Mega Story

'Chiến thắng Điện Biên Phủ luôn để lại nhiều cảm xúc trong lòng người dân Algeria'

03/05/2024 15:35

Ở tuổi 90, mạnh khỏe và minh mẫn, Djoudi Noureddine, Chủ tịch Hội những người bạn quốc tế của cách mạng Algeria, đã dành cho phóng viên VietnamPlus một buổi trò chuyện thú vị về sức ảnh hưởng của chiến thắng Điện Biên Phủ và mối liên hệ gắn kết giữa hai cuộc cách mạng của Algeria và Việt Nam.

cth.png

Ở tuổi 90, mạnh khỏe và minh mẫn, Djoudi Noureddine, Chủ tịch Hội những người bạn quốc tế của cách mạng Algeria, đã dành cho phóng viên VietnamPlus một buổi trò chuyện thú vị về sức ảnh hưởng của chiến thắng Điện Biên Phủ và mối liên hệ gắn kết giữa hai cuộc cách mạng của Algeria và Việt Nam.

Djoudi Noureddine là một nhân vật rất có uy tín tại Algeria. Ông là một cựu chiến binh, nhà ngoại giao, nguyên đại sứ đầu tiên của Algeria tại Nam Phi và hiện tại là Chủ tịch Hội những người bạn quốc tế của cách mạng Algeria. Vào đầu những năm 1950, từ khi còn là sinh viên, ông đã từng tham gia nhiều hoạt động cách mạng với tư cách là người của Đảng Mặt trận Giải phóng Dân tộc Algeria (FLN) tại các nước như Pháp, Anh và sau đó là ở Mỹ và Maroc.

Cách mạng Việt Nam và Algeria có sự liên hệ chặt chẽ

- Đối với người dân Việt Nam và Algeria, chiến thắng Điện Biên Phủ có ý nghĩa vô cùng to lớn trong tiến tình cách mạng, giải phóng dân tộc. Xin ông chia sẻ những cảm nghĩ của mình về sự kiện này?

Ông Djoudi Noureddine: Quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Algeria là mối quan hệ có truyền thống và sâu sắc. Thật vậy, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh thực hiện chuyến hành trình vòng quanh thế giới trước khi bắt đầu cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, Người đã đăng một bài báo trên tờ báo đầu tiên vào thời điểm đó có tên là “Ngôi sao Bắc Phi” của Messali El-Hadj và Người cũng đã đến Algeria để tự mình xem xét tình hình. Hơn nữa, đối với Algeria, tháng Năm là một tháng rất đặc biệt, mang lại cho chúng tôi cảm xúc sâu sắc và có sự trùng hợp kỳ lạ với mốc thời gian của Việt Nam.

Video Phỏng vấn Chủ tịch Hội những người bạn của cách mạng Algeria

Ngày 8/5/1945, thực dân Pháp đã dùng xe tăng, máy bay ném bom thảm sát tại Algeria, đặc biệt tại các thành phố Guelma, Sétif. Cuộc thảm sát đã làm hơn 80.000 người bị thương và chết. Chín năm sau, tháng 5/1954, chúng tôi đã nghe tin chiến thắng Điện Biên Phủ, quân đội Pháp bị thất trận. Khi biết chiến thắng này, chúng tôi cảm thấy có gì đó rất đặc biệt và cảm xúc. Trước tin đội quân của Tướng Giáp đã đè bẹp quân đội Pháp, chúng tôi cảm giác như đã được trả thù cho mối hận năm 1945. Đối với chúng tôi, chiến thắng Điện Biên Phủ là một nguồn cổ vũ động viên to lớn bởi vì Việt Nam đã chứng minh cho toàn thế giới thấy rằng một đất nước nhỏ bé, một quốc gia thuộc địa nhỏ bé, một dân tộc nhỏ bé vẫn có thể đánh bại một cường quốc quân sự.

Hơn nữa, trong cuộc chiến tranh Việt Nam với Mỹ, khi cựu tổng thống Houari Boumédiène tiếp Norodom Sihanouk, thì Sihanouk đã nói chuyện về chiến tranh Việt Nam và nói rằng Mỹ xem các nước nhỏ châu Á không phải là đối trọng của họ. Khi nói như thế ông ấy đã quên mất rằng bộ óc của Tướng Giáp thông minh hơn các máy móc của tướng Westmoreland rất nhiều. Như vậy, lịch sử đã cho thấy giữa Algeria và Việt Nam có mối liên hệ từ rất lâu và mang tính đặc thù và mối quan hệ hai nước luôn được tăng cường từ đó cho đến nay.

