương hướng hoạt động sắp tới, nhà báo Hồ Quang Lợi cho biết Hội Nhà báo Việt Nam sẽ tiếp tục đặt trọng tâm vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm báo chí, cải thiện trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho người làm báo trong thực hiện chuyển đổi số, làm chủ công nghệ để tỏ rõ sức mạnh, vai trò của báo chí với mạng xã hội, các nền tảng khác.

Hội Nhà báo Việt Nam sẽ tiếp tục đặt trọng tâm vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm báo chí, cải thiện trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho người làm báo trong thực hiện chuyển đổi số, làm chủ công nghệ để tỏ rõ sức mạnh, vai trò của báo chí với mạng xã hội, các nền tảng khác.

Ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam

Hội Nhà báo Việt Nam cũng sẽ phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa công cuộc chuyển đổi số ở các cơ quan báo chí; trong đó có việc tổ chức các cuộc hội thảo, lớp tập huấn, xây dựng các chính sách đề nghị Chính phủ hỗ trợ báo chí thực hiện tốt chuyển đổi số.

Năm 2021 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Chính vì vậy, việc tuyên truyền việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp là nhiệm vụ quan trọng của báo chí cả nước. Đây cũng là nhiệm vụ chính trị hàng đầu, thường xuyên, lâu dài, đặc trưng của báo chí chính thống. Lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam chủ trương các nhà báo cần tránh đưa tin sáo rỗng, dập khuôn, khô khan mà phải tuyên truyền sao cho người dân hiểu, nhớ và làm theo, như Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở các nhà báo: “Mỗi khi viết một bài báo, thì tự đặt câu hỏi: Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn dễ đọc?”

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, ông Lê Quốc Minh khẳng định nhiệm kỳ tới hội sẽ đổi mới hoạt động nhằm đáp ứng yêu cầu của thời đại mới trên mọi phương diện.

Cụ thể, Hội Nhà báo Việt Nam sẽ tuyên truyền cổ vụ việc thực hiện các nghị quyết của Đảng; triển khai đồng bộ các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng hoạt động báo chí; xây dựng bộ máy công tác Hội các cấp ngày càng phát triển; thực hiện công tác quản lý báo chí, bảo vệ quyền lợi của hội viên; tập trung nâng cao phẩm chất, năng lực của hội viên; tăng cường hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế; tăng cường các hoạt động xã hội, nêu cao tinh thần nhân văn của người làm báo cách mạng, tạo sự lan tỏa tốt đẹp trong xã hội…

Đóng góp ý kiến trước thềm nhiệm kỳ mới, các hội viên cũng bày tỏ kỳ vọng rằng lãnh đạo hội sẽ tạo ra một dấu mốc mới trên chặng đường phát triển của Hội Nhà báo Việt Nam.

Nhà báo Lê Quốc Trung, nguyên Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam giới thiệu về các hiện vật của Thông tấn xã Giải phóng trưng bày tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

“Chúng ta thấy hoạt động của hội vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế và hoạt động báo chí trong thời gian tới đang đứng trước nhiều khó khăn thách thức. Mong rằng Đại hội sẽ phân tích, đánh giá đầy đủ và tìm ra những giải pháp thích hợp để khắc phục và vượt qua,” Nhà báo Lê Quốc Trung, Nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, cho hay.

Nhà báo Lê Quốc Trung cũng đặt vấn đề nhiệm kỳ này là thời điểm mà những người làm báo cùng nhân dân cả nước triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: “Xây dựng nền báo chí truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại.”

“Đạt được mục tiêu này cũng chính là khắc khục những yếu kém hiện nay của báo chí nước ta. Đó là nhiệm vụ hết sức nặng nề của những người làm báo. Hội cần làm gì để giúp cho các hội viên nhà báo có đủ năng lực, trình độ hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình? Đó có thể là một trong những câu hỏi đặt ra cho các đại biểu dự Đại hội lần này và cũng là điều nhiều hội viên mong chờ từ Đại hội,” nhà báo Lê Quốc Trung chia sẻ.

Nhà báo Vũ Việt Trang, Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Nói về kỳ vọng của mình, nhà báo Vũ Việt Trang, Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam cho rằng Hội Nhà báo Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ hơn với các Liên Chi hội và Hội Nhà báo thành viên trong việc tổ chức các hình thức sinh hoạt thiết thực hơn nhằm nâng cao trách nhiệm xã hội của hội viên, khẳng định vai trò xung kích của người làm báo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

“Để hội ngày càng có sức thu hút với hội viên, tạo động lực trong hoạt động tác nghiệp, tôi mong rằng trong nhiệm kỳ XI, hội cần chủ động hơn để cảnh báo các nhà báo về những nguy hiểm, thực thi các biện pháp giảm thiểu rủi ro nghề nghiệp cũng như kịp thời có tiếng nói chính thức bảo vệ hoạt động tác nghiệp đúng pháp luật của hội viên,” bà Vũ Việt Trang bày tỏ.

Bà nói thêm rằng Liên Chi hội Nhà báo Thông tấn xã Việt Nam sẵn sàng phối hợp chặt chẽ với Hội Nhà báo Việt Nam cũng như các Hội Nhà báo tỉnh, thành phố trong nhiều hoạt động nghề nghiệp.

“Trong thời đại hội nhập quốc tế ngày nay, Thông tấn xã Việt Nam xác định phải chủ động và tích cực tham gia sân chơi quốc tế, với tư cách là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Đây chính là biện pháp thiết thực để những hội viên Hội Nhà báo Việt Nam trưởng thành trong hội nhập,” bà nói./.

Minh Thu
Minh Thu