Năm 2021 đã qua với nhiều sự kiện vô cùng “đáng nhớ” của ngành giáo dục khi nguyên một học kỳ học sinh đã phải duy trì học trực tuyến. Nhiều khó khăn và cả thách thức đối với thày cô và trò trong một năm học mới vẫn còn nhiều thắc thỏm dù đã có những tín hiệu mới.

Trước thềm năm mới 2022, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã có những chia sẻ về những dự định của ngành trong năm tới.


‘Tái thiết’ giáo dục sau đại dịch

Thưa Bộ trưởng, ngành giáo dục và đào tạo đã trải qua năm 2021 nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Năm 2022, Bộ trưởng nhận định tình hình của ngành sẽ như thế nào?

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Hai năm ứng phó với dịch bệnh COVID-19 là quãng thời gian ngành giáo dục phải triển khai việc dạy và học với rất nhiều thách thức và khó khăn. Tác động động tiêu cực của dịch bệnh đến việc dạy và học nói riêng và toàn ngành giáo dục nói chung là điều không thể tránh khỏi.

Thực hiện kế hoạch năm học 2021 – 2022 của ngành giáo dục Hà Nội, ngày 6/9/2021 (một ngày sau lễ khai giảng) các nhà trường đã triển khai tổ chức dạy học trực tuyến theo thời khóa biểu.

Trước yêu cầu cần phải thích nghi hiệu quả với dịch bệnh, ngành giáo dục đã chuyển trạng thái, tập trung làm tốt cả hai việc: đảm bảo chất lượng giáo dục và phòng chống dịch an toàn. Những quyết sách của ngành nhằm triển khai kế hoạch chuyển đổi lâu dài để thích ứng với dịch bệnh đồng thời trong ngắn hạn, tại mỗi địa phương, kế hoạch và hoạt động dạy học cần phải có những giải pháp đa dạng, linh hoạt, phù hợp với bối cảnh, thời điểm trên cơ sở đảm bảo các tiêu chuẩn chuất lượng về kiến thức, kỹ năng cần thiết mà người học cần phải đạt được.

Bước vào năm 2022, có thể thấy dịch bệnh sẽ còn diễn biến rất phức tạp, khó lường và chưa biết hồi kết sẽ là lúc nào. Vì thế, tôi nghĩ rằng những khó khăn, thách thức đối với ngành giáo dục chắc chắn sẽ còn nhiều và thậm chí là lớn hơn đang chờ phía trước.

Những lớp học vắng bóng học sinh vì dịch COVID-19 trong năm 2021. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)

“Tôi nghĩ rằng những khó khăn, thách thức đối với ngành giáo dục chắc chắn sẽ còn nhiều và thậm chí là lớn hơn đang chờ phía trước”

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn

Trên cơ sở khảo sát, đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương, chuyên gia… có thể thấy, sau một thời gian dài nhiều địa phương do dịch bệnh chuyển sang dạy học trực tuyến đã phần nào duy trì nhịp độ học tập và bảo đảm tiến độ. Tuy nhiên, nếu kéo dài hơn việc dạy học gián tiếp với các hình thức qua Internet, trên truyền hình, thì tác động tiêu cực sẽ lớn dần, ảnh hưởng đến chất lượng dạy học cũng như sức khỏe thể chất, tinh thần của cả người dạy, người học và các đối tượng liên quan.

Đến thời điểm này, khi tỷ lệ tiêm vaccine trong cộng đồng cao, trong đó có đối tượng học sinh từ 12 đến dưới 18 tuổi; kinh nghiệm phòng chống dịch, điều kiện y tế dự phòng, thuốc chữa được tăng cường; chúng ta có đầy đủ căn cứ, kinh nghiệm, điều kiện để quyết tâm thúc đẩy mạnh mẽ hơn việc đưa học sinh quay trở lại trường học. Đây không chỉ là chuyện mở cửa trường học mà còn là củng cố, tái thiết giáo dục sau dịch bệnh.

Chúng ta phải rà soát, đánh giá kinh nghiêm phòng chống dịch trong hai năm vừa qua, đánh giá những tác động tiêu cực và dự đoán trước những tác động còn lớn hơn nữa, điều chỉnh biện pháp ứng phó trên cơ sở kinh nghiệm đã có để tiếp tục có những giải pháp phù hợp, tiếp tục kiên trì ở mục tiêu chất lượng.

