Mega Story

Chống biến đổi khí hậu: Từ cam kết đến hành động của Việt Nam

30/11/2023 09:10

VietnamPlus Megastory

ttxvn_trong-rung.jpg

Nhận lời mời của Chính phủ Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng Đoàn Đại biểu Cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Hành động Khí hậu Thế giới trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (COP28), và tiến hành một số hoạt động song phương tại UAE (ngày 1 đến 3/12/2023).

Việc Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự COP28 có ý nghĩa to lớn, tiếp tục khẳng định chủ trương của Đảng về đối ngoại, đặc biệt là về ứng phó với biến đổi khí hậu.

VIỆT NAM CHỦ ĐỘNG, TÍCH CỰC, TRÁCH NHIỆM TRONG XỬ LÝ KHỦNG HOẢNG BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

Là một trong những nước chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn đặt vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu là ưu tiên trong phát triển kinh tế-xã hội, chủ động, tích cực trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Việt Nam đã tham gia nhiều điều ước quốc tế quan trọng, đóng góp vào các quá trình đàm phán quốc tế về khí hậu.

Việt Nam luôn thể hiện là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Tại COP21, Việt Nam đã đưa ra cam kết mạnh mẽ góp phần cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu; đồng thời tuyên bố Việt Nam sẽ đóng góp 1 triệu USD vào Quỹ Khí hậu Xanh giai đoạn 2016-2020.

ttxvn_thu-tuong_cop21.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Khí hậu trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu - COP26. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Về đóng góp giảm phát thải khí nhà kính, Việt Nam sẽ thực hiện giảm phát thải so với kịch bản cơ sở là 8% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 và có thể giảm đến 25% nếu nhận được hỗ trợ hiệu quả từ cộng đồng quốc tế.

Việt Nam cũng đã tích cực thực hiện các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, định hướng phát triển nền kinh tế theo hướng carbon thấp, tăng trưởng Xanh và tăng cường thực hiện các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính có tiềm năng trong các lĩnh vực năng lượng, công nghiệp, giao thông vận tải, nông nghiệp, chất thải cũng như tăng cường khả năng hấp thụ carbon trong lĩnh vực sử dụng đất…

Tại Hội nghị COP26 năm 2021, Việt Nam đã bày tỏ sự đồng hành mạnh mẽ cùng 150 quốc gia trên thế giới cam kết đưa mức phát thải ròng về "0" vào giữa thế kỷ - năm 2050.

Việt Nam cùng với hơn 100 quốc gia tham gia Tuyên bố Glassgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất; cùng 48 quốc gia tham gia Tuyên bố Toàn cầu về Chuyển đổi Điện than sang Năng lượng Sạch; cùng 150 quốc gia tham gia Liên minh hành động 2 thích ứng an toàn.

ttxvn_ung-pho-bien-doi-khi-hau.jpg
Nông dân vùng lũ phát triển những mô hình sinh kế thích ứng biến đổi khí hậu. (Nguồn: TTXVN)

Việc thực hiện các cam kết tại Hội nghị COP26, đặc biệt là cam kết đưa mức phát thải ròng về "0" vào giữa thế kỷ của Việt Nam là xu thế tất yếu, không thể đảo ngược. Chính vì thế việc thực hiện kịp thời các cam kết này sẽ mang lại lợi ích lớn và lâu dài cho đất nước.

Cam kết này đã góp phần định hình các chiến lược bảo vệ khí hậu của Việt Nam. Ngay sau COP26, Việt Nam đã triển khai các công việc liên quan để thực hiện các cam kết, trong đó Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26, ban hành Quyết định số 888/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chiến lược Quốc gia về Biến đổi Khí hậu giai đoạn đến năm 2050, Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng Xanh giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Đóng góp do quốc gia tự quyết định cập nhật năm 2022 và các cam kết tại COP26, Chương trình Phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2030; thực hiện Quy hoạch Điện VIII…

ttxvn_trong-rung-2.jpg
Người dân trồng rừng tại xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh để ứng phó với biến đổi khí hậu. (Ảnh: TTXVN)

Các cam kết trong xử lý, ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam được các nước trên thế giới đánh giá rất cao

