Nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã có những chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus về những vấn đề thiết yếu với nhà giáo như lương, phụ cấp, môi trường làm việc…

  • Trước hết, xin được chúc mừng Bộ trưởng nhân 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11! Kính chúc Bộ trưởng luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công! Thưa Bộ trưởng, ông có thể chia sẻ về ngày lễ đặc biệt này?

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Ngày 20/11 không chỉ là một ngày lễ tôn vinh, tri ân nghề giáo mà còn thể hiện một tinh thần – tinh thần của một quốc gia, một dân tộc vốn có truyền thống hiếu học, coi trọng sự học, coi trọng tri thức. Trong đó, sự học được tôn vinh và vai trò của người thầy được đặt ở một vị trí đặc biệt.

Cũng không phải đến bây giờ ngày 20/11 mới là dịp thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo. Trước đây khi chưa có 20/11 chưa được chính thức công nhận là Ngày Nhà giáo Việt Nam thì nét truyền thống này đã được thể hiện bằng nhiều cách khác nhau và tinh thần đó luôn là dòng chảy lớn trong lịch sử phát triển của dân tộc, của giáo dục và của nghề giáo.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn (đứng thứ hai từ phải sang) kiểm tra công tác tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông và động viên các thầy, cô giáo trong hội đồng thi. (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Năm 1982, ngày 20/11 chính thức được công nhận là Ngày Nhà giáo Việt Nam. Theo đó, cứ đến dịp 20/11, tinh thần và truyền thống biết ơn, tri ân nhà giáo lại được tập trung và hội tụ. Tôn vinh nghề giáo và các thầy cô giáo đã trở thành nét văn hóa, nét tinh thần, nét đẹp trong quan hệ, trong ứng xử của người Việt Nam.

  • Thưa Bộ trưởng, nghề giáo được coi là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nhưng tình trạng giáo viên bỏ việc, chuyển việc, giáo viên lương thấp tái diễn nhiều năm nay. Bộ trưởng cũng như ngành giáo dục sẽ có giải pháp, đề xuất gì để giải quyết vấn đề trên, giúp giáo viên yên tâm cống hiến?

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Theo thống kê từ các địa phương, trong 10 tháng năm 2022, cả nước có hơn 16.000 giáo viên bỏ việc, nghỉ việc, chuyển việc. Bình quân cứ 100 nhà giáo thì một người ra khỏi ngành. Con số này chiếm khoảng 1% lực lượng nhà giáo nói chung (gồm cả công và tư).

Con số này phát sinh phần lớn là bậc mầm non và tiểu học, xảy ra chủ yếu ở TP. HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An… những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh COVID-19. Một phần trong số đó bị buộc chuyển việc bất đắc dĩ vì gần 1.000 cơ sở mầm non, cả quy mô trường và nhóm trẻ giải thể, đóng cửa nên gọi nhóm này là mất việc làm thì chính xác hơn, số này khoảng hơn 2.000. Số khác mất việc tạm thời và đã làm việc trở lại khi 1.560 cơ sở nhóm trẻ tư thục hoạt động trở lại dịp đầu năm học vừa rồi.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đến thăm nhiều nhà trường và động viên các thầy, cô giáo, học sinh và phụ huynh. (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Nhìn chiều cạnh khác, như vậy, 99% nhà giáo trên khắp đất nước vẫn đang bám trường, bám lớp cùng học sinh. Số đông vẫn đang khắc phục khó khăn, đảm bảo việc dạy và học cùng các hoạt động của nhà trường. Phần tuyệt đại bộ phận vẫn không ngừng phấn đấu vươn lên, đổi mới, tự đổi mới, đương đầu với thách thức và yêu cầu ngày càng cao của việc dạy học và kiểm tra đánh giá… Đây là điều cần ghi nhận và đánh giá cao, không bởi 1% giáo viên vì nhiều lý do khác nhau rời nghề mà giảm đi niềm tin hoặc có cái nhìn ảm đạm về nghề giáo, …