Tôi nghĩ rằng ngành giáo dục phải xác định năm tới là năm thách thức còn lớn hơn đối với cả ngành, đối với công tác chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như đối với từng thầy, cô giáo viên và từng học sinh. Toàn ngành chúng ta cần phải cố gắng, nỗ lực để có một năm thực hiện thành công mục tiêu vừa đảm bảo an toàn trước dịch bệnh, vừa đảm bảo chất lượng dạy học.

– Dự đoán nhiều khó khăn, vậy ngành giáo dục sẽ triển khai những vấn đề trọng tâm nào để khắc phục và hoàn thành các nhiệm vụ, đảm bảo mục tiêu giáo dục chất lượng, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Năm 2022 sẽ là năm ngành giáo dục tập trung rà soát, đánh giá, rút ra những kinh nghiệm phòng chống dịch trong hai năm qua, qua đó điều chỉnh các biện pháp ứng phó phù hợp với tình hình mới và tiếp tục kiên trì mục tiêu chất lượng.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chủ trì và phối hợp với Bộ Y tế tổ chức hội nghị với tất cả các tỉnh thành trên cả nước về việc sớm đưa học sinh trở lại trường học trực tiếp ngay sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần. (Ảnh: Bộ GD-ĐT)

Trong năm 2022 ngành giáo dục sẽ triển khai nhiều việc lớn, trong đó chúng tôi đang hoàn thiện để ban hành Chiến lược phát triển giáo dục đào tạo năm 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2045.

Năm 2022 cũng là năm quan trọng triển khai tiếp nối đổi mới giáo dục, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 với lớp 3, lớp 7, lớp 10. Công việc còn rất nhiều ở phía trước nhưng lại phải triển khai trong tình hình dịch bệnh, vì vậy nỗ lực phải nhiều hơn. Trong số đó, ngành giáo dục sẽ tập trung tăng cường các điều kiện đảm bảo triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 như đội ngũ nhà giáo, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học.

“Năm 2022 sẽ là năm ngành giáo dục tập trung rà soát, đánh giá, rút ra những kinh nghiệm phòng chống dịch trong hai năm qua, qua đó điều chỉnh các biện pháp ứng phó phù hợp với tình hình mới và tiếp tục kiên trì mục tiêu chất lượng.”

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn

Với giáo dục đại học, trong năm 2022 tiếp tục hoàn thiện, thực hiện chất lượng sâu hơn, đầy đủ hơn, thực chất hơn đối với tự chủ đại học, để từng bước hướng đến đào tạo nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.

Ngoài ra, còn các vấn đề như đảm bảo số lượng và chất lượng giáo viên, quy hoạch hệ thống các trường đại học, cao đẳng và toàn bộ hệ thống giáo dục nói chung cũng đều là những công việc rất lớn đặt ra cho ngành.

Ngành giáo dục cũng sẽ quan tâm bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục và đáp ứng nhu cầu học tập cho các đối tượng yếu thế. Đương nhiên, cùng với chủ trương chung của cả nước, việc chuyển đổi số để thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng là những vấn đề lớn mà chúng tôi phải quan tâm trong thời gian sắp tới.

Sẽ có đột phá trong chuyển đổi số

– Thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục trong giáo dục là việc đặc biệt thiết thực trong bối cảnh hầu hết các địa phương trong cả nước đều đang phải triển khai dạy và học trực tuyến vì dịch COVID-19. Bộ trưởng có thể chia sẻ cụ thể hơn về trọng tâm triển khai vấn đề này của ngành trong năm tới?

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Ngành giáo dục xác định ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số là một trong những khâu có tính đột phá, hướng đến tạo ra những thay đổi quan trọng trong giáo dục và đây là công việc không phải một sớm một chiều có thể thực hiện được, song cần phải bắt đầu ngay và phải được làm thường xuyên.