Việt Nam cũng đã tham gia Sáng kiến Cộng đồng châu Á phát thải ròng bằng "0" do Nhật Bản khởi xướng và hợp tác với nhiều đối tác quốc tế để triển khai các cam kết của của Việt Nam như Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA), Bộ Môi trường Hàn Quốc, Bộ Môi trường Nhật Bản, Bộ Khoa học Trái Đất Ấn Độ, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), Liên minh Năng lượng vì Hành tinh và Con người (GEAPP), Cơ quan Dịch vụ Dự án Liên hợp quốc (UNOPS) cùng Quỹ Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Đông Nam Á (ETP), các ngân hàng: Citi Bank, HSBC, Standard Chartered...

Nhìn chung, các cam kết trong xử lý, ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam đã được các nước trên thế giới đánh giá rất cao. Nhiều đối tác quốc tế, như Anh, Mỹ và EU nói riêng cũng như Nhóm Các nước Công nghiệp Phát triển Hàng đầu Thế giới (G7) nói chung, đều đánh giá Việt Nam đã nhanh chóng triển khai các biện pháp và kế hoạch để biến cam kết thành hành động, thể hiện là một quốc gia tích cực, chủ động và có trách nhiệm trong thực hiện các cam kết quốc tế.

VIỆT NAM TIẾP TỤC GỬI THÔNG ĐIỆP MẠNH MẼ VỀ CHỐNG BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU TẠI COP28

Chuyến công tác và tham dự Hội nghị COP28 tại UAE của Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày 1 và 2/12/2023 lần này nhằm tiếp tục khẳng định đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng XIII về tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế và Chỉ thị số 25- CT/TW của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương nhằm góp phần bảo đảm môi trường quốc tế và khu vực hòa bình, ổn định, phục vụ mục tiêu phát triển và bảo vệ Tổ quốc.

Đồng thời, đây là dịp để Việt Nam thể hiện mạnh mẽ thông điệp trách nhiệm, chủ động, tích cực trong tham gia xử lý các thách thức chung toàn cầu về biến đổi khí hậu; giúp cộng đồng quốc tế hiểu rõ chủ trương, quyết tâm và nỗ lực cũng như những khó khăn, thách thức của Việt Nam trong ứng phó với biến đối khí hậu.

cop-28.jpg
Hội nghị COP28 diễn ra tại UAE, từ 30/11 đến 12/12/2023.

Theo Đại sứ Việt Nam tại Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) Nguyễn Mạnh Tuấn, việc tham dự hội nghị lần này cho thấy Việt Nam sẵn sàng tham gia hợp tác cùng các thành viên Liên hợp quốc trong ứng phó với các thách thức toàn cầu, trong đó có chống biến đổi khí hậu, cũng như thể hiện cam kết của Việt Nam đưa phát thải ròng về "0" vào năm 2050.

Hiện Việt Nam là một trong 30 nước đầu tiên nộp bản Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) và là một trong ba quốc gia đang phát triển đầu tiên (cùng với Indonesia và Nam Phi) tham gia Quan hệ Đối tác về Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP). Dự kiến tại COP28 lần này, Việt Nam sẽ công bố Kế hoạch huy động nguồn lực JETP.

Cũng trong khuôn khổ của COP28, Việt Nam sẽ có gian triển lãm để giới thiệu về công cuộc ứng phó biến đổi khí hậu tại Việt Nam. Việt Nam cũng sẽ tổ chức Lễ ra mắt Kế hoạch Huy động Nguồn lực Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP) của Việt Nam và các hoạt động giới thiệu về nỗ lực giảm nhẹ, thích ứng, Tăng trưởng Xanh của Việt Nam trong thời gian qua.

Việt Nam mong muốn tại COP28, các quốc gia sẽ công bố kế hoạch thực hiện NDC ở mức cao hơn, qua đó đóng góp vào nỗ lực chung toàn cầu về giảm phát thải khí nhà kính, tăng cường khả năng thích ứng, sức chống chịu với biến đổi khí hậu…/.

infographics_bien-doi-khi-hau-1.jpg
(Nguồn: TTXVN)


(0) Bình luận
© Bản quyền thuộc về VietnamPlus, TTXVN.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chống biến đổi khí hậu: Từ cam kết đến hành động của Việt Nam