Tuy nhiên, số giáo viên nghỉ việc, chuyển việc cũng cảnh báo chúng ta nhiều điều, rằng cần quan tâm hơn tới nhà giáo, đặc biệt là giáo viên mầm non và tiểu học, quan tâm hài hòa cả tới đội ngũ giáo viên cả hệ thống công và tư. Trong đó có đòi hỏi phải cấp bách tăng lương và phụ cấp ưu đãi cho giáo viên.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất điều chỉnh phụ cấp ưu đãi cho giáo viên bậc mầm non. Hiện nay, phụ cấp ưu đãi của giáo viên mầm non đang tính 35%, nếu tốt nhất tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non tương tự như phụ cấp ưu đãi của y tế cấp cơ sở, nếu không thì cũng tối thiểu tăng 35% lên 70% ngang với mức ưu đãi cũ của y tế cơ sở.

Trong điều kiện kinh tế của đất nước còn khó khăn, để cải thiện đời sống, nâng lương cho một bộ phận chiếm hơn 70% viên chức cả nước sẽ phải từng bước cải thiện dần. Tuy nhiên, trong chừng mực có thể, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ chính là nguồn động viên đối với lực lượng nhà giáo.

Có rất nhiều yếu tố để giáo viên gắn bó với nghề chứ không chỉ vấn đề về lương. Đó còn là vấn đề về cơ hội phát triển nghề nghiệp, phát triển chuyên môn, vấn đề về môi trường làm việc, môi trường học đường, nguyên tắc, thái độ của học sinh, phụ huynh, xã hội và cả tâm thái nghề nghiệp của giáo viên. Tất cả những điều đó cần phải có những bước chăm lo, cải thiện để nhà giáo có thể gắn bó hơn với nghề.

  • Vâng thưa Bộ trưởng, môi trường làm việc đúng là một trong những vấn đề rất quan trọng và giáo viên luôn mong muốn một môi trường làm việc dân chủ, giảm bớt hồ sơ, sổ sách, các cuộc thi. Bộ trưởng có thể cho biết vấn đề này đã và sẽ được triển khai như thế nào trong thời gian tới để giảm áp lực cho giáo viên?

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Để giảm áp lực cho nghề giáo, ngành Giáo dục sẽ tiếp tục quan tâm cải thiện môi trường làm việc, tăng cường quản trị trường học, điều lệ nhà trường và nâng cao văn hóa học đường. Môi trường làm việc thuận lợi cũng là một yếu tố quan trọng để thầy cô giáo phát huy tốt năng lực, sở trường và thực hiện tốt trách nhiệm của nhà giáo.

Bộ sẽ rà soát các chế độ chính sách quy định về quản trị làm việc, hoạt động chuyên môn, phát triển bản thân, giảm những công việc hành chính ngoài chuyên môn cho giáo viên.

Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang hoàn thiện hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo, sẽ chuyển Bộ Tư pháp thẩm định và trình Chính phủ theo quy định. Với ý nghĩa và tầm quan trọng của dự án Luật này, quá trình xây dựng, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ nghiên cứu, xem xét đầy đủ các khía cạnh của nghề nhà giáo để có thể đưa ra các chính sách tốt đối với đội ngũ nhà giáo.

Bộ trưởng dự lễ kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông Thực nghiệm Khoa học giáo dục. (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Đổi mới giáo dục là việc tất yếu phải làm theo Nghị quyết của Trung ương, do đó, ngành tính toán hỗ trợ tối đa để giáo viên có thể điều chỉnh bản thân, thích ứng được yêu cầu, phương pháp dạy học, tiếp cận chương trình, sách giáo khoa, cách kiểm tra, đánh giá, tương tác với học sinh. Đây là thay đổi lớn nên cần quá trình, ngành giáo dục và nhà trường phải hỗ trợ, chia sẻ thì giáo viên mới có thể hoàn thiện, phục vụ tốt cho công việc.