Bộ Giáo dục và Đào tạo tập huấn cho giáo viên về dạy học trực tuyến. (Ảnh: Bộ GD-ĐT)

Để thực hiện chuyển đổi số, trước hết từ những người làm công tác quản lý, hoạch định chính sách, tới giáo viên, học sinh, phụ huynh phải thấy hết tiện ích, lợi thế của chuyển đổi số, từ đó có hướng cho những tiện ích, lợi thế được thể hiện. Với giáo dục, đó là quản trị tốt hơn, người dạy thuận tiện hơn, việc học chất lượng hơn. Tiện ích của chuyển đổi số không thể rao giảng là có thể làm thay đổi được tư duy của bất kỳ ai, chỉ khi tự thân người trong cuộc thấy được tiện ích, lợi thế của nó, lúc đó họ sẽ nhập cuộc.

Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng Đề án Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số với mục tiêu thúc đẩy đổi mới mạnh mẽ phương thức dạy và học, quản lý nhà nước về giáo dục và quản trị nhà trường, góp phần tạo chuyển biến về chất lượng và hiệu quả của hệ thống giáo dục quốc dân, hình thành nền tảng số cho xã hội học tập, tạo cơ hội tiếp cận giáo dục chất lượng tốt với chi phí thấp cho người dân, góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Đề án sẽ được lấy ý kiến tham góp của chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học, nhà giáo… trước khi ban hành và tổ chức thực hiện.

Sẽ có rất nhiều khó khăn đặt ra cho quá trình thực hiện chuyển đổi số của ngành giáo dục, trong đó bao gồm cả việc hình thành và nâng cao nhận thức, tư duy, năng lực, văn hóa số cho những người tham gia vào quá trình đó. Tuy nhiên, chuyển đổi số là một quá trình cần có thời gian và lộ trình cụ thể, ngành giáo dục sẽ từng bước hiện thực hóa các mục tiêu đặt ra.

Cụ thể, ngành sẽ tập trung xây dựng hạ tầng, nguồn dữ liệu, vấn đề sử dụng và khai thác để phục vụ việc đổi mới dạy và học đồng thời cũng chính là những việc thiết thực trong ứng phó với dịch bệnh. Với hoàn cảnh hiện nay thì ngành sẽ ưu tiên cho hạ tầng công nghệ, trang thiết bị và quản trị phù hợp đặt trên nền tảng số đề ưu tiên để giải quyết được nhiều mục tiêu trong thời gian sắp tới.

Giáo viên quận Đống Đa (Hà Nội) học cách ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy. (Ảnh: CTV)

“Ngành sẽ tập trung xây dựng hạ tầng, nguồn dữ liệu, vấn đề sử dụng và khai thác để phục vụ việc đổi mới dạy và học đồng thời cũng chính là những việc thiết thực trong ứng phó với dịch bệnh.”

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn

– Một năm với dự báo sẽ có rất nhiều khó khăn và rất nhiều việc phải làm, nhiều nhiệm vụ phải triển khai, Bộ trưởng có nhắn nhủ gì đến các cán bộ, giáo viên và học sinh trong toàn ngành trước thềm năm mới?

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Năm 2022 là một năm có nhiều nhiệm vụ đặt ra với ngành và sẽ tiếp tục là một năm khó khăn với ngành giáo dục do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và những tác động hậu COVID-19. Tôi mong rằng các thầy cô giáo, các em học sinh sẽ tiếp tục nỗ lực hơn nữa để kiên trì mục tiêu chất lượng giáo dục. Ngành giáo dục mong sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, sự phối hợp của cấp, các ngành ở trung ương và địa phương. Đặc biệt, sự đồng hành, hợp tác, chia sẻ của các bậc phụ huynh và toàn xã hội sẽ là động lực quan trọng để ngành giáo dục hoàn thành được những nhiệm vụ đặt ra cho năm 2022 và cho những năm tiếp theo.

Nhân dịp Xuân mới, tôi xin chúc toàn thể các thầy giáo, cô giáo, những người làm công tác giáo dục và các bạn học sinh, sinh viên, học viên một năm mới sức khỏe, hạnh phúc, và bình an!

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Mai Phạm
Mai Phạm

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn mong toàn ngành nỗ lực và phụ huynh, xã hội đồng hành trong một năm còn nhiều khó khăn phía trước vì hạnh phúc của học sinh.