- Ông có thể cho biết rõ hơn tại sao chiến thắng Điện Biên Phủ là nguồn cổ vũ động viên to lớn đối với Algeria?

Ông Djoudi Noureddine: Thực dân Pháp có tính kiêu căng và coi thường các nước thuộc địa. Ví dụ, họ nói rằng đất nước Algeria không tồn tại và chính Pháp đã tạo ra Algeria. Họ muốn xóa bỏ lịch sử lâu đời của Algeria trong khi Algeria từng là một cường quốc quân sự ở Địa Trung Hải hai thế kỷ trước công nguyên, nhưng thực dân Pháp muốn xóa bỏ hết. Đối với Việt Nam, họ cũng muốn làm điều tương tự. Họ không bao giờ nói về Việt Nam, mà chỉ nói về Đông Dương hay chỉ nói đến hai nước lớn là Trung Quốc và Ấn Độ, nhưng họ đâu biết Việt Nam đã có một nền văn minh tồn tại lâu đời, khi mà Châu Âu mới còn ở thời Trung Cổ, còn ở giai đoạn man rợ. Đây chính là một nét tương đồng giữa hai nước.

Chúng tôi đã từng chuẩn bị lực lượng cho cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc nhưng thực dân Pháp đã đập tan tổ chức kháng chiến. Vào thời điểm chiến thắng Điện Biên Phủ diễn ra vào năm 1954, chúng tôi chỉ có một tiểu đoàn quân sự mà chúng tôi gọi là tiểu đoàn 22 và chính tiểu đoàn này đã quyết định kêu gọi kháng chiến và chọn ngày khởi nghĩa. Lúc đó, có hai luồng ý kiến khác nhau về việc chọn ngày. Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng cần thêm thời gian chuẩn bị, luồng ý kiến thứ hai thì lại cho rằng không chờ đợi thêm gì nữa, phải tiến hành kháng chiến nhanh bởi vì cần phải chớp thời cơ, tận dụng tâm lý thất bại của thực dân Pháp tại Điện Biên Phủ. Chính vì vậy chúng tôi đã quyết định tiến hành kháng chiến ngay lập tức vào ngày 01/11/1954 khi quân đội Pháp vẫn còn đang bị sốc vì thất bại ở Điện Biên Phủ.

Đương nhiên chúng tôi tiến hành kháng chiến một cách trực diện mặc dù về tương quan lực lượng, chúng tôi không có nhiều vũ khí trong khi thực dân Pháp lại là một cường quốc quân sự, được NATO và các nước liên minh hỗ trợ. Nhưng họ đã quên một điều đó là ý chí dân tộc có sức mạnh lớn hơn vũ khí rất nhiều. Cũng giống như Việt Nam, mặc dù sức mạnh quân sự của chúng tôi không thể so với cường quốc quân sự nhưng chúng tôi dám chấp nhận đương đầu, chúng tôi tin tưởng vào con đường mình đã chọn và quyết tâm chiến đấu. Chúng tôi áp dụng cách tiếp cận của Việt Nam như Chủ tịch Hồ Chí Minh áp dụng, đó là tin tưởng vào nhân dân, toàn dân có thể làm cách mạng. Hồ Chí Minh đã có vị tướng tài ba là Võ Nguyên Giáp. Mặc dù cả hai người không xuất thân từ quân đội nhưng họ có tài năng tuyệt vời về chiến lược để đánh bại thực dân. Tương tự, cuộc kháng chiến ở Algeria đã bùng nổ vào ngày 1/11/1954. Những người lính Algeria cũng không xuất thân từ quân đội nhưng họ đã được đào tạo để chiến đấu. Đây là điểm tương đồng thú vị giữa cách mạng Việt Nam và cách mạng Algeria.

Thực dân Pháp đã điều đến Việt Nam nhiều lính từ các nước thuộc địa, đặc biệt từ Châu Phi, như Maroc, Algeria. Đặc biệt, những người lính Algeria bị ép buộc phải đi lính sang Việt Nam. Có một điều tôi thấy rất thú vị đó là Tướng Giáp biết rất rõ rằng những người lính Algeria trong đội quân Pháp đã phải tham gia trận chiến ở Điện Biên Phủ một cách miễn cưỡng. Bản thân Tướng De Castries thì không tin tưởng lính Algeria, ông ấy nói rằng họ không đáng tin. Ví dụ, khi quân đội Việt Nam bao vây Điện Biên Phủ, quân Pháp bao gồm cả những người lính thuộc địa thường trú ẩn trong hầm. Nhưng ban đêm, họ cử lính Algeria canh gác. Vì lính Algeria không sợ bộ đội Việt Nam, họ biết sẽ không nguy hiểm gì nên họ cứ ngủ. Trong khi lính Pháp nếu phải canh gác, họ luôn lăm lăm trong tay lựu đạn MK4. Thậm chí họ còn mở sẵn chốt lựu đạn, để nếu như họ bị đánh úp khi lỡ ngủ thiếp đi thì lựu đạn sẽ nổ. Lính Pháp cũng yêu cầu những người lính Algeria cầm lựu đạn như thế khi canh gác, nhưng lính Algeria đã tìm được một cách đối phó đó là khi sĩ quan Pháp vào hầm, họ liền lấy trong túi ra 1 sợi dây và buộc cái chốt lựu đạn lại để không phát nổ sau đó họ ngủ một cách ngon lành, sáng dậy, họ lại cất sợi dây đi.

Quân đội của Tướng Giáp đã đập tan quân đội Pháp của Tướng De Castries. Đối với những người lính Algeria tham gia trong hàng ngũ quân đội Pháp thì những người bạn Việt Nam nhận ra rằng lính Algeria đến Việt Nam không phải do tự nguyện mà là bị ép buộc. Đó là một chi tiết rất quan trọng.

Khi phát động cách mạng, chúng tôi biết rằng đây là một cuộc chiến không tương quan lực lượng. Chúng tôi thì có ít vũ khí trong khi Pháp có xe bọc thép, máy bay, bom Napal, tất cả các vũ khí chiến đấu do Mỹ cung cấp. Nhưng chúng tôi đã học tập cách đối đầu với thực dân Pháp của Tướng Giáp. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, hồi đầu, Việt Nam cũng không có gì nhiều, không xe tăng, chỉ có những chiếc xe đạp thô sơ để vận chuyển. Chúng tôi cũng giống hệt như vậy. Thực dân Pháp với xe tăng, máy bay và tàu chiến. Máy bay Pháp chỉ mất một giờ là có thể đến ném bom vào đất nước chúng tôi. Khi Tướng Giáp đến thăm Algeria, Tổng thống Boumédiène đã nói với Tướng Giáp rằng Algeria đã học được nhiều điều từ chiến tranh Việt Nam, đáp lại Tướng Giáp cũng trả lời là chúng tôi cũng học được nhiều điều từ cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc của Algeria.

Việt Nam đã tìm ra công thức quân sự để vô hiệu hóa mạng lưới của Pháp, mạng lưới nhằm ngăn chặn đội giải phóng quân Việt Nam. Việt Nam đã tìm được cách di chuyển mặc dù có mạng lưới theo dõi dày đặc của Pháp. Chúng tôi đã học công thức này và áp dụng vào cuộc chiến tranh Algeria.

Anh thấy đấy, giữa hai nước có sự học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Chúng tôi học tập kinh nghiệm của Việt Nam và chúng tôi cũng rất vui khi thấy chúng tôi cũng góp phần giúp Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống Mỹ.

Quân đội của chúng ta đều từ nhân dân mà ra…

- Ông có đề cập đến nghệ thuật quân sự vô cùng tài tình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong Chiến thắng Điện Biên Phủ. Vậy theo ông đâu là điều cốt yếu để xây dựng một đội quân “hùng mạnh” đánh bại được một cường quốc quân sự?

Ông Djoudi Noureddine: Về cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở Algeria, hồi đầu, chúng tôi chỉ có những người lính không có nhiều kinh nghiệm quân sự, nhưng chúng tôi rất tin tưởng và sẵn sàng chiến đấu chỉ với những khẩu súng săn, với những khẩu súng lấy từ Libya, những khẩu súng được để lại từ cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai. Đối diện với chúng tôi là một quân đội Pháp hùng mạnh, một quân đội rất cần giành chiến thắng sau khi bị thất bại ở Điện Biên Phủ. Thất bại đó là một sự nhục nhã đối với họ, vì vậy, họ muốn một chiến thắng và họ muốn chiến thắng ở Algeria.

Chúng tôi phải tìm cách chiến đấu trong điều kiện rất khó khăn. Chúng tôi không có biên giới chung với Trung Quốc hay Liên Xô mà xung quanh chúng tôi là những nước cũng đang nằm trong ách thuộc địa như Maroc, Tunisia, Libya. Libya là lối đi duy nhất. Chúng tôi buộc phải tìm ra giải pháp thích hợp và giải pháp mà chúng tôi đã tìm ra đó là “ngoại giao chiến tranh”. Chúng tôi đã mở các tổ chức đại diện khắp nơi trên thế giới để tuyên truyền về cuộc kháng chiến của chúng tôi, giải thích rằng Algeria có một lịch sử lâu đời, vẻ vang và Algeria không phải là do Pháp tạo ra.

Hơn nữa, Mặt trận giải phóng dân tộc (FLN), lãnh đạo cuộc cách mạng, đã liên lạc với những người Algeria đang được đào tạo tại các trường quân sự của Pháp hoặc những người Algeria đã từng tham gia chiến tranh thế giới lần thứ hai trong hàng ngũ quân đội Pháp, hoặc tham gia chiến tranh ở Italia, ở Việt Nam. Chúng tôi đã liên lạc và truyền tải thành công thông điệp được tới họ. Họ đã rời bỏ quân đội Pháp, qua Thụy Sĩ và Italia... sau đó trở về và mang theo những gì họ biết về chiến thuật, chiến lược của quân đội Pháp. Những đóng góp của họ rất quan trọng bởi vì họ có kinh nghiệm, hiểu biết về quân đội Pháp và họ có thể đào tạo những người lính Algeria vốn ít kinh nghiệm chiến đấu để những người lính này có thể tham gia cách mạng.

Như vậy, có những người buộc phải đi lính cho Pháp nhưng họ đã sử dụng kinh nghiệm của quân đội Pháp để gia nhập đội quân giải phóng dân tộc và đóng góp về mặt kỹ thuật, kinh nghiệm. Thậm chí có những người Pháp cũng tham gia với chúng tôi. Maillot chẳng hạn, ông là người gốc Pháp nhưng đã tham gia cuộc cách mạng giải phóng Algeria và ông đã bị sát hại. Ông Slimanofan cũng rời bỏ quân đội Pháp và tham gia đội quân giải phóng Algeria, ông đã đóng góp những hiểu biết của mình về xe bọc thép của Pháp. Sự đóng góp của những người này đã giúp chúng tôi thực hiện được chiến lược phản công.

Cũng phải kể đến đóng góp của những cựu chiến binh Algeria đã từng tham gia chiến tranh thế giới lần thứ hai, rồi những người lính đã từng bị đi lính ở chiến tranh Việt Nam và họ trở về đóng góp những kinh nghiệm của họ. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, những người lính Algeria được những người bạn Việt Nam đối xử tốt, cho ăn ở tử tế, lại còn được đào tạo. Như vậy, giữa hai cuộc cách mạng Việt Nam và Algeria có sự liên hệ rất chặt chẽ.

Việt Nam và cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc đã ăn sâu vào tâm trí của người Algeria. Đối với chúng tôi, Việt Nam là một dân tộc có lòng dũng cảm phi thường khi chiến đấu và chiến thắng thực dân Pháp. Sau khi giành độc lập, chúng tôi đã lựa chọn đứng về phía Việt Nam, luôn ủng hộ Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ. Thậm chí chúng tôi rất gần gũi với chính phủ lâm thời miền Nam Việt Nam. Hồi đó, tôi rất may mắn là Phó tổng thư ký của Tổ chức thống nhất châu Phi. Tôi có vinh dự được đứng ra với tư cách là công chức quốc tế và của Algeria để vận động một số nước châu Phi công nhận chính phủ Nam Việt Nam.

Tôi đã gặp bà Nguyễn Thị Bình, bà Bình đã đến Mauritius để tham dự Hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức thống nhất châu Phi và tôi đã dẫn bà Bình đến gặp Thủ tướng của Mauritius để nói cho Thủ tướng quốc đảo này nghe rằng Việt Nam sẽ chiến thắng bất chấp sức mạnh quân sự của Mỹ. Đất nước Algeria độc lập luôn ủng hộ Việt Nam, một sự ủng hộ mạnh mẽ và toàn diện, bởi vì Việt Nam là một nước rất quan trọng và đặc biệt với chúng tôi, chúng tôi đã quyết định sẽ đứng về phía Việt Nam bất chấp mọi hậu quả. Mặc dù có nhiều sức ép và sự đe dọa của các nước phương Tây, nhất là Pháp và Mỹ nhưng chúng tôi vẫn giữ nguyên lập trường, bởi đối với chúng tôi Việt Nam luôn là một tấm gương và chúng tôi cần phải luôn luôn ủng hộ.

Như tôi đã nói, trí tuệ của các bạn cao siêu hơn máy móc của quân đội Mỹ rất nhiều. Tình bạn giữa Việt Nam và Algeria có cơ sở lịch sử rất vững chắc. Chúng ta cần phải tăng cường về mọi mặt, kinh tế, quân sự, tăng cường quan hệ như chúng ta đã từng có trong thời chiến tranh giải phóng dân tộc. Quân đội nhân dân của chúng tôi cũng có những tương đồng với quân đội nhân dân Việt Nam, không giống như quân đội truyền thống của các nước phương Tây. Quân đội của chúng ta đều từ nhân dân mà ra. Chính vì thế chúng ta mới gọi là quân đội nhân dân. Không có sự khác nhau giữa hai nước chúng ta về cách thức xây dựng quân đội nhân dân. Nhờ vào quân đội nhân dân, chúng ta mới tự do, hòa bình mặc dù bị đe dọa từ nhiều phía. Những điểm tương đồng này khiến cho hai nước chúng ta gần nhau hơn.

Và không có lí do gì mà chúng ta không tăng cường quan hệ hai nước về mặt ngoại giao. Đó là trách nhiệm của hai chính phủ. Tôi nghĩ quan hệ hai nước chúng ta có một nền tảng vững chắc, có một lịch sử rất tuyệt vời và chúng ta cần phải tăng cường hơn nữa.

Chiến thắng Điện Biên Phủ là ngòi nổ cho

phong trào giải phóng dân tộc

- Theo ông, Chiến thắng Điện Biên Phủ có ý nghĩa như thế nào trong tiến trình cách mạng giải phóng dân tộc của các quốc gia trong khu vực?

Ông Djoudi Noureddine: Giống như tôi đã nhấn mạnh ngay từ đầu buổi phỏng vấn, đối với chúng tôi, quan hệ với Việt Nam là một mối quan hệ rất đặc biệt. Chiến thắng Điện Biên Phủ là một sự kiện mang tầm vóc quốc tế chứ không giới hạn ở Việt Nam. Đó là tấm gương cho các nước thuộc địa noi theo. Đó là kết quả của những năm kháng chiến trường kỳ và gian khổ của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ban đầu, người ta không biết Hồ Chí Minh là ai, chỉ biết đó là một thanh niên Việt Nam, đã đi tới nhiều nơi trên thế giới như Trung Quốc, Liên Xô ... và Algeria. Nhưng những gì Hồ Chí Minh làm sau đó đã khiến cả thế giới phải biết đến. Hồ Chí Minh đã tìm ra được con đường cách mạng đấu tranh chống lại kẻ thù là một cường quốc quân sự, được sự ủng hộ của các nước đồng minh và NATO. Hồ Chí Minh đã biết cách tổ chức, khích lệ, đoàn kết nhân dân Việt Nam dưới ngọn cờ của Đảng Cộng sản Việt Nam để kháng chiến. Hơn nữa, lại có một vị tướng quân sự tài ba lỗi lạc là Tướng Giáp. Quyết định kêu gọi toàn quốc kháng chiến không phải là một quyết định dễ dàng, đó là kết quả của những trăn trở và nỗ lực không ngừng nghỉ của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Và rất may mắn là Chủ tịch Hồ Chí Minh được có được sự hỗ trợ đắc lực của Tướng Giáp, một nhà nghệ thuật quân sự tài ba. Ông đã tìm ra cách chiến đấu với một quân đội hùng mạnh như thực dân Pháp. Trong khi Pháp có đầy đủ các phương tiện chiến đấu như xe tăng, máy bay... thì quân đội Việt Nam chỉ có những chiếc xe đạp thô sơ. Thực ra đó là điều kỳ diệu và ý chí phi thường của dân tộc Việt Nam. Việt Nam thật may mắn khi có Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã là đòn giáng mạnh vào thực dân Pháp và là cú sốc đối với thực dân dù là thực dân Pháp, Anh hay thực dân khác. Đó là minh chứng hùng hồn cho thấy một dân tộc với lòng quyết tâm cao, vũ khí chiến đấu thô sơ nhưng có thể làm cách mạng và giải phóng dân tộc thành công. Chính vì vậy, Việt Nam đã châm ngòi cho các phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới và phong trào này bắt đầu ở Algeria. Bởi vì Algeria đã từng có quan hệ với Hồ Chí Minh về mặt chính trị ngay từ những năm 1920, hồi đó Hồ Chí Minh đã từng gặp các nhà lãnh đạo Algeria và có trao đổi với nhau từ đó. Vì vậy, ngay khi Việt Nam phát động kháng chiến chống thực dân Pháp thì Algeria chúng tôi cũng đã chuẩn bị tâm lý và nguồn lực sẵn sàng.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một tài năng có bộ óc đáng kinh ngạc, có một chiến lược quân sự phi thường đã vô hiệu hóa và đập tan thực dân Pháp. Đối với Algeria, Việt Nam là một điển hình, là một nguồn cảm hứng. Chúng tôi đã học tập được kinh nghiệm từ chiến lược quân sự của Việt Nam. Mặc dù, về mặt địa lý, Việt Nam nằm cách xa Pháp và được các nước láng giềng là Trung Quốc, Liên Xô ủng hộ trong khi Algeria thì nằm rất gần Pháp.

Chúng tôi vui mừng trước chiến thắng Điện Biên Phủ và xem đó như chiến thắng của chúng tôi. Nhưng chúng tôi không thể có một Điện Biên Phủ. Vì vậy mục đích của chúng tôi không phải là đập tan thực dân Pháp bởi vì tương quan lực lượng quá lớn, nhưng chúng tôi dựa vào lực lượng giải phóng dân tộc để tạo áp lực đối với Pháp, buộc Pháp phải thương thảo với chúng tôi, chúng tôi phải đập tan cái luận điệu Algeria là của Pháp. Với kinh nghiệm chiến đấu của chúng tôi, chúng tôi đã đưa Pháp đến tình trạng kiệt quệ về kinh tế, thậm chí bị thất bại về mặt ngoại giao.

Tướng De Gaulle trao trả độc lập cho Algeria không phải là do yêu mến Algeria mà do ông là một nhà chủ nghĩa dân tộc Pháp. Ông đã nhìn thấy vì chiến tranh với Algeria mà nước Pháp bên bờ vực phá sản nên ông buộc phải đồng ý đám phán với chúng tôi trên cơ sở bình đẳng. Đó chính là chiến thuật mà đội quân giải phóng Algeria đã đề ra, theo đuổi và chúng tôi đã thành công.

Chiến thắng Điện Biên Phủ đóng vai trò rất quan trọng đối với cách mạng Algeria bởi vì đó là bằng chứng hùng hồn nhất chứng minh một đất nước, một dân tộc với lòng dũng cảm và trí thông minh vẫn có thể đánh bại một quân đội hùng mạnh của phương Tây. Về mặt hiện thực, chúng tôi sẽ làm cách mạng như Việt Nam, chúng tôi sẽ kháng chiến để giải phóng dân tộc nhưng mục tiêu chiến lược của chúng tôi thì khác một chút bởi vì các nước láng giềng của Algeria là các nước thuộc địa và về mặt địa lí chúng tôi lại ở gần Pháp. Giải pháp của chúng tôi đưa ra phải khác so với Việt Nam và phù hợp với hoàn cảnh của chúng tôi. Cách mạng Việt Nam và cách mạng Algeria đã trở thành những cuộc cách mạng điển hình cho các phong trào giải phóng dân tộc ở Châu Phi.

Sau khi giành độc lập, Algeria đã tìm mọi cách để giúp đỡ các nước châu Phi giải phóng khỏi ách thuộc địa. Những gì Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tướng Giáp đã làm là tấm gương điển hình cho các cuộc đấu tranh giải phóng để các dân tộc noi theo. Đối với chúng tôi, chiến thắng Điện Biên Phủ còn có ý nghĩa thứ hai, đó là ý nghĩa về mặt cảm xúc. Như tôi đã kể, ngày 8/5/1945, Pháp đã thảm sát và giết hại 45.000 người Algeria tại các thành phố Guelma, Sétif. Ngày 7/5/1954, thực dân Pháp bị thất bại ở Điện Biên Phủ. Về mặt cảm xúc, tôi cảm thấy dường như Việt Nam đang trả thù cho cuộc thảm sát ngày 8/5/1945 của Algeria. Điều đó làm chúng tôi cảm thấy rất xúc động.

Nếu Việt Nam kháng chiến thành công thì chúng tôi cũng có thể thành công, vì vậy vào tháng 11/1954 chúng tôi quyết định phát động chiến tranh giải phóng dân tộc. Đó là lí do tại sao tôi nói Chiến thắng Điện Biên Phủ là ngòi nổ cho cách mạng Algeria và các phong trào giải phóng dân tộc khác.

- Liệu sau trận Điện Biên Phủ, Pháp có thay đổi chính sách chiến lược ở châu Phi?

Ông Djoudi Noureddine: Tướng Giáp đã có một câu nói đi vào lịch sử đó là: Thực dân Pháp là một học trò dốt, không biết rút kinh nghiệm. Sau khi thất bại ở Điện Biên Phủ mà họ vẫn không chịu hiểu và vẫn muốn làm điều tương tự ở Algeria. Và ở Algeria, họ lại nhận kết quả tương tự. Pháp không muốn hiểu rằng khi một dân tộc đã quyết tâm đấu tranh để giải phóng dân tộc, chấp nhận hy sinh tất cả thì dân tộc đó sẽ chiến thắng. Ở Algeria, Pháp muốn trả thù nỗi nhục thất bại ở Điện Biên Phủ, họ muốn một chiến thắng bằng mọi giá để chứng minh quân đội Pháp vẫn là một đội quân hùng mạnh. Nhưng một lần nữa họ lại thất bại giống như đã thất bại ở Việt Nam, bởi vì Algeria cũng có tinh thần bất khuất giống như Việt Nam, bởi vì chúng tôi hiểu rằng cuộc đấu tranh về mặt ngoại giao của các đảng chính trị đều bị thất bại và cần phải đấu tranh vũ trang, phải kháng chiến và Việt Nam là một ví dụ điển hình.

Cuộc kháng chiến ở Việt Nam và cách mạng Algeria có chung một điểm đó là đều do huy động sức mạnh toàn dân và chúng ta có đội quân giải phóng mà ngày nay chúng ta gọi là quân đội nhân dân. Quân đội của chúng ta bắt nguồn từ nhân dân, không giống như các quân đội truyền thống.

- Ông đánh giá như thế nào về những thành tựu của Việt Nam 70 năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ?

Ông Djoudi Noureddine: Mặc dù phải trải qua hai cuộc chiến tranh, nhưng Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về kinh tế và trở thành một thế lực mới về kinh tế. Thật là đáng kinh ngạc. Việt Nam ngày nay là một nước phát triển mạnh mẽ về kinh tế với những tiến bộ vượt bậc, đặc biệt có thể sản xuất những sản phẩm từng là thế mạnh của các cường quốc khác. Về mặt chính trị, Việt Nam đã thành công khi vẫn tiếp tục phát huy được sức mạnh của nhân dân để xây dựng đất nước từ một nước kiệt quệ, bị tàn phá vì hai cuộc chiến tranh trở thành một đất nước như ngày hôm nay, mà người ta gọi là “con rồng kinh tế”. Đó cũng là một điều kỳ diệu.

Đất nước chúng tôi cũng đang đi đúng con đường giống như vậy bởi vì từ khi Tổng thống Tebboune phát động một loạt các cải cách theo đúng tinh thần của cựu Tổng thống Boumédiène thì chúng tôi thấy rằng Algeria đang phát triển để trở thành một cường quốc kinh tế. Chúng tôi không còn là Algeria của 10 hay 20 năm về trước nữa mà đang trên đường phát triển để trở thành một cường quốc ở Địa Trung Hải, Châu Phi và Ả-Rập.

Tôi cũng rất muốn được đến Việt Nam nhưng anh thấy đấy, ở tuổi tôi thì điều đó khó mà thực hiện được.

- Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Thực hiện: Trung Khánh – Ngọc Tú
Thiết kế: Việt Anh


(0) Bình luận
© Bản quyền thuộc về VietnamPlus, TTXVN.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Chiến thắng Điện Biên Phủ luôn để lại nhiều cảm xúc trong lòng người dân Algeria'