Đặc biệt, về phía xã hội, phụ huynh, học sinh cũng cần sự chia sẻ, đồng hành với giáo viên và sự chia sẻ, đồng hành này cũng là tốt cho học sinh.

  • Liên quan đến triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, vẫn còn những khó khăn đặt ra như tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, thiếu giáo viên dạy các môn học mới. Bộ trưởng có thể cho biết ngành sẽ có giải pháp gì để gỡ khó cho vấn đề này?

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, có rất nhiều việc phải làm, trong đó có một phần việc quan trọng là tập huấn, hỗ trợ cho lực lượng giáo viên. Tập huấn có nhiều phương diện. Bộ Giáo dục và Đào tạo có một chương trình lớn để triển khai tập huấn cho lực lượng giáo viên cốt cán, qua lực lượng giáo viên cốt cán sẽ có tập huấn lan tỏa cho hệ thống. Còn có các cuộc giao ban, trao đổi, hội nghị triển khai điểm mới trong Chương trình giáo dục phổ thông.

Các hoạt động hỗ trợ giáo viên về môn học mới, phương pháp mới cần nhiều thời gian, kéo dài theo cả quá trình. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bên cạnh đó, đối với từng bộ sách giáo khoa, từng lớp trong quá trình thay sách giáo khoa mới của chương trình mới, các nhà xuất bản, các nhóm tác giả sách cũng có trách nhiệm phải tập huấn, hướng dẫn cho giáo viên quá trình sử dụng sách.

Có rất nhiều việc mà chúng tôi đã, đang và sẽ làm để có thể tiếp tục hỗ trợ lực lượng giáo viên, đặc biệt là về các môn học mới và những phương pháp mới. Tuy nhiên, đây không phải là câu chuyện một sớm, một chiều có thể giải quyết hết được mà cần phải có quá trình.

Để giải quyết vấn đề thiếu giáo viên dạy các môn học mới, chúng tôi đã kiến nghị với Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong việc sắp xếp một lượng biên chế giáo viên có thể tuyển dụng để đáp ứng căn bản số lượng này. Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã năng động, linh hoạt huy động các nguồn nhân lực có trình độ, phù hợp, tăng cường kỹ năng sư phạm để lực lượng này tham gia giảng dạy, nhất là đối với môn Tin học và môn Ngoại ngữ.

Có rất nhiều việc mà chúng tôi đã, đang và sẽ làm để có thể tiếp tục hỗ trợ lực lượng giáo viên, đặc biệt là về các môn học mới và những phương pháp mới.

Đối với các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa vốn khó khăn trong thu hút nguồn tuyến, cần phải có thêm các chính sách đặc thù để thu hút giáo viên, đáp ứng yêu cầu giảng dạy. Các trường đào tạo sư phạm cần mở rộng hơn quy mô đào tạo giáo viên các môn học này. Các địa phương thực hiện theo Nghị định 116 cũng phải cần tích cực hơn nữa trong việc đặt hàng để đào tạo giáo viên.

  • Nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, Bộ trưởng có chia sẻ, nhắn nhủ gì tới hàng triệu giáo viên trên cả nước, những người đã và đang miệt mài cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”?

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Có thể nói, ngành giáo dục đang đứng trước nhiều nhiệm vụ rất nặng nề, những thách thức rất lớn mà sự nghiệp đổi mới giáo dục đặt ra. Vì vậy, tôi mong rằng, mỗi nhà giáo chúng ta sẽ cố gắng vượt qua được những thách thức, hoàn thành sứ mệnh. Khi làm được điều đó thì vinh quang của nghề giáo sẽ được xã hội ghi nhận, tôn vinh. Bên cạnh đó, mỗi chúng ta cũng cần không ngừng cố gắng nâng cao trình độ về chuyên môn, đổi mới về kỹ năng của bản thân để hoàn thành tốt nhất các nhiệm vụ.

Nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, tôi gửi tới các thầy cô giáo lời chúc mừng tốt đẹp, mong các thầy cô sẽ có ngày kỷ niệm thật vui và ý nghĩa.

  • Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ nhân ngày 